(VnMedia) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo hoàn tất hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then là văn hóa phi vật thể nhân loại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV - 2012.
Sau chuyến thăm và làm việc tại Tuyên Quang vào tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Hát Then là thể loại âm nhạc thứ 7 của Việt Nam làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản Văn hóa phi Vật thể |
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và các tỉnh phía Bắc hoàn tất hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV -2012.
Hát Then là di sản văn hoá của vùng Việt Bắc, Tây Bắc. Vùng lõi của hát Then là các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Hát Then là văn hoá "gốc" của dân tộc Tày nhưng thực tế người Nùng, người Thái cũng hát then và hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ở Tuyên Quang, hát Then có mặt ở các hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ và đặc biệt là món ăn tinh thần không thể thiếu ở các xóm bản vùng Chiêm Hóa, Nà Hang, Lâm Bình.
Được biết, Tuyên Quang hiện chỉ còn 2 nghệ nhân nắm giữ các làn điệu hát Then cổ đều đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn chưa có người kế nghiệp. Trong khoảng 40 hạt nhân văn hoá là người dân tộc Tày chỉ có số ít biết hát then cổ.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang đã đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh giới thiệu bộ môn hát vào các trường học ở vùng hát then nhưng chưa được chấp nhận. Hát Then đang đứng trước nguy cơ bị mai một nếu không có giải pháp đồng bộ và hữu hiệu.
Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể là vấn đề cấp bách để bảo tồn và đưa hát Then Tuyên Quang vào dòng chảy di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
UNESCO bắt đầu xét công nhận di sản Văn hóa phi vật thể từ năm 2001. Đến nay, Việt Nam đã có 5 thể loại âm nhạc được công nhận ở hạng mục này là Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), Ca trù Thăng Long (2009) và Hát Xoan Phú Thọ (2011). Ngoài ra, hồ sơ Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được trình hồ sơ đề nghị xem xét công nhận, và Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh cũng đang xúc tiến lộ trình này.
Ý kiến bạn đọc