(VnMedia) - Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương đã xuất hiện trên sân khấu đêm nhạc Gọi tên bốn mùa với sự mới mẻ cả về hình thức lẫn tâm thế. Họ đã hát nhạc Trịnh bằng tinh thần mới, bằng hơi thở của đời sống đương đại, vừa đủ độ lắng nhưng cũng rất “sôi động”.
Tùng Dương, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc đã mang đến cho khán giả một đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc và mới mẻ. |
In the spotlight số 5 là âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chương trình có có chủ đề Gọi tên bốn mùa đã diễn ra đêm 22/12 tại Nhà hát Hòa Bình - TP Hồ Chí Minh. Có thể nói chương trình đã khoác một “tấm áo mới” cho nhạc Trịnh rất thành công, hay nói đúng hơn là đã thổi vào nhạc Trịnh một tinh thần mới, một làn gió mới mang đậm hơi thở của cuộc sống hôm nay. Đúng như những gì mà Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương đã nói trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình cách đây một tháng, rằng, nhạc Trịnh muốn tồn tại với công chúng trẻ, thì phải được hát bằng cảm nhận của thế hệ ca sỹ trẻ.
Vì thế Tùng Dương mới mạnh mẽ đầy sức sống nhưng vẫn đủ độ lắng khi hát Một cõi đi về, Vết lăn trầm, Ru ta ngậm ngùi, Xin mặt trời ngủ yên. Giọng hát cũng như cách cảm thụ nhạc Trịnh của Tùng Dương đủ đế anh vẫn có sự khỏe khoắn, sôi động của tuổi trẻ, nhưng vẫn rất tinh tế, sâu lắng, chững chạc của người từng trải. Sự kết hợp giữa “nước” và “lửa” trong giọng hát Tùng Dương qua từng bài hát, từng chuỗi ca khúc đã mang lại những cảm xúc đầy mới mẻ cho nhạc Trịnh Công Sơn.
Mỹ Linh sau đêm nhạc Gọi tên bốn mùa được một số nhà báo ví von như “mùa Thu” của nhạc Trịnh. Cô hát nồng nàn, tinh tế và cũng rất “lửa”, bên cạnh đó là sự thẩm thấu những tình cảm của một người mẹ nên khi thì nhẹ nhàng, bay bổng với Mưa hồng, lúc lại đằm sâu, day dứt và đầy cảm xúc với Ca dao mẹ. Đặc biệt là bản song ca Tuổi đá buồn với Tùng Dương, Mỹ Linh đã cùng “đàn em” dẫn dụ khán giả vào một không gian âm nhạc với sự kết hợp giữa sự nồng nàn của Mỹ Linh và sự quyết liệt của Tùng Dương. Cả hai ca sỹ đều đang ở độ chin của nghề nên phần biểu diễn của họ giống như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.
Mỹ Linh và Tùng Dương đầy lãng mạn với Tuổi đá buồn. |
Hồng Nhung đã “khác lạ” ngay cả ở việc nhỏ nhất, đó là chị không tâm sự nhiều về mối lương duyên của chị với nhạc Trịnh mà chỉ xuất hiện và hát. Đâu đó giữa khoảng trống bài này, bài kia, chị cũng chỉ nói vài câu, chị muốn sự thay đổi phải bắt đầu cả từ việc “ngoài lề” như vậy. Và Hồng Nhung đã cất lên những ca khúc quen thuộc nhưng bằng tâm thế của một người mang nhạc Trịnh sang một không gian khác, một không gian âm nhạc vừa sang trọng vừa gần gũi, vừa cao cấp nhưng vẫn đủ sự bình dị.
Này em có nhớ, Ru em từng ngón xuân nồng, Hạ trắng… được phối khí rất mới mẻ. Điểm nhấn thú vị nhất của lần xuất hiện này với nhạc Trịnh của Hồng Nhung, chính là màn song ca với Mỹ Linh ca khúc được ví von là “trường ca” của Trịnh Công Sơn: Đóa hoa vô thường. Sự phối khí khá tỉ mỉ thể hiện sự đầu tư lớn về chất xám đã giúp hai diva thêm thăng hoa trong một bản nhạc đầy đủ những trạng thái từ nhẹ nhàng, bay bổng đến mạnh mẽ, rực lửa. Một bản phối đầy kịch tính đã khiến giả vỗ tay không ngớt khi kết thúc bài hát này.
Màn song ca Đóa hoa vô thường là "đỉnh cao" của đêm diễn |
Tuấn Ngọc có lẽ là người duy nhất vẫn giữ tâm thế bình thường của anh với nhạc Trịnh. Anh hát như tâm sự, trò chuyện, thủng thẳng mà không vội vã. Có lẽ người ca sỹ đã đi qua những thăng trầm của cuộc sống, đủ những trải nghiệm như Tuấn Ngọc, khá “bình tĩnh” trước sự thay đổi của thời cuộc. Anh vẫn tự tin với một lượng khán giả của riêng mình và anh vẫn hát như thế, như bao năm qua và không có gì thay đổi. Chính sự trầm tĩnh, chậm rãi, thong thả của Tuấn Ngọc giống như nốt lặng đầy bình yên trước khi tấm màn nhung khép lại.
Chiều một mình qua phố, Dấu chân địa đàng, Ru đời đi nhé, Cuối cùng cho một tình yêu là những tình khúc anh hát đầy cảm xúc, sau khi xuất hiện bằng màn song ca vô cùng ấn tượng với Tùng Dương ca khúc Phôi pha. Hai giọng ca ở hai thế hệ với cách cảm thụ khác nhau nhưng lại hòa quyện trong cùng một bản phối rất mới lạ tạo nên phần biểu diễn cực kỳ ấn tượng. Đây cũng là một trong những tiết mục tạo dấu ấn sâu sắc nhất của chương trình.
Gọi tên bốn mùa khép lại đêm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh với những thành công nhất định, nhận được sự ủng hộ và khen ngợi của báo giới và khán giả Sài Gòn. Sự thành công này bắt nguồn từ ý tưởng của nhạc sỹ Hồng Kiên và ekip thực hiện chương trình của công ty Mỹ Thanh - đơn vị sản xuất chuỗi chương trình In the spotlight, với mong muốn mang đến cho khán giả những cảm nhận mới, những trải nghiệm mới trong âm nhạc với chất lượng đỉnh cao.
Tuấn Ngọc - Tùng Dương là một sự kết hợp "nước - lửa" hoàn hảo. |
Chính vì thế, mỗi chương trình In the spotlight, đặc biệt là Gọi tên bốn mùa - chương trình kỷ niệm một năm ngày In the spotlight ra đời đã được đầu tư với mức kinh phí “khủng” cho dù giá vé không thay đổi so với những số trước. Lần đầu tiên hai ban nhạc hàng đầu Việt Nam cùng chơi trên sân khấu trong tất cả các tiết mục từ đầu đến cuối. Sự đầu tư cả ở dàn nhạc giao hưởng, dàn vocal với những ca sỹ hai miền Nam - Bắc với sự chỉ huy của nhạc sỹ Đức Trí là những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của chương trình.
Nhạc sỹ Đức Trí, Hoài Sa đã góp phần “khoác áo mới” cho nhạc Trịnh rất hiệu quả bằng những bản phối ấn tượng. Đặc biệt là Hồng Kiên - Giám đốc nghệ thuật, “tổng chỉ huy” của cả đêm diễn là người đã “lao tâm, khổ tứ” để có thể lên những ý tưởng độc đáo, táo bạo, làm nên những sự kết hợp hoàn hảo giữa những điều tưởng chừng “chéo ngoe” khó thực hiện.
Công ty Mỹ Thanh thực sự dũng cảm khi dám bỏ tiền đầu tư vào chuỗi chương trình In the spotlight mà không có nhà tài trợ, nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với niềm tin rằng khán giả sẽ ngày càng ủng hộ và đến với In the spotlight nhiều hơn bởi những chương trình âm nhạc chất lượng cao mà Công ty đã sản xuất, thực hiện trong một năm qua, hy vọng những người yêu âm nhạc đích thực sẽ tiếp tục đến với Gọi tên bốn mùa sẽ diễn ra đêm 3 - 4/1/2013 tới đây tại Cung văn hóa Việt Xô - Hà Nội.
Những hình ảnh đáng nhớ trong đêm diễn |
Nhật Anh
Ý kiến bạn đọc