"Thiên hạ Thái Bình" lung linh trên sông Hương

20:31, 13/04/2012
|

(VnMedia) - Sân khấu nổi trên dòng sông Hương lung linh màu sắc trong lễ hội sân khấu hóa “Thiên hạ thái bình” tối qua 12/4. Chương trình lần đầu tổ chức tại Festival Huế đã thu hút hàng vạn người xem.

 

Được coi là gạch nối kế tiếp của lễ hội “Hành trình mở cõi” diễn ra dịp Festival Huế 2010, lễ hội “Thiên hạ thái bình” là câu chuyện kể về khát vọng thái bình, ấm no, hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân.

 

Sân khấu nổi trên sông Hương bên bờ công viên Thương Bạc, với phần trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng của năm Rồng) và hậu cảnh là cầu Trường Tiền duyên dáng tôn thêm tính nghệ thuật cho chương trình.

 

Các hình thức diễn xướng cung đình Huế như Nhã nhạc, múa kết hợp với những áng thơ bất hủ của cổ nhân là mạch dẫn cho chương trình, đưa khán giả vào một thế lãng mạn, trữ tình với thi - ca - nhạc - họa.


Ảnh minh họa

Là một chương trình mới của Festival kỳ này, lễ hội sân khấu hóa "Thiên hạ thái bình" đã để lại một dấu ấn tích cực

 
Thông qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình, tác giả kịch bản đã lựa chọn những bài thơ hay nhất vốn được tuyển chọn và khắc trên các kiến trúc cung đình Huế để làm mạch dẫn cho vở diễn “Thiên hạ thái bình”.


“Thiên hạ Thái bình” với nội dung xuyên suốt nhằm tôn vinh di sản thơ đồ sộ và rất có giá trị được khắc trên di tích Huế và tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa phi vật thể đã được công nhận và hiện nay đang được bảo lưu, kế thừa và phát huy.

Chương trình có thời lượng khoảng 100 phút, gồm 3 chương, tập trung vào các chủ đề: văn hiến, thái bình, thịnh trị của dân tộc.

 

Với chủ đề “Nước ngàn năm văn hiến”, Chương 1 đã làm nổi bật truyền thống ngàn năm văn hiến của đất nước được vun đúc qua nhiều thế hệ kẻ sĩ, nhân tài, các tầng lớp sĩ, nông, ngư, tiều… thể hiện sức mạnh đoàn kết của muôn dân trong xã hội.

 

Chương 2 với chủ đề “Muôn dân hưởng thái bình”, trên nền của tốp múa cách điệu cho tơ bông và đồng lúa, các cụm thợ dệt bên cung cửi đang dệt nắng vàng; các nông phụ thoăn thoắt gặt lúa chín, các nông phu quảy thóc trĩu gió… tất cả tạo nên một sức sống trong mưa thuận, gió hòa.

 

Chương 3, chương cuối cùng của lễ hội có chủ đề “Thịnh vượng cả trời Nam”, khẳng định một sự thịnh trị của một đất nước ngàn năm văn hiến, trăm họ vui mừng khai hoang, dựng nhà, trồng cây tạo nên sự trù phú, thịnh vượng, khắp nơi vui hưởng thái bình.

 

Ảnh minh họa

Mặt nước sông Hương về đêm lung linh với hậu cảnh là cầu Tràng Tiền nổi tiếng là không gian ấn tượng cho chương trình


Lễ hội được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng của cả nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm.

 

Những hoạt cảnh sinh động, tái hiện sinh hoạt của người dân Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX kết hợp với thơ, nhạc, ánh sáng cùng màn pháo hoa đặc sắc làm bừng sáng dòng Hương Giang thơ mộng.

Các hoạt cảnh diễn xướng cung đình như múa như cảnh các cụ đồ khởi thảo thơ xuân, cảnh tiến sĩ vinh quy bái tổ, cảnh thuyền rồng vãn cảnh... Cảnh thái bình với những người thợ dệt thoăn thoắt thoi đưa bên khung cửi, những ngư dân quăng chài, kéo lưới, cảnh… đã tạo nên một bức tranh sinh động trên dòng Hương.

Chương trình đã huy động gần 1.000 người tham gia biểu diễn, gồm các nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cùng đông đảo lực lượng quần chúng đủ lứa tuổi.
 

“Thiên hạ thái bình” là sự kế thừa, phát triển của các lễ hội do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện từng làm nên danh tiếng của những kỳ Festival trước như “Huyền thoại sông Hương”, “Hành trình mở cõi”… 

Một số hình ảnh trong chương trình:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Lan Anh - Hoàng Thành - (Tin, ảnh)

Ý kiến bạn đọc