Phim Việt Nam đến LHP Cannes có gì đặc biệt?

10:05, 18/05/2012
|

(VnMedia)Dù không được mời tranh giải ở hạng mục nào, nhưng “Hai, tư, sáu” được tới LHP danh giá Cannes là một vinh dự, không phải người nào làm phim giỏi, giàu kinh nghiệm cũng có may mắn.

Không ảo tưởng về cơ hội của “Hai, tư, sáu” được đến Cannes, đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, chị trân trọng cơ hội này, như là một kinh nghiệm cho các bạn trẻ làm phim độc lập, khao khát làm phim và muốn mang phim ra nước ngoài.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp có những trao đổi rất thú vị về bộ phim và về điện ảnh với phóng viên Báo điện tử VnMedia trước khi mang phim đi Cannes.

- “Hai, tư, sáu” là phim ngắn có gì đặc biệt với chị?

Nó chỉ là một phim ngắn với mục đích ban đầu của tôi là tác phẩm để làm đẹp hồ sơ cho dự án phim dài “Đập cánh giữa không trung”. Nó được làm bằng tiền của tôi, với sự giúp đỡ của rất nhiều anh em, bạn bè như anh Phạm Quang Minh và một số bạn từng cộng tác với tôi ở phim “Bộ tứ 10A8”.

 Ảnh minh họa

 Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp


- Đã từng làm dở chừng, rồi bỏ đi, rồi làm lại, hẳn “Hai, tư, sáu” có một sự lôi cuốn nhất định với chị?

Lúc có tiền tài trợ, tôi không đủ thời gian để làm nó. Khi không còn tài trợ, tôi phải tự xoay sở một mình. Nhưng rất may mắn, tôi có nhiều bạn trẻ đồng hành cùng.

Phim là câu chuyện kể về tình yêu có buồn, có vui giữa người vợ với người chồng và người tình của cô vợ. Mối quan hệ đó diễn ra trong cuộc đời phụ nữ chỉ trong 3 ngày, thứ 2, 4 và 6. Phim xoay quanh chi tiết, cái áo của người chồng bị đứt cúc và cô ấy hứa sẽ khâu lại…. Nhưng sau này, cả người chồng và người tình của cô đều không phải chờ cô ấy khâu lại khuy nữa, mà cả hai đã tự tìm được cái khuy cho riêng mình.

Đó là câu chuyện lửng lơ, giống như là một lát cắt. Cảm giác về phụ nữ, không có câu chuyện cụ thể rõ ràng. Vai người tình trong phim rất đặc biệt, vì luôn nằm ở vị trí bóng mờ, ở xa, thấp thoáng phần chân tay, cơ thể, mặt mũi. Đó là chút tưởng tượng về người đàn ông, không bao giờ rõ nét, không bao giờ hoàn hảo và đầy đủ.

Trong phim, Cao Thùy Dương (vai lớp trưởng Mai Lâm ở Bộ tứ 10A8) vào vai người vợ. Nếu ai xem phim sẽ rất ngạc nhiên về khả năng của Thùy Dương. Dương có một bước tiến cực kỳ đáng nể về diễn xuất.

- Chị nghĩ gì về cơ hội của bộ phim khi nó đến Cannes?

Phim đến Cannes không phải vì nó được mời hay được lựa chọn vào tranh giải. Nó may mắn có cơ hội được chiếu 3 buổi tại Góc phim ngắn, vì là phim nằm trong dự án “Đập cánh giữa không trung” - là một trong những dự án quan trọng của Cannes. LHP Cannes sẽ mời đạo diễn của các dự án đến làm việc và trình bày dự án của mình trong vòng 9 ngày. "Hai, tư, sáu" có cơ duyên đến Cannes là vì vậy.

- Nhưng không thể phủ nhận, đến Cannes, tên tuổi của chị, dự án “Đập cánh giữa không trung” của chị và cả “Hai, tư, sáu” nữa, lập tức sẽ có thêm nhiều lời mời?

Hiện tại, mình và anh Phan Đăng Di, Phạm Quang Minh đều tập trung vào hai dự án phim độc lập, rất vất vả để chăm bẵm nó. Đến Cannes chưa nói lên điều gì, mới chỉ là đoạn giữa con đường. Ra mắt bộ phim, còn là một quãng đường dài.

Nhưng cũng đúng như bạn nói, sau khi được biết "Hai, tư, sáu" sẽ tới Cannes, đã có nhiều lời mời giành cho phim tham gia các LHP lớn, bé trong khu vực và trên thế giới. Những người lựa phim ở các LHP uy tín, họ rất tin tưởng vào phim mà Cannes lựa chọn trình chiếu. Đó cũng là may mắn cho tôi.

Nhưng hiện tại, tôi chưa dám nhận lời nhiều, vì một phần tôi không đặt nặng đưa phim đi dự hay tranh giải. Mặc khác, vì ban đầu tôi chỉ nghĩ phim là bộ hồ sơ năng lực của tôi dày thêm, không chuẩn bị riêng cho nó một hồ sơ đẹp. Vì thế, sau khi đi Cannes về, tôi sẽ làm lại hồ sơ đầy đủ, để có thể nhận lời tham gia các LHP khác.

 Ảnh minh họa

 Phim "Hai, tư, sáu"


- Làm phim độc lập là một xu hướng, nhưng cũng là một thử thách cam go với nhiều đạo diễn trẻ. Nhiều người vẫn đang chạy đường dài, kiếm vốn cho phim độc lập. Chị mới có dự án đầu tiên, chắc chưa bị nản chí?

“Đập cánh giữa không trung” là dự án phim độc lập được nhắc tới nhiều thời gian qua.  Tôi nghĩ, khi chúng tôi có đủ tài năng, nhiệt huyết, dồi dào năng lực, có một ekip hậu thuẫn tốt, mà không làm được thì kỳ quặc. Nhưng cái thiếu nhất với những người làm đạo diễn như chúng tôi, là thiếu kinh phí. Thiếu cơ hội để tìm đến kinh phí cũng như tìm đường đi chính thống cho phim ảnh lâu dài và chuyên nghiệp.

Nhiều đạo diễn giỏi, tác phẩm tốt nhưng phim làm ra không có đời sống về sau. Mọi người sẽ chỉ hăng say miệt mài khi sản xuất, còn khi kết thúc, mọi người đều không còn cảm giác đó. Không phải vì phim tệ, mà vì phim không thể ra rạp, không đối mặt được với số đông phim bom tấn. Người làm phim có số phận rất sến, bị vài lần như thế, họ sẽ xuống tinh thần.

May cho những người như tôi, mới chỉ làm phim đầu tiên. Tôi còn khá trẻ so với những người luống tuổi. Vì vậy, đó là ưu điểm để tôi chạy tiếp.

- Nghĩa là chị không ảo tưởng về mình khi phim được đến Cannes?

Tôi luôn nghĩ, những đạo diễn trẻ, kể cả đạo diễn giàu kinh nghiệm, làm được việc đưa phim ngắn đi xa hơn, đến Cannes thì sẽ ghê gớm lắm. Nhưng tôi không ảo tưởng điều đó. Tôi chỉ nghĩ tới nó, tôn trọng nó để tôn trọng công việc của mình và cộng sự đã làm.

Khi phim được mời chiếu, tôi càng khẳng định được rằng, có rất nhiều đường cho phim nghệ thuật, cho người làm phim chân chính đem phim ra ngoài. Quan trọng là mình có tìm ra đường đi và muốn cho nó đi không. Còn nếu ngại ngần, chờ những lời mời chính thức, thì nó sẽ khó mà tìm được cơ hội.

Vì thế, 2 năm trở lại đây, tôi luôn nói chuyện với các bạn trẻ, nếu có phim ngắn, cứ mạnh dạn làm một cách chuyên nghiệp và cứ gửi đi các LHP, đăng trên facebook và các diễn đàn. Đó cũng là một cơ hội cho các bạn.

Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp!


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc