Lần đầu tiên, người nước ngoài nhận giải thưởng Nhà nước

20:55, 27/05/2012
|

(VnMedia) - Với công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, 2 tác giả người Đức đã trở thành người nước ngoài đầu tiên nhận giải thưởng Nhà nước của Việt Nam. Lễ trao giải thưởng này và danh hiệu NSƯT diễn ra sáng nay 27/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

>> Trao giải thưởng Hồ Chí Minh vào ngày sinh nhật Bác
>> Trang nghiêm lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh
>> Những gương mặt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4

Một tuần sau Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân ngày 19/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục có mặt tại Nhà hát Lớn để trao giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú.

Ảnh minh họa

Với công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia, 2 kiến trúc sư người Đức trở thành người nước ngoài đầu tiên nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật


Giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cấp quốc gia, trao tặng cho các tác giả có những công trình, tác phẩm giá trị cao trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục và văn học, nghệ thuật. Đây là giải thưởng lớn thứ nhì của nhà nước Việt Nam, chỉ sau giải thưởng Hồ Chí Minh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước ở các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật, Giáo dục đã được Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức trao tặng vào đợt đầu năm 2012. Giải thưởng thuộc các lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ở đợt trao giải lần này, có 129 tác giả đạt tiểu chuẩn xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trong đó, Âm nhạc có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm, Điện ảnh (14), Kiến trúc (5), Múa (5), Mỹ thuật (16), Nhiếp ảnh (2), Sân khấu (16), Văn học (38), và Văn nghệ dân gian (7).

Ảnh minh họa

Trong danh sách nhận giải thưởng Nhà nước có một số tác giả đã mất như nhà thơ Hữu Loan, Bế Kiến Quốc, nhà văn Phù Thăng...


Trong danh sách nhận giải thưởng Nhà nước lần này có nhiều cái tên quen thuộc với công chúng.

Lĩnh vực Âm nhạc có các nhạc sỹ Trọng Đài, Hoàng Long – Hoàng Lân, Đặng Hữu Phúc, Cát Vận, La Thăng… Lĩnh vực Điện ảnh ghi nhận đóng góp của các đạo diễn Dương Minh Đẩu, Trần Đắc, Nguyễn Khắc Lợi, Phạm Minh Trí, Vương Đức, Nguyễn Hữu Phần…

Khu vực Sân khấu điểm danh các đạo diễn Ngô Xuân Huyền, Phạm Thị Thành, Nguyễn Đăng Thanh… Trong khi mảng Văn học gọi tên các tác giả nổi tiếng như nhà thơ Hữu Loan, Hoàng Nhuận Cầm, Anh Ngọc, nhà văn Ngô Ngọc Bội, Lê Minh Khuê, Thái Bá Lợi…

Đặc biệt, giải thưởng Nhà nước đợt này xuất hiện 2 người nước ngoài là Meinhard von Gerkan và Nikolaus Goetze (Cộng hòa Liên bang Đức). Với công trình duy nhất Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, 2 ông được Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng với 25/31 phiếu tán thành, mức độ tán thành thấp nhất trong 5 cụm công trình được giải ở Lĩnh vực Kiến trúc. Trong lịch sử giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, đây là lần đầu tiên giải thưởng được trao cho công dân nước ngoài.

Sau Lễ trao giải thưởng Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục trao danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú cho gần 300 nghệ sỹ khu vực phía Bắc.

Ảnh minh họa

Ca sỹ, diễn viên Thanh Thúy là một trong nhiều gương mặt quen thuộc trở thành NSƯT đợt này


Ở đợt trao tặng danh hiệu lần này, có tổng cộng 356 nghệ sỹ được nhận danh hiệu NSƯT. Trong đó, lĩnh vực Sân khấu dẫn đầu với 157 nghệ sỹ được công nhận, tiếp đến là Âm nhạc (97 nghệ sỹ), Phát thanh – Truyền hình (47), Điện ảnh (30 nghệ sỹ), Múa (25 nghệ sỹ).

Nhiều nghệ sỹ quen thuộc với công chúng đã trở thành NSƯT trong đợt này, như các ca sỹ Minh Ánh, Thanh Thúy, Tấn Minh… các diễn viên Hoàng Hải, Đức Khuê, Quốc Khánh, Tự Long, Công Lý, Mỹ Uyên, Đức Hải, Ngọc Bích… các đạo diễn Quốc Trọng, Đỗ Thanh Hải, Đỗ Đức Thành, Đức Thịnh, Hồ Ngọc Xum…

Nhiều nghệ sỹ có tuổi đời và tuổi nghề cao, qua nhiều lần trượt xét duyệt đến nay đã có tên trong đội ngũ NSƯT như các diễn viên Tố Uyên (Con chim vành khuyên), Đức Lưu (Làng Vũ đại ngày ấy), Trần Vịnh, Ngọc Thoa, các đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Đỗ Minh Tuấn…

Ảnh minh họa

 
Do đông người, buổi trao giải phải chia thành 7 đợt lên sân khấu với 2 đợt trao giải thưởng Nhà nước và 5 đợt trao danh hiệu NSƯT. Kéo dài hơn nhiều so với đợt trao giải trao giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu NSND tuần trước tuy nhiên vẫn giữ được sự tôn vinh đối với các nghệ sỹ được giải.

Trong khi ngay nhiều nghệ sỹ được xét phong NSƯT đợt này nghĩ rằng sẽ chỉ trao đại diện cho một số nghệ sỹ (vì quá đông), tất cả các nghệ sỹ đều được lên sân khấu để đích thân Chủ tịch nước trao danh hiệu, cũng như tên tuổi, hình ảnh của họ đều được điểm danh đầy đủ, trang trọng trên màn hình.

Trước đó, nhiều nghệ sỹ ở khu vực phía Nam đã nhận giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSƯT ở lễ trao giải tại TP.HCM.


Lan Anh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc