Bộ phim nào lên ngôi tại LHPQT Hà Nội

15:36, 29/11/2012
|

(VnMedia) - 5 ngày liên hoan phim dường như là thời gian quá ngắn ngủi cho báo giới theo dõi các tác phẩm dự thi, khi mà bên cạnh còn hàng loạt hoạt động khác. Chỉ kịp xem một nửa trong số tác phẩm dự giải, VnMedia võ đoán những bộ phim ấn tượng trong giải thưởng này.

>> Phim Việt nào dự thi LHP quốc tế Hà Nội?
>> Thiên mệnh anh hùng dự LHPQT Hà Nội

Ngoài nước chủ nhà với 2 đại diện là Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ) và Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn), 12 tác phẩm còn lại được chia đều cho 12 quốc gia tham dự. Mỗi nước góp một tác phẩm.

Từ những nền điện ảnh gần gũi với công chúng Việt như Trung Quốc, Hồng Kông, tới những nền điện ảnh thân quen với nhiều fan cine Việt như Iran, Hàn Quốc. Từ những nền điện ảnh lớn nhưng khu biệt khán giả Việt như Nhật Bản, Ấn Độ tới những quốc gia còn ít được biết đến như Kazakhstan, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Phillipines là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á còn New Zealand là đại diện cho Châu Đại dương.

Có thể nói là một tập hợp khá phong phú về mặt địa lý, tuy còn thiếu vắng Đài Loan, Thái Lan, Singapore là những đất nước cũng có nhiều thành tựu điện ảnh trong khu vực.

Night of Silence (Đêm tĩnh lặng) của Thổ Nhĩ Kỳ là tác phẩm được chú ý từ trước khi LHP khai mạc. Bởi Ban tổ chức đã chọn bộ phim này để giới thiệu cho báo giới trong khuôn khổ các buổi chiếu tiền liên hoan. Bộ phim khá độc đáo khi hầu hết bối cảnh chỉ diễn ra trong một căn phòng tân hôn, giữa một chú rể 60 tuổi và một cô dâu 14 tuổi.

Ảnh minh họa

 Cảnh trong Night of Silence

Bắt đầu với ấn tượng tội nghiệp cô gái bé nhỏ trong cuộc hôn nhân chênh lệch, những diễn biến trong đêm mở ra chuyện đời người đàn ông đã phải hy sinh cả thời tuổi trẻ trong tù vì danh dự của gia đình, đến khi có hạnh phúc muộn màng cũng là để hòa giải thù hận giữa 2 dòng họ. Ông kiên nhẫn và nỗ lực - kể cả làm những điều cấm kỵ, để đến lúc bình minh, tưởng chừng đã làm an nỗi sợ tiềm tàng trong cô dâu, thì dường như bình yên vẫn không thể là món quà.

Talgat (Kazachstan) lại là một câu chuyện đầy nhân văn theo lối Cinema Paradiso (Rạp chiếu bóng thiên đường) hay Life’s beautiful (Cuộc sống tươi đẹp) của Italia từng đoạt giải Oscar năm nào. Có điều, ở đây không phải là chuyện người lớn cố gắng để bảo vệ trẻ thơ trong thế giới thiên thần của chúng, mà chính một cậu bé tự giữ gìn thế giới trong sáng giữa hoàn cảnh cuộc sống nghèo khó với người cha nghiện rượu và người mẹ từng là gái giang hồ.

Ảnh minh họa

Cảnh trong phim Talgat

Talgat không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn bao bọc cho cô em gái bé bỏng và người chú tâm thần. Cậu bé dành dụm những đồng tiền nhỏ nhoi từ bán túi nilon, cất giấu chúng như chắt chiu, nuôi dưỡng ước mơ, để mua cho em gái chiếc váy, cho chú chiếc xe đạp, và để tự cho mình một buổi xem phim chiếu rạp. Cảnh Talgat phải bỏ dở buổi chiếu vì cô em đau bụng, để đến khi quay lại không còn được thưởng thức bộ phim đầu đời cũng dễ làm nhòa mắt như khi Toldo trưởng thành trở về rạp chiếu bóng năm xưa để được xem những thước phim tình yêu bác Afredo đã làm tặng cậu.

Sea Shadow (Bóng tối của biển) cũng là một lời giới thiệu đáng nhớ của đất nước còn quá xa lạ với Việt Nam - Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Xem bộ phim này thấy sự tự hào với cái gọi là yếu tố dân tộc trước những siêu phẩm thương mại của các nền điện ảnh bành trướng như Hollywood.

Ảnh minh họa

 Cảnh trong Sea Shadow

Bộ phim này không phải là xuất sắc, mà chỉ đơn giản, nhẹ nhàng, như cuộc sống của một thị trấn ven biển quốc gia vùng Vịnh này. Nhưng chính sự dung dị ấy dễ dàng làm rung động những khán giả hoặc vốn thuộc tuýp hoài cảm, hoặc đã quá no xôi chán chè với những kỹ xảo, bom tấn… Hình ảnh cậu trai Kaltham với những xúc cảm thời trưởng thành khiến tôi rưng rưng như hình ảnh của Nhâm (Thương nhớ đồng quê – Đặng Nhật Minh), Tôi (Tôi vào đời – Nguyễn Quốc Hưng), Thảo (Cỏ dại – Đinh Đức Liêm) hay Kìm (Mùa len trâu - Nguyễn Võ Nghiêm Minh)… những cảm xúc đẹp mà người ta rất chờ trong thưởng thức.

Helpless (Vô vọng) của Hàn Quốc cũng là một tác phẩm cần điểm danh. Hoàn toàn khác biệt với ấn tượng về “cảnh nóng” mà báo chí review trong buổi gặp gỡ các đoàn phim tranh giải, bộ phim tâm lý – hình sự này thuộc diện nghiêm túc hơn nhiều.

Ảnh minh họa

Kim Min Hee trong Helpless có thể là một ứng viên Nữ chính xuất sắc

Là câu chuyện về một cuộc đời đầy bi kịch khốc liệt của cô gái trẻ đáng thương Seon, phim đã có lối kể ấn tượng qua hành trình của một vụ án. Sự thật liên tục được đóng – mở bất ngờ, với không chỉ khán giả mà chính các nhân vật trong phim. Ngoài sự hấp dẫn của thể phim hình sự, phim cũng có những khoảnh khắc khiến người ta có thể nhói đau vì thương cảm.

Xem phim này thấy khá tương đồng với Scandal (Victor Vũ), nhất là ở những cảnh quay hồi tưởng, đồng hiện. Có điều, nếu ở Hàn phim này xếp vào dạng thương mại (vì nghệ thuật của Hàn là những Pieta...), thì ở Việt Nam Scandal xếp ở chiếu trên - phim nghệ thuật (vì thương mại ở Việt Nam là những Hello cô Ba...). Nếu Scandal dự thi, sẽ là một cuộc so tài thú vị của cả đạo diễn và 2 nữ diễn viên chính và Vân Trang và Kim Min Hee.

Cũng làm về thế giới showbiz, nhưng Diva của Hồng Kông có phần kém ấn tượng hơn bộ phim của đạo diễn Victor Vũ, trong khi Nice to meet you của Nhật Bản lại không dể hiểu và dễ cảm.

LHP quốc tế Hà Nội lần 2 sẽ bế mạc và trao giải vào tối nay. Chương trình truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV4 từ 20h.


Lan Anh

Ý kiến bạn đọc