Phim nhựa sắp đến "ngày tận thế"

15:42, 29/11/2012
|

(VnMedia) - Các đại biểu quốc tế trong hội thảo “Xu hướng phát triển điện ảnh thời kỳ công nghệ số” đều đưa ra thông tin, phim nhựa sẽ không còn đất sống trong tương lai rất gần.

Ảnh minh họa

Trong khi Việt Nam vẫn duyệt phim trên bản nhựa, thì thế giới đã đi đến kỹ thuật số 4K - một khái niệm còn mới mẻ với nhiều người trong giới chuyên môn

Không quẩn quanh những câu chuyện quen thuộc ở nhiều tọa đàm, hội thảo, buổi seminar thứ 2 trong khuôn khổ LHPQT Hà Nội có chủ đề, và theo đó là những thông tin, chia sẻ khá mới mẻ - so với ngay những người làm nghề.

Phim kỹ thuật số và lợi điểm đáng tiền

Chủ trì cuộc hội thảo – đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đạo diễn “nhà nước” đầu tiên làm phim điện ảnh trên công nghệ số. Năm 2009, khi thực hiện bộ phim Chơi vơi (Hãng phim truyện 1), anh đã từng hào hứng chia sẻ với VnMedia về sự sung sướng khi được làm phim với công nghệ này.

“Nếu như các phim (Việt Nam) thông thường quay 10 ngàn mét phim, phim này có thể quay 100 ngàn mét mà không ngại tốn tiền. Chẳng hạn thường các phim quay 3 đúp ăn 1, thì phim này có thể quay thoải mái 20 đúp ăn 1. Nhờ thế các cảnh quay được hoàn thành ở mức độ hài lòng nhất của mình”.

Thực ra, việc làm phim bằng kỹ thuật số đã được một số hãng phim tư nhân và các nhà làm phim tiếp cận từ trước đó. Tuy nhiên, các hãng phim nhà nước vẫn trung thành với phim nhựa, việc duyệt phim của hội đồng điện ảnh vẫn thực hiện trên bản phim 35mm. Và chủ đề này gần đây mới hiện diện trong các câu chuyện điện ảnh.

Bùi Thạc Chuyên chia sẻ 2 lợi ích đặc biệt của kỹ thuật số. “Có thể quay trọn một màn từ đầu đến cuối mà không phải ngắt giữa chừng để tiết kiệm phim, trong khi sử dụng phim nhựa 35mm, chỉ cần đánh flash đã mất một nửa cảnh. Ngoài ra, toàn bộ âm thanh được thu đồng bộ ngay trên hiện trường, điều này vô cùng hữu ích với khâu làm hậu kỳ và giúp nâng cao chất lượng âm thanh”.

Anh cũng thông tin, khi quay phim bằng công nghệ kỹ thuật số, làm hậu kỳ, anh không cần phải mua âm thanh của Digital Dolby với giá 5.000 USD (ở châu Á) hay 5.000 bảng Anh (ở châu Âu nữa), tiết kiệm thêm một khoản chi phí.

Thế giới đã không còn làm phim nhựa

Bà Claire Lajoumard đến từ Acrobates Films cho biết, ở châu Âu, hiện tại đa số nhà làm phim đều sử dụng kỹ thuật số, và chỉ có một số ít dùng phim 35mm, tuy nhiên, các cơ sở làm hậu kỳ cho loại phim này ngày càng ít.

Ảnh minh họa

Hiện Việt Nam còn 151 phòng chiếu phim nhựa, và việc chuyển đổi hệ thống này sang kỹ thuật số là việc tất yếu


Ông Ian Riches, Giám đốc Golden Duck International nhấn mạnh: “Các bạn chú ý là đến 2013, sẽ không còn sử dụng phim 35mm. Hiện một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuyển 100% rạp chiếu sang kỹ thuật số”.

Ông cho biết, hiện các công ty phim lớn như Technicolor, Fuji, Kodak đã không còn sản xuất phim 35mm. Với thực tế này, việc sản xuất và phát hành phim 35mm ngày càng trở nên tốn kém.

Bà Trần Bích Quân, hãng phát hành phim Dissidenz (Pháp) cũng dẫn một ví dụ về sự khan hiếm phim 35mm. 2 năm trước đây, khi thực hiện một phim tại Nhật Bản, họ tìm mua phim 35mm ở Pháp nhưng quá đắt và phải tới Nhật để có giá dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, nhà sản xuất phim gốc Việt này cũng cho hay, trong những LHP quốc tế lớn, vẫn có những tác phẩm được thực hiện bằng phim 35mm, để thể hiện những yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật. Sau đó, sẽ chuyển sang định dạng kỹ thuật số để trình chiếu.

Lối thực hiện này cũng giống như nhiều tay máy ảnh chuyên nghiệp, dù có thể sử dụng những thiết bị máy ảnh kỹ thuật số đời mới nhất, vẫn thi thoảng chơi máy phim trong một số nhu cầu sáng tác của mình.

Từng làm việc tại Megastar Việt Nam, ông Ian Riches đưa ra thống kê về hệ thống rạp chiếu toàn quốc. Việt Nam hiện có hơn 200 phòng chiếu, trong đó 2/3 vẫn là rạp chiếu phim 35mm.

Việc chuyển đổi hệ thống này sang rạp chiếu kỹ thuật số là tất yếu, và Việt Nam sẽ còn rất nhiều vấn đề cần tham khảo cho lộ trình này một cách hiệu quả và tiết kiệm, như băn khoăn tìm lời khuyên từ các khách quốc tế của nhà quay phim Lý Thái Dũng.


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc