Fifty Shades of Grey không phải là một tác phẩm văn chương bất hủ hay đáng chú ý, nhưng nó lại là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, vượt Harry Potter, Mật mã Da Vinci…
Câu chuyện lấy bối cảnh thành phố Seattle (Mỹ). Christian Grey, một tỷ phú trẻ đẹp, thông thạo tiếng Pháp (27 tuổi, và chẳng thể lý giải vì sao ở tuổi đó anh ta lại có thể là tỷ phú USD) yêu Anastasia Steele, sinh viên trong trắng, ngây thơ. Những cảnh mây mưa đằng đẵng, có cả BDSM (tình dục có yếu tố bạo lực, đồ chơi sex).
Fifty Shades of Grey (tạm dịch: Năm mươi bóng hình của Grey) thuộc thể loại rất quen thuộc với cư dân mạng: Tiểu thuyết do người hâm mộ viết (fan-fiction). Tác giả E.L. James viết cuốn sách nhờ cảm hứng từ bộ truyện về ma cà rồng của Stephenie Meyer. Tên nhân vật ban đầu cũng là Edward Cullen và Bella Swan. Nhưng nội dung hầu như không dính dáng Chạng vạng, sau đó E.L. James cũng đổi tên hai nhân vật chính.
Mặc dù vậy, vấn đề bản quyền của cuốn sách vẫn thỉnh thoảng bị đưa ra tranh cãi vì xuất xứ đặc biệt của nó. Stephenie Meyer lại không phản đối sự tồn tại của Fifty Shades of Grey.
Nghèo nàn văn chương, doanh thu triệu đô
Nếu ai đó bỏ công phân tích văn phong hay các thủ pháp của cuốn sách này thì người đó quá nhiều thời gian. Trên Amazon và báo chí, nhiều độc giả bình luận ngắn gọn: “Đây là quyển sách tệ nhất tôi từng đọc”.
Cấu trúc của truyện có thể gọi là “cổ điển” (nếu lịch sự) hoặc “cũ mèm” (nếu thẳng thắn): Nam nữ gặp gỡ, nam mất nữ, nam giành lại nữ, nam nữ bên nhau hạnh phúc suốt đời. Sử dụng quá nhiều tính từ, trạng từ phô trương, nhất là những mô tả Christian Grey.
Nhân vật nữ chính, Anastasia Steele, khiến độc giả phát ngấy vì dường như lúc-nào-cũng ngại ngùng, e thẹn, chớp mắt, ngước nhìn… “Nếu bỏ bớt các chi tiết cô ta đỏ mặt hoặc cắn môi thì sách sẽ giảm được 50 trang”, một độc giả viết trên Amazon.
21 tuổi, trong trắng và thiếu tự tin, Anastasia bập vào Christian sau lần gặp đầu tiên và để anh ta làm hướng dẫn viên cho cuộc hành trình khám phá bản thân. Vấn đề là, hành trình đó bắt đầu và kết thúc đều trên giường của Christian.
Về doanh thu, sau một tuần, cuốn sách bán được mười vạn bản (sách giấy), vượt kỷ lục cũ của Mật mã Da Vinci, và 20 triệu bản cả sách giấy và điện tử sau 13 tháng.
Bước lùi của loài người?
Nghe hơi to tát nhưng là sự thật. Những ai ít nhiều nghĩ về nữ quyền đều không thể vui nổi với thành công ầm ĩ của Fifty Shades of Grey.
Nhà văn Estela Welldon nói với tờ Guardian: “Thật khủng khiếp, chiếc đồng hồ (của loài người) đã quay ngược khi một quyển sách như thế này lại thành công đến thế. Hình như phụ nữ đang tìm cách xin lỗi sau khi đạt được quá nhiều thành công trong một thế giới thuộc về đàn ông”.
Vậy là, sau nhiều thập kỷ, thế kỷ, thậm chí thiên niên kỷ đấu tranh cho bình đẳng giới và quyền tự quyết của phụ nữ, giờ đây thế giới quay về với một cuốn sách trong đó phụ nữ phục tùng đàn ông như một thứ đồ chơi tình dục, vừa sợ sệt vừa ngưỡng mộ sâu sắc vì được một người tình ưu tú (nhất là ở cái danh tỉ phú) như anh ta để mắt đến?
Nhà báo Suzanne Moore của Guardian nhận định: “Điều nguy hại ở cuốn sách không phải là các cảnh sex mà là cách nó cổ vũ đàn ông thể hiện sức mạnh với phụ nữ… Tưởng tượng cũ rích về cái gọi là lãng mạn. Tình dục và bạo lực như một cách dạo đầu đáng nhớ để họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”...
Năm nay best-seller, năm sau đem quyên từ thiện
Với thị trường xuất bản thế giới, Fifty Shades of Grey chính là Mật mã Da Vinci của năm nay. Cuốn sách của Dan Brown gây sóng gió dư luận vào năm 2003, năm mà nó ra mắt.
Thán phục có, chế giễu có. Nhưng hãy xem thời gian đã làm gì. Theo New Zealand Herald, đầu tháng 7 này, Oxfam, một hội từ thiện lớn của Anh, thông báo rằng đây là năm thứ tư liên tiếp Mật mã Da Vinci đứng đầu danh sách vật phẩm được công chúng quyên góp cho tổ chức này.
Tác động đáng ghi nhận: Giúp tăng… dân số
Ít nhất là ở Anh. Tờ Daily Mail trích lời giáo sư Ellis Cashmore cho rằng, cuốn sách này sẽ nhen nhóm lại ngọn lửa trong phòng ngủ của các cặp vợ chồng ở đảo quốc sương mù: “Trong vòng 9 tháng tới, chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện ào ạt của các em bé sơ sinh”. Một số phụ nữ Anh đã thụ thai thành công và khoe thành tích của mình trên mạng. Các bà mẹ gọi những đứa con sắp ra đời của mình là các “Fifty Shades Babies”
50 triệu USD là số tiền mà tác giả cuốn Fifty Shades of Grey kiếm được trong vòng 6 tháng qua. Hai hãng phim Universal Pictures và Focus Features đã mua bản quyền chuyển thể cuốn sách với giá 5 triệu USD.
(Theo TPO)
Ý kiến bạn đọc