Y Điêng - Người gõ cửa rừng nguyên sinh

14:53, 08/07/2012
|

(VnMedia) - “Tôi rất thích làm người địa chất. Với cái búa trong tay tôi sẽ đi khắp núi rừng Tây Nguyên quê tôi. Tôi gõ vào đá bên thác Đrai H’Ling và hỏi dòng thác: Mày sẽ làm ra điện chứ? Tôi gõ nhẹ lên mặt đất ba-dan: Mày giấu vàng hay giấu bạc?”. Đó là ước ao của nhà văn Y Điêng khi ông mới bước chân vào con đường văn chương.

Còn giờ đây ông đã thật sự trở thành “nhà địa chất” và đang tiếp tục gõ vào cánh rừng nguyên sinh kia để tìm câu trả lời về diện mạo tinh thần của dân tộc, của đất nước…

Nhà văn Y Điêng  là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết, người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê – Việt, đồng thời ông cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Sức sáng tạo của cây bút tiêu biểu cho Tây Nguyên này khơi nguồn từ dòng sữa mẹ ngọt ngào của núi Mẹ Bồng Con (nơi tiếp giáp giữa miền tây Phú Yên với Daklak, Gia lai và Kontum). Đây chính là vùng “chiêm trũng” của văn hóa Tây Nguyên, cái nôi của trường ca Đam San, Xinh Nhã. Nền văn hóa này ngược sông Ba, sông Hinh theo phương thức tự nhiên của văn học truyền miệng đã làm vang vọng cả núi rừng Tây Nguyên.

Buôn Thung – cái  buôn nhỏ gồm mươi nóc nhà neo bên bờ sông Hinh không chỉ là nơi sinh thành mà còn là nơi lưu giữ, hun đúc nên Y Điêng để rồi trong bão lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã sinh thành cuộc đời thứ hai của ông: ĐỜI VĂN. Ra đi từ đoàn tuyên truyền xung phong, bàn chân in dấu dọc theo dải Trường Sơn, đồng bằng miền Trung, núi rừng Tây Bắc rồi Thủ đô Hà Nội, năm 1964 ông lại trở về chiến trường Tây Nguyên cùng với bà con buôn làng chiến đấu. Đó cũng chính là hành trình, là con đường đưa Y Điêng đến với văn học.

Y Điêng bảo: con đường đến với văn học hun hút xa, nhưng ông đã kiên trì, mải miết đếm từng bước chân trên con đường đó và tin tưởng nhất định sẽ tới đích. Bắt đầu bằng việc âm thầm tập dượt dịch các bài thơ ngắn, các trường ca, truyện cổ Ê-đê, Ba-na ra tiếng Kinh, sau đó là những bài báo, những bút ký giới thiệu về đất nước và con người Tây Nguyên cho chương trình phát thanh “Tổ quốc ta giàu đẹp” (khi còn công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam - năm 1958), để rồi năm 1961 với truyện ngắn “Em đợi bộ đội Awa Hồ” - sáng tác đầu tay  của Y Điêng đã đạt giải ba cuộc thi viết về đề tài miền Nam do báo Thống nhất tổ chức…

Vượt qua chặng đường dài, vượt qua những thử nghiệm, dò dẫm bước đầu, Y Điêng tiếp trục những sáng tác ngày càng dày dặn: truyện ngắn “Ông già Kơ Rao”; truyện vừa "Như cánh chim Kway”; truyện dài “Hờ Giang”, "Drai Hling đi về phía sáng", "Trung đội người Ba Na"; tiểu thuyết "Chuyện trên bờ sông Hinh". Khi tôi trầm trồ, thán phục trước những sáng tác của Y Điêng, ông mỉm cười: “Có gì đâu, tôi như một người con của dân tộc Ê-đê vắng nhà đi câu cá, nay đã có cá mang về”.

Quả thật ông đã mang về cho dân tộc mình không chỉ một mà rất nhiều tác phẩm được dư luận chú ý. Trong tất cả các tác phẩm của mình, Y Điêng có vẻ tâm đắc nhất với “Chuyện bên bờ sông Hinh”.

Nội dung tác phẩm ghi lại cuộc sống của những người dân Ê-đê trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chông Pháp. Bối cảnh tác phẩm là một xã hội còn mang nặng những tập tục, những tín ngưỡng của lối sống cộng đồng, bị sự tác động phá hoại của chiến tranh xâm lược của kẻ thù, từ đó nói lên ý thức bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, khẳng định sức sống và bản lĩnh tự chủ của họ.

Mối tình của đôi trai gái người Ê-đê Hơ Linh và Y Thoa diễn ra bên bờ sông Hinh được chọn làm cốt truyện như là hồi ức của chính người viết về những kỷ niệm xa xôi của dân tộc mình, những kỷ niệm của chính đời mình, về tuổi hai mươi tưởng như đã khuất nẻo nhưng vẫn còn lưu giữ lại những gì trong sáng, đẹp đẽ nhất để làm nên cuộc sống hôm nay. Bằng lối viết kể chuyện dung dị, hồn nhiên, trong trẻo như mạch suối rừng, “Chuyện bên bờ sông Hinh” của Y Điêng đã
hấp dẫn bạn đọc đến tận trang cuối.

Có thể nói, chính từ việc sưu tầm, dịch thuật các trường ca, truyện cổ, các “khan” của các dân tộc Tây Nguyên từ  buổi đầu đã giúp cho Y Điêng am hiểu một cách tinh tường về bản lĩnh dân tộc mình, tạo nên những tham số cho sự sáng tạo. Hay nói cách khác sự sáng tạo của ông chỉ là thực hiện các tham số ấy. Thực chất đó cũng là sự tiếp tục những công việc thầm lặng kia: lắng nghe và chăm chú quan sát cuộc sống, chiến đấu của đồng bào, ghi lại một cách tỷ mỷ, khơi gợi những vấn đề đã lặn sâu trong tiềm thức trở thành hữu thức trong Y Điêng, đó  chính là ánh sáng của sự sáng tạo…

Ở tuổi ngoài 80 nhưng vóc dáng ông vẫn còn tráng kiện, sức viết vẫn bền bỉ dẻo dai. Vốn sống hàng chục năm về trước đang được ông đánh thức thành mạch sống chảy mãi trên những trang viết đầy ắp hình ảnh quê hương và buôn làng đồng bào rất đỗi thân thương, trong đó Y Điêng là bóng cây kơ nia xanh mãi, là già làng văn học Tây Nguyên.


Phong Lan

Ý kiến bạn đọc