Scandal – “Cú lừa” ngoạn mục của Victor Vũ

12:37, 11/10/2012
|

(VnMedia) - Giữ được sự tò mò xuyên suốt mấy chục phút phim để liên tiếp những bất ngờ hóa giải vào đoạn cuối là một “ngón lừa” khéo của Scandal. Nhưng để ngay cả sau khi xem phim, vẫn liên tiếp có những review nhầm lẫn, thì có thể nói, “cú lừa” của Victor Vũ đủ để coi là ngoạn mục.

>> “Cô dâu đại chiến” đại thắng gần 40 tỷ đồng
>> Cánh diều Vàng: Phim nào sẽ đạt giải?
>> Bí ẩn trang phục của Maya trong ‘Scandal’

Khuyến cáo: Bài viết không tiết lộ nội dung phim, tuy nhiên, một số nhận định cá nhân có thể ảnh hưởng tới cách bạn thưởng thức bộ phim. Vì vậy, độc giả có thể chọn lựa đọc hoặc để dành bài viết sau khi ra khỏi rạp chiếu.

Scandal mở đầu bằng một bi kịch và kết thúc bằng một đại bi kịch, và ở giữa khoảng thời gian ấy, các tác giả đã tha hồ tính toán để “nghịch ngợm” với cảm xúc của khán giả. Lúc là sự sợ hãi, sởn gai trong không khí kinh dị (horror), lúc là cảm giác hồi hộp, căng thẳng của tâm lý - ly kỳ (thriller), khi lại là sự bùng nổ, bạo lực không thiếu trong thể loại hình sự (crime) và đặc biệt là sự kết nối, dẫn dắt đặc trưng của thể loại trinh thám (spy).

Ảnh minh họa

Vân Trang và Khương Ngọc trong phim


Đương nhiên, xen giữa những mớ cảm xúc hỗn độn va đập mạnh ấy là những phút kéo giãn các giác quan với những hình ảnh mát mắt của buổi trình diễn thời trang lộng lẫy, của những buổi ra mắt phim sôi động, của phút rung động lãng mạn nam nữ…

Ấn tượng đầu tiên là Scandal có một kịch bản hẳn đã được tính toán, bàn bạc khá kỹ lưỡng. Trong thể loại phim thriller hay spy, những tình tiết bản lề, bất ngờ là mấu chốt của câu chuyện, của sự hấp dẫn. Ai đó đã nói, với chuyện trinh thám hay phim ly kỳ, khi bí mật đã được biết thì không còn thú vị. Tuy nhiên, Scandal đã có một kịch bản đủ thông minh để vượt lên sự đơn thuần cài cắm những ổ khóa rồi sau đó thả vào những chiếc chìa. Một sự thông minh để không chỉ đánh lừa hay áp đặt người xem, mà để vừa kể chuyện vừa trao đổi – đối thoại với khán giả.

Ở buổi chiếu ra mắt, tôi đã quay sang một đồng nghiệp ngồi bên để phản ứng với “thông tin” mang tính thống kê khó tin khi nhà sản xuất (nhân vật của Minh Thuận) nói với Ý Linh (nhân vật của Vân Trang) đại ý, “Em không biết đấy thôi, chuyện bùa ngải trong giới showbiz phải đến xy% người từng bị”.

… Để rồi sau khi bí mật được tháo gỡ, ngoài sự bất ngờ ở chuyện phim, còn là cảm giác thỏa mãn khi một ý kiến của mình đã được (nhà làm phim) trao đổi lại trọn vẹn, như trong một cuộc tranh luận tay đôi.

Xem Scandal, bạn có thể tìm được khá nhiều những sự “đối thoại ngầm” như thế, về nhân vật, về hiện tượng hay cái nhìn xã hội. Một lối kể chuyện khách quan, để bạn có thể chọn lựa là một độc giả/khán giả có lý trí hay là dễ dàng tin và chấp nhận những thông tin được đưa ra.
 

 Trailer Scandal


Sau buổi công chiếu, hầu hết các review bộ phim đều đề cập đến những góc khuất của showbiz như hại nhau bằng bùa ngải, đổi tình lấy vai diễn, giật chồng, bán dâm,… nhưng hình như trong Scandal, chẳng hề có chuyện bùa ngải cũng chẳng phải ngủ với đạo diễn để có vai, thậm chí chuyện tan vỡ hạnh phúc của cô diễn viên nọ có lẽ cũng không phải vì bị “giựt chồng” như cô kể lể với báo chí mà chủ yếu do một sai lầm cá nhân trong quá khứ…

Dù sao, để ngay cả sau khi xem phim, vẫn liên tiếp có những review nhầm lẫn, hoặc vẫn khiến suy ngẫm, phân vân về chuyện phim, về nhân vật thì có thể nói, “cú lừa” của Victor Vũ đủ để coi là ngoạn mục.

Kể câu chuyện nhiều lớp lang, trong tình trạng vừa gói ghém để cất giấu những bí mật vừa cố gắng tạo kịch tính để hấp dẫn khán giả, Scandal đã có một lựa chọn khôn ngoan khi lồng ghép giữa lời kể trực tiếp của phim và lời kể gián tiếp của nhân vật, giữa chuyện đời và chuyện phim, giữa giấc mơ và hiện thực.

Sử dụng với tần suất dày những ngón lừa này khiến đôi khi cảm giác các tác giả đã hơi lạm dụng. Tuy nhiên, bối cảnh Scandal với chuyện làm phim (trong phim), sự hiện diện của truyền thông và một tình trạng tâm lý bất ổn thường trực của nhân vật chính… khiến sự “lạm dụng” này vẫn có thể hợp lý.

Trong khi đó, phim có 2 lần “lạm dụng” khác, ở một cái chết đầu phim và sự trùng một nhân vật (nhà báo) trong 2 biến cố. Một là sự ngẫu nhiên và một là sự hi hữu này thực ra can thiệp khá nhiều vào việc tạo bất ngờ, dù phim đánh lừa khán giả hướng sự bất ngờ vào những góc khác. Cá nhân người viết đánh giá kịch bản vẫn thiếu chút “sức nặng” khi dùng tới 2 lần sự khách quan để giả tạo một sự chủ quan.

Ngoài ra, thoại trong phim vẫn thiếu sự tinh tế để thuyết phục những khán giả khó tính. Những câu nói kiểu như “xin giới thiệu với Taylor Swiff, đây là Brad Pitt – diễn viên nổi tiếng nhất hiện nay” (xin giới thiệu với Batigol, đây là Quốc Trung – nhạc sỹ hàng đầu Việt Nam hiện nay) khi các nhân vật làm quen lần gặp gỡ đầu tiên vẫn “thật thà” dạng mang tính nói cho khán giả hơn là một cuộc trò chuyện thực tế.

Ở cảnh phim gay cấn tại nhà của nhân vật nhà báo, máy quay lia qua để thấy la liệt những cúp giải thưởng nghề nghiệp. Có lẽ Victor Vũ định thể hiện sự châm biếm, đả kích nhưng hình như anh và các cộng sự đã thiếu chút hiểu biết rằng, báo chí mảng showbiz, cũng như ca nhạc, phim ảnh dạng giải trí vốn dĩ nằm ngoài phạm vi các giải thưởng chính thống, chưa nói là loại phóng viên có bài dạng đời tư lá cải vớ vẩn đã đưa lên blog như một sự tự hào. Thành ra, yếu tố châm biếm mang tính hình tượng này chẳng đủ “ép – phê”, mà ngược lại giảm giá trị.

Quay phim và âm nhạc phụ trợ tốt cho không khí phim, ở cả hai mảng màu đối lập của hào quang và khốc liệt. Phục trang trong phim cũng là một ngôn ngữ góp phần khắc họa cá tính nhân vật và tình huống câu chuyện. Về diễn xuất, ngoài Vân Trang nổi bật với nhiều đất diễn và thể hiện khá tốt nhiều trạng thái cảm xúc đa dạng, thì các diễn viên đều có những khoảnh khắc để lại dấu ấn.

Ảnh minh họa

Nhân vật của Maya và Khương Ngọc sẽ thú vị và thuyết phục hơn nếu bớt đi những thái độ "lộ liễu" này


Tuy nhiên, không rõ lý do gì khi Victor Vũ nhiều lần để các diễn viên thể hiện khá lộ liễu những ánh mắt thiếu thiện cảm với đối thủ giữa chốn đông người. Trong khi, với nhân vật Trà My (Maya), thái độ thể hiện ghen tỵ, “hằn học” không giấu giếm với Ý Linh (Vân Trang) khá vênh so với tính cách của cô. Và đạo diễn Lê Hùng (Khương Ngọc) với cái nhìn ác cảm với nhân vật đại gia (Hoàng Anh) giữa một buổi chụp hình ra mắt phim cũng bị làm đậm quá mức cần thiết.

Nếu trong những tình huống này, máy quay lướt qua như tình cờ chớp được một khoảnh khắc “lộ cảm xúc” của nhân vật hoặc các diễn viên tiết chế ánh nhìn đầy thái độ này thì bản thân nhân vật sẽ sống động và thú vị hơn, và chuyện phim cũng tinh tế hơn.

Sau gần 90 phút phim căng thẳng, Scandal đã có một cái kết nhẹ nhàng đủ lắng đọng với hình ảnh hạnh phúc bình dị của một cặp vợ chồng diễn viên đứng ngoài vòng quay cạnh tranh và hào quang. Hình ảnh nhân vật của Lan Phương ném tờ báo in hình bìa một dự án phim đình đám sắp thực hiện… vào thùng rác là một hình ảnh ít nhiều mang tính biểu tượng.

Từng không đánh giá cao Victor Vũ về tầm tư duy trừu tượng, sâu sắc, ngay cả ở tác phẩm nỗ lực làm điều này nhất ở anh là Thiên mệnh anh hùng, nhưng với Scandal, có thể nói, Victor Vũ đã thuyết phục không chỉ ở những mảng miếng nghề nghiệp mà đủ ấn tượng khi chia sẻ những quan điểm xã hội.

Scandal sẽ ra mắt khán giả tại các rạp chiếu toàn quốc từ ngày mai 12/10. Với một bộ phim hấp dẫn nhưng không đơn thuần dễ xem kiểu Cô dâu đại chiến, dự đoán phim sẽ ăn khách ở mức vừa phải.


Batigol

Ý kiến bạn đọc