Anh tôi - Thương binh tàn nhưng không phế

10:55, 27/07/2012
|

(VnMedia) - Giờ anh đã lên chức ông, mỗi lần về quê, vợ chồng con cái lại sang thăm anh. Tôi thấy hạnh phúc vì anh thực hiện đúng lời căn dặn của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế.

Ảnh minh họa

Tranh sưu tầm


U kể, ngày anh lên đường, tôi lẫm chẫm chừng 3 tuổi, quấn anh lắm. Anh là anh Cả nên yêu thương các em, còn tôi, là em gần út (khi đó út chưa đẻ) nên là bé nhất, vì thế các anh rất cưng chiều.
 
Hôm đó là một ngày đầu xuân, khi hoa xoan tím ngát đường làng, ở góc sân nhà, hoa bưởi hoang hoải thơm ngấm vào tận cả ngọn rơm ở góc vườn. Anh mặc quần áo bộ đội, mũ tai bèo màu xanh, đi dép nhựa nâu háo hức tòng quân nhập ngũ. Cả nhà tiễn anh ra đình làng để lên ô tô ra huyện. U bảo lúc anh bước ra cổng, tôi chạy theo khóc òa, không ai dỗ được, cứ níu lấy chân anh. Anh bồng tôi lên trên tay, nựng tôi vào má và đi nhong nhong ra cổng, cả nhà đi theo, người cười, người khóc.

Thực ra thì chỉ có U tôi là khóc, à và chị gái tôi nữa, lúc đó chị tôi mới hơn 10 tuổi thôi. Khi ra đến đình, bộ đội tập trung đông nghịt, tôi vẫn ôm rịt lấy anh, không hiểu sao như có giác quan thứ 6, một cậu bé 3 tuổi như tôi không chịu rời anh. U tôi bảo lúc đó thương lắm, thằng em quấn chặt thằng anh, khóc nức nở, thằng anh miệng cười tươi nựng em nhưng ngấn lệ. Mãi sau anh phải mở ba lô ra, lấy quyển sổ bìa đỏ, mà chị xóm dưới, bạn gái của anh tặng đêm trước, mang ra nhử tôi, thì tôi mới ôm quyển sổ và chịu về vòng tay của U.
 
Rồi anh lên đường.
 
Hồi đó, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Nhưng anh vẫn đi lính chiến đấu, là sang Cam Pu Chia đánh bọn Pôn pốt Iêng Xa ry. U kể rằng, anh đi biền biệt mười năm, bao nhiêu lần tưởng chết rồi. Vì có những khoảng thời gian cả mấy tháng trời không tin tức. Rồi sau đó thì cả mấy năm không một lá thư. Có hôm U nằm khóc tỉ ti trong giường, khi nghe đài nói quân tình nguyện Việt Nam hy sinh nhiều. Lại không thấy anh có tin tức gì nên cả nhà lúc nào cũng lo lắng.
 
Có đêm, tôi và Thầy cùng 1 thằng anh nằm ngủ bên giường phía đông, U và thằng Út nằm ngủ giường phía Tây cách nhau bộ bàn ghế uống nữa. Khoảng gà gáy canh Hai, tôi bỗng thức giấc bởi giọng nói khê nồng của Thầy tôi đều đều vang lên bên tai. Phía giường bên kia, tôi nghe thấy U tôi khóc nghẹn ngào, tiếng khóc nghe cực ai oán, giữa đêm đông ở một làng quê nghèo vắng lặng, xen lẫn tiếng gà gáy càng thêm não nề.

Tiếng Thày tôi đều đều vọng sang. U mày yên tâm, nếu chết thì phải có báo tử. U tôi lại nấc lên, thì thằng Quý làng trên đấy, nó có báo tử đâu, mà hôm nay người ta ở Huyện đến tận nhà bảo là nó chết rồi. Chắc thằng Cả nhà mình cũng chết rồi, nó cũng ở chiến trường đấy, có khi cùng chiến hào cũng nên. U mày thôi đi, chứ nếu thằng Cả chết nó cũng chết rồi, khóc nó cũng có sống lại được đâu….. U tôi thút thít một hồi rồi cũng ngưng khóc.

Tôi nằm lặng im trong chăn, không động đậy nhưng tôi đang thức, không thể ngủ được. Nước mắt tôi lăn xuống gối ướt nhẹp, dù lúc đó, tôi không thể hình dung nổi gương mặt anh Cả tôi ra làm sao, vì khi anh đi, tôi còn quá nhỏ. Chỉ biết là mình đang chăn ấm thế này, anh mình có khi đang nằm ngoài sương lạnh.
 
Thế rồi anh đột ngột trở về vào một buổi chiều hè gió nồm nam mát rượi. Cả cánh đồng lúa chín thơm phưng phức. Dân làng đang hối hả gặt chiêm. Bỗng từ xa, trên con đường độc đạo dẫn về làng đi qua cánh đồng này, thấp thoáng bóng một anh bộ đội đi bộ. Trên vai đeo ba lô nặng trĩu, tay cầm bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh. Lúc đó là ngang chiều, nắng đã đổ bóng dài, mặt trời sắp nấp vào dãy núi Lát phía xa.

Bỗng tiếng một người đàn bà thất thanh, vừa chạy về phía ruộng nhà tôi vừa gào lên câu gì đó, khản đặc và… méo mó. Cả nhà tôi và mấy nhà khác xung quanh dừng tay nhìn người phụ nữ đang chạy đến. Hóa ra chị Tích. Dì ơi, chú ơi, thằng Cả về kìa, thẳng Cả…. Cả nhà tôi “chết đứng” khoảng mấy giây rồi trở nên náo loạn, bỏ liềm, bỏ gánh… Thày tôi, chị gái tôi, anh trai tôi chạy lao qua những đám ruộng, đá tung cả những đống lúa vừa gặt xong, lao về phía anh bộ đội. U tôi thì quỵ xuống ôm ngực khóc nức nở. Tôi ở lại với U, cứ đứng lóng ngóng không biết làm gì. U tôi khóc to lắm, ôi trời ơi, con tôi nó về thật rồi, nó không chết thật rồi.

Ở đằng xa, cả làng tôi gần trăm người lao đến vây quanh anh, tiếng nói cười, hú hét rổn rảng. Làng tôi hồi đó đi gần chục người, cũng mấy người chết, những người sống đã về hết, trừ anh Cả tôi, 10 năm rồi biền biệt… Rồi đám người tiến lại phía ruộng, U tôi lúc đó vụt đứng dậy chạy về phía anh, tôi cũng hốt hoảng chạy theo. Cả ơi, con ơi…, rồi anh tôi lao chầm đến ôm U tôi, anh tôi khóc rống lên như trẻ con vậy, anh tôi không nói gì cả, chỉ khóc, còn U tôi thì vừa khóc vừa ôm anh vừa sờ soạng hết chân tay, khắp người anh tôi. Rồi U tôi nói nghẹn ngào, một bên mắt của con đâu? Con bị thương mà U, may mà chỉ mất một con mắt… U tôi lại khóc, còn anh tôi thì cười cười, nước mắt giàn dụa, tay vỗ vỗ lưng U tôi an ủi.
 
Cả nhà tôi bỏ dở việc đang làm để đưa anh về nhà. Thày tôi nhờ chị Tích (chị con bác ruột tôi) lượm lúa rồi cho lên xe bò chở về hộ. Nhà tôi đêm đó như có Hội làng. Sân nhà được rải 10 cái chiếu hoa, đèn măng sông của hợp tác xã mang đến thắp sáng choang. Bao nhiều trầu cau, thuốc lá Thăng Long, Điện Biên…. của làng và của anh Cả mang về được bỏ hết ra tiếp khách.

Anh tôi gặp lại những người bạn cùng nhập ngũ một ngày nhưng mỗi người ra quân một thời điểm vì không cùng đơn vị. Người mất kẻ còn, tất cả đều bị thương. Có anh tên Quang cụt cả 2 chân ngồi xe lăn. Có anh Vịnh cụt hai tay,…. Còn anh Cả tôi thì mất một bên mắt, cái hốc mắt đen ngòm hồi đó tôi rất sợ. Má anh có vết mổ dài kéo ra phía tai, sau này anh mới kể là anh bị trúng đạn của bọn Pôn Pốt, đạn xuyên từ mắt qua phía thái dương và nằm trong vỏ hộp sọ. Đã mổ lấy ra vài mảnh, nhưng còn 1 mảnh khá lớn vẫn nằm sâu trong đó, và vĩnh viễn nằm trong vỏ hộp sọ. Vì thế mỗi khi trở trời, anh tôi lại rất đau và rất hay nóng tính, không kiềm chế được vì ảnh hưởng thần kinh.
 
Rồi anh lấy vợ, sinh con, một gái một trai, cả 2 đứa con của anh đều đã học xong đại học, đã đi làm và xây dựng gia đình. Anh cũng đã có 3 cháu trai một cháu gái chia đều cho 2 đứa con.
 
Những ngày này tôi lại nghĩ về anh, về tuổi thơ của tôi, về những kỷ niệm với anh Cả, cả những chuyện hài hước như nhiều lần anh múc nước giếng, con mắt giả rơi tõm xuống giếng, anh lại phải nhờ thanh niên lặn xuống tìm vớt lên… Ra quân với một con mắt giả và mảnh đạn nằm ở hộp sọ, anh tôi xếp hạng thương binh nặng (1/4) được Nhà nước nuôi 100%. Nhưng anh tôi không ở trại điều dưỡng mà xin về nhà. Anh lấy vợ sinh con, và từ một anh thương bình ở làng quê nghèo cuối huyện như quê tôi, anh đã biết kinh doanh buôn bán nên hiện tại, gia đình anh cũng thuộc vào hàng khá giả nhất làng.
 
Giờ anh đã lên chức ông, mỗi lần về quê, vợ chồng tôi lại sang nhà anh ăn uống, anh luôn yêu quý các cháu, như đã từng yêu quý tôi. Tôi thấy hạnh phúc vì anh sống và làm việc đúng như câu nói bất hủ của Bác Hồ: Thương binh tàn nhưng không phế.
 
Chiến tranh đã qua đi, anh tôi may mắn trở về. Còn hàng triệu người con không bao giờ trở lại. Vừa xem tivi cầu truyền hình về ngày Thương binh - Liệt sỹ, vừa đọc facebook của ca sỹ Tùng Dương, Hà Hoài Thu, Đinh Mạnh Ninh… họ đang ở Quảng Trị, đến những nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sỹ, để hát cho những người lính Cụ Hồ nghe, để tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc.
 
Một nén nhang tưởng nhớ những linh hồn đã khuất. Cầu cho họ thật bình an.


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc