Lùm xùm chuyện các show truyền hình bị kiện

13:50, 19/04/2012
|

(VnMedia)Cuộc thi Vietnam’s Next Top Model, khán giả đã chứng kiến vụ lùm xùm giữa BTC với 3 thí sinh bị loại với vụ kiện đòi phạt 15 tỷ vì i phạm hợp đồng. Và giờ đây lại đến câu chuyện thí sinh Mr.T - Nguyễn Cường đã quyết định không tiếp tục cuộc thi vì BTC Vietnam’s Got talent…
 

Thời gian gần đây, các show truyền hình giải trí lớn của Việt Nam sản xuất khi mua bản quyền của nước ngoài đều xảy ra sự lùm xùm giữa Ban tổ chức và các thí sinh. Vậy đâu là nguyên nhân và tại sao lại có sự lùm xùm này?. VnMedia giới thiệu bài viết của TS. Xã hội học Đỗ Thị Vân Anh, Trường Đại học Công Đoàn Hà Nội.
 
Trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường và hội nhập thế giới, một vấn đề ít ai quan tâm đến đó là “luật chơi”, và “luật chơi” hiện nay đang bị chi phối bởi cách ứng xử của từng người trong cuộc. Nhìn các cuộc thi theo kiểu quốc tế hiện nay mới thấy rằng cả Ban tổ chức và thí sinh đều có cách hành xử chưa chuẩn.

Cả hai đều hành xử theo cách hiểu về luật chơi của mình và đằng sau nó là sự chi phối về lợi ích. Chính vì vậy, mới xảy ra những vụ kiện tụng như hiện nay, điều khiến cho Ban tổ chức phiền lòng, người tham gia bất bình và khán giả không được chứng kiến những cuộc thi hấp dẫn và ý nghĩa như họ mong muốn.
 
Với cuộc thi Vietnam’s Next Top Model, khán giả đã chứng kiến vụ lùm xùm giữa Ban tổ chức với ba thí sinh bị loại với vụ kiện đòi phạt 15 tỷ đồng vì đã vi phạm hợp đồng. Và giờ đây lại đến câu chuyện thí sinh Mr.T - Nguyễn Cường quyết định không tiếp tục cuộc thi vì BTC Vietnam’s got talent đã ép buộc ký các “điều khoản vô lý”. Vậy ai đúng, ai sai? Hay có việc gì đó trục trặc khi liên quan đến hai chữ “hiện đại”.

 Ảnh minh họa
Màn biểu diễn của một thí sinh tại cuộc thi Vietnam’s Got talent.
 
Ở đây xuất phát từ cách hiểu về luật chơi của người Việt Nam. Và luật chơi này bị ảnh hưởng bởi hệ giá trị chi phối. Nếu như hệ giá trị của nước ngoài là khi đã ký hợp đồng là rất tôn trọng và thực hiện đúng theo hợp đồng. Và việc tôn trọng chữ ký của mình, tức là tôn trọng mình. Còn hệ giá trị của Việt Nam thì nổi bật bởi tính mềm dẻo: mọi việc đều có thể thương thảo và thay đổi được cho dù hợp đồng đã được ký.
 
Chúng ta không lạ gì với những câu chuyện thực hiện pháp luật ở Việt Nam. Tình trạng không thực thi pháp luật đã trở thành bệnh trầm kha khiến tình hình thực hiện đúng luật pháp ở Việt Nam rất khó khăn. Tính “dĩ hòa vi quý” đã trở thành ý thức tiềm tàng và thấm sâu trong cách hành xử của người Việt.
 
Cũng chính vì hệ giá trị đó mới xảy ra sự bất bình của ba thí sinh trong cuộc thi Vietnam’s Next Top Model và rồi cho rằng phạt họ 15 tỉ là “chuyện nhảm nhí”. Chính vì vậy, Ban tổ chức cuộc thi cũng khó lòng tiếp tục kiện họ vì tư tưởng thờ ơ, coi thường pháp luật vẫn cố hữu từ xưa đến giờ.
 
Còn đối với thí sinh Mr.T - Nguyễn Cường, việc anh chấp nhận tham gia cuộc thi là phải chấp nhận một bản hợp đồng với những điều khoản rõ ràng. Và đương nhiên Nguyễn Cường phải hiểu rằng đó chính là một hợp đồng kinh tế, vì vậy luôn phải có lợi cho cả hai bên.
 
Với nền kinh tế thị trường thì trong một hợp đồng kinh doanh, người tổ chức sẽ phải có những điều khoản đem lại lợi ích cho họ. Điều sơ đẳng nhất là trước khi tham gia phải đọc kỹ hợp đồng, những điều có lợi hay không có lợi phải tính đến cho mình và cho cơ quan tài trợ.
 
Không một ai tổ chức sự kiện nào đó mà không tính đến lợi ích của mình. Và không một nhân vật có tiếng nào không tham gia vào sự kiện mà không tính đến giá trị mình đạt được. Lợi ích đó có thể có cả giá trị kinh tế, có thể là danh tiếng hoặc cũng có thể là vì quan hệ. Vậy câu chuyện xảy ra những vụ lùm xùm vậy là do người tham gia hoặc không đọc hợp đồng, hoặc không hiểu hợp đồng và cũng có thể không chịu thực hiện hợp đồng.
 
Đó chính là độ vênh trong hệ giá trị, trong cách hiểu về luật chơi của người Việt chúng ta khi bước vào hội nhập Thế giới. Hệt như chúng ta ứng dụng luật chơi cờ tướng ra thi đấu ở nơi người ta đánh cờ vua. Hai trò chơi giống nhau về cơ bản nhưng cụ thể từng nước đi cho từng quân lại rất khác nhau.
 
Ví dụ: cùng là quân tượng nhưng quân tượng trong cờ vua đi khác quân tượng trong cờ tướng, cùng là con tốt nhưng con tốt ở cờ vua đi khác con tốt ở cờ tướng. Liên hệ với câu chuyện hai cuộc thi trên, có thể thấy chúng ta chơi cờ vua, nhưng hành xử vẫn là cờ tướng.
 
Và không thể đơn giản đánh giá ai đúng ai sai ở đây. Mà phải qui ước với nhau rằng nếu đã định tham gia các trò chơi phiên bản nước ngoài thì chúng ta phải chấp nhận hệ giá trị và luật chơi của họ. Để chúng ta trở thành những nhà tổ chức chuyên nghiệp và các thí sinh cũng phải chuyên nghiệp. 


Tùng Nguyễn - (ghi)

Ý kiến bạn đọc