Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trong kinh doanh, trong sinh hoạt và trên báo chí đã đến mức báo động. Trước tình trạng vay mượn ngôn ngữ như vậy, GS Nguyễn Minh Thuyết cảnh báo: “Có vay thì có trả. Vay mượn tiếng nước ngoài càng nhiều thì bản sắc càng bị bào mòn”.
Một vị giáo sư từng than rằng đi trên một con phố ở khu trung tâm mà cứ tưởng là đi nước ngoài vì có quá nhiều biển hiệu, băng rôn bằng tiếng Anh. Nếu cứ thấy dùng tiếng nước ngoài luôn cho nhanh gọn, cứ cho là tìm từ tiếng Việt tương ứng không gọn bằng dùng tiếng Anh thì dần dần sẽ bỏ luôn việc tìm tòi dịch sang tiếng Việt. Cứ nghĩ xem, nếu ông cha ta cũng “lười biếng” như vậy thì lấy đâu ra tiếng Việt ngày nay!
Căn hộ người Việt mà lại gắn tên tiếng Anh
Chỉ cần xách xe chạy một đoạn đường đã thấy không biết bao nhiêu bảng hiệu của cửa hàng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại hay căn hộ gắn tên tiếng nước ngoài. Ví dụ như Saigon Pearl, The Manor, The Lancaster, Central Garden, The Vista, Sailing Tower Avalon, The EverRich… Hoặc có tiếng Việt nhưng “nửa nạc nửa mỡ” như Cantavil Hoàn Cầu, Tản Đà Court, Hoàng Anh Riverview, Hùng Vương Plaza…
Một cán bộ quản lý về văn hóa cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây tòa nhà để bán, cho thuê và đặt tên tiếng nước ngoài, đưa ra cái cớ là có nhắm đến người mua, người thuê là người nước ngoài, thậm chí không thèm kèm tên tiếng Việt. Tuy nhiên, thử thống kê xem trong các cao ốc có tên tiếng nước ngoài đó, người sử dụng là người nước ngoài nhiều hơn hay người Việt Nam nhiều hơn? Khách hàng của anh cũng có người Việt đấy, sao anh không đặt tên tiếng Việt để thuận tiện cho khách hàng người Việt gọi tên đi!
Cán bộ quản lý này cho rằng việc sử dụng tiếng nước ngoài quá nhiều, đến độ thành quen, vì quen mà cứ tiếp tục sử dụng xem như ai cũng đã hiểu, dẫn đến thói quen cứ dùng thoải mái và sính tiếng nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi đăng ký kinh doanh thì đăng ký tên tiếng Việt nhưng trưng bảng hiệu thì không trưng tiếng Việt mà chỉ trưng tên tiếng nước ngoài. Đó là chưa kể những bảng, biển phụ cũng dùng tiếng nước ngoài.
Người bán đồ si-đa cũng sính tiếng Anh
Không chỉ những trung tâm thương mại sính tiếng Anh mà ngay cả những tiệm bán đồ ở những khu phố bình dân cũng thích “hội nhập” không kém. Nhan nhản bên lề đường nơi bán quần áo si-đa là những bảng hiệu đề “Hàng Sale off”.
Chúng tôi không biết lý giải thế nào khi bắt gặp những bảng hiệu này. Chắc chắn khu vực này và mặt hàng này chẳng bao giờ có một bóng người nước ngoài ghé đến. Tiếng Việt không có từ thay thế ư? Gọi là hàng giảm giá nghe dễ thương hơn rất nhiều. Ngoài ra, ghi bằng tiếng Anh trong trường hợp này cũng chẳng ngắn gọn hơn tiếng Việt tí nào vì chữ “sale off” và chữ “giảm giá” cũng đều có hai âm tiết!
Tương tự còn khá nhiều bảng lạm dụng khác như “new fashion” hay “new arrivals” (thời trang mới, hàng mới về)… trong lĩnh vực thời trang.
Nếu cửa hàng ở khu vực nhiều người nước ngoài, đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài nên cửa hàng treo nhiều bảng hiệu tiếng Anh thì có thể thông cảm được. Tuy nhiên, cửa hàng ở vùng toàn khách Việt Nam đến mua mà cũng treo bảng tiếng nước ngoài, dù công chúng hiểu và quy định không cấm dùng tiếng nước ngoài nhưng dùng thế là lạm dụng.
Ăn cơm độn
Không chỉ “hội nhập” trong kinh doanh mà trong giao tiếp, trên báo chí, truyền hình, tiếng nước ngoài cũng được dùng tràn lan và ngày càng nhiều từ mới. Bà Lê Thị Thu Hương (quận Thủ Đức) cho biết những năm trước, mở tivi lên đôi khi nghe vài từ tiếng nước ngoài. Còn bây giờ mở những đài lớn như VTV, HTV thì nghe tiếng Anh như… ăn cơm độn. Có nhiều từ không hiểu được, ví dụ như “trúng thưởng vu chơ mua hàng” (voucher - là phiếu mua hàng đã trả tiền) hoặc giới thiệu ca sĩ A mới cho ra một “em vi” mới (MV - music video), sao không nói tiếng Việt đi cho dễ hiểu?”.
Việc dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp gây ra nhiều trường hợp phản cảm. Anh MH (quận Bình Tân) kể lại, vợ chồng anh vào quán ăn thì cô nhân viên phục vụ đến hỏi: “Anh chị có búc bàn trước không?” (book: đặt). Anh hiểu ý cô nhân viên muốn hỏi xem anh có đặt bàn trước hay không nên anh cũng đáp lại là không. Sau khi anh chọn bàn ngồi thì cô ấy hỏi tiếp: “Anh chị order món gì?”. Tuy hiểu câu hỏi nhưng anh rất khó chịu kiểu lạm dụng tiếng Anh này, bèn hỏi vặn o-đơ là gì. Cô phục vụ hơi ngượng, hỏi lại là: “Anh chị gọi món gì?”. Anh mới đùa rằng: “Anh chờ mấy người bạn đến rồi mới gọi món nhưng cho anh o-đơ trước… hai ly trà đá!”.
Anh Nguyễn Văn Quốc, chủ một công ty sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất, cho biết khi anh làm việc với một công ty quảng cáo trong nước thì nhân viên quảng cáo “chèn” rất nhiều tiếng Anh vào câu khiến anh phát bực. Ví dụ, anh có muốn làm thêm “ti vi xi” không? (TVC - đoạn phim quảng cáo), bọn em có cách làm tăng “viu” cho anh (view - lượt xem)… Anh Quốc cho biết anh đã hỏi lại rằng tại sao không dùng từ tiếng Việt mà lại dùng tiếng Anh thì nhân viên quảng cáo giải thích rằng dùng quen rồi, dùng thế gọn hơn, còn dịch ra tiếng Việt thì không chính xác, mà dịch chính xác thì lại dài dòng!
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: |
Ý kiến bạn đọc