Hai "điểm nhấn" mới mẻ của Festival Huế 2012

20:11, 05/04/2012
|

(VnMedia) - Bên cạnh những sự kiện quen thuộc, Festival Huế luôn có những chương trình các kỳ lễ hội. Nếu năm 2010 có 2 lễ hội mới ấn tượng là “Hành trình mở cõi” và “Hơi thở của nước” thì Festival Huế 2012 là một sự tiếp nối với 2 chương trình nghệ thuật “Thiên hạ Thái Bình” và “Âm vang hào khí Việt”.

>> 5 "Đêm Phương Đông" tại Festival Huế 2012
>> 2 Đêm Hoàng Cung tại Festival Huế 2012 
>> 2 “Lễ hội Áo dài” tại Festival Huế 2012
>> 5 buổi "Lễ hội đường phố" tại Festival Huế 2012
>> Lễ hội Nam Giao - Nét độc đáo của Festival Huế

Nằm trong chuỗi chương trình trọng điểm của Festival năm nay, 2 chương trình nghệ thuật này hứa hẹn sẽ mang đến nhiều ấn tượng và cảm xúc.

Sân khấu hoá “Thiên hạ Thái Bình”

Thiên hạ Thái bình là một lễ hội sân khấu hóa độc đáo được dàn dựng công phu cho Festival Huế 2012.

Lễ hội được xây dựng từ ý tưởng muốn tôn vinh khát vọng ngàn đời của dân tộc là đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm. Các hình thức diễn xướng cung đình Huế như Nhã nhạc, múa kết hợp với những áng thơ bất hủ của cổ nhân sẽ là mạch dẫn cho lễ hội độc đáo này.

Ảnh minh họa

Được coi là sự tiếp nối của "Hành trình mở cõi", lễ hội "Thiên hạ Thái Bình" diễn ra trên dòng sông Hương hứa hẹn sẽ mang đến một thế giới lung linh, lãng mạn như chương trình "Hơi thở của nước" tại Festival Huế 2010 (ảnh)


Thiên hạ Thái Bình sẽ đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi – ca - nhạc - họa sóng sánh cùng mặt nước dòng Hương Giang trong đêm, bên cầu Tràng Tiền.

Theo đó, Thiên hạ Thái bình có thời lượng khoảng 100 phút, dự kiến diễn ra trên sân khấu trước đình Thương Bạc.

Lễ hội gồm 3 phần chính với nội dung xuyên suốt nhằm tôn vinh di sản thơ đồ sộ và giá trị được khắc trên di tích Huế, đồng thời, phô diễn và tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương, của các loại đèn lồng Việt Nam mà kinh đô Huế từng là nơi hội tụ.

Thiên hạ Thái Bình sẽ được thực hiện trên chiếc sân khấu nổi trên sông Hương với phần trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng của năm Rồng), và hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng sẽ trở thành tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn tại quãng sông trung tâm thành phố Huế trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Vở diễn sẽ huy động hàng ngàn nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế và quần chúng tham gia, hứa hẹn sự hấp dẫn đang chờ đón du khách..

Ban tổ chức Festival Huế khẳng định chương trình Thiên Hạ Thái Bình sẽ là lễ hội “đinh” của Festival năm nay, là sự kế thừa và phát triển truyền thống của những Huyền thoại Sông Hương, Hành trình mở cõi, những chương trình làm nên danh tiếng của Festival Huế.

Chương trình sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12/4 trên sông Hương.

Lễ hội Trống và các Nhạc cụ gõ quốc tế

Với chủ đề tôn vinh hào khí dân tộc Việt Nam qua tiếng trống, chương trình Lễ hội Trống và các Nhạc cụ gõ quốc tế mang tên “Âm vang hào khí Việt” là một sự kiện chủ đạo thuộc khuôn khổ Festival Huế 2012.

Chương trình là nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn mang âm hưởng đặc trưng của các dàn trống và bộ gõ tới từ địa phương trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa

Chương trình Lễ hội Trống và các nhạc cụ quốc tế với tinh thần "Âm vang hào khí Việt" hứa hẹn những đại cảnh hoành tráng, hào hùng như "Hành trình mở cõi" tại Festival Huế 2010 (ảnh)


“Âm vang hào khí Việt” là tinh thần cốt lõi được truyền tải qua các nốt trầm hùng của tiếng trống đồng từ thủa Hùng Vương dựng nước, tiếng vang đầy sinh khí của trống trận khi Quang Trung khởi nghĩa, hay âm thanh tưởng chừng như rất dân dã của tiếng trống chèo nhưng thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước của dân tộc ta từ bao đời nay...

Bên cạnh đó là sự hưởng ứng của các tiếng trống đến từ các nước bạn trong khu vực, như Taiko của Nhật Bản, Janggu của Triều Tiên hay xa hơn là Bata của Nam Phi, là những đoàn được Ban Tổ chức Festival Huế giới thiệu và tiến cử.

Hơn 12 đoàn trống sẽ tham gia biểu diễn tại khu vực Nghinh Lương Đình, nơi có sân khấu chính được thiết kế thành hình tròn mang hoa văn trống đồng Đông Sơn.

Trong tổng thể mỹ thuật sắp đặt đó là dàn trống hội gồm 100 chiếc, tượng trưng cho 100 người con huyền thoại của Lạc Long Quân – Âu Cơ đã xây dựng nên đất nước Văn Lang – tiền thân của Việt Nam ngày nay.

Trong lễ hội Trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”, hình ảnh trống đồng sẽ được giới thiệu như là một biểu tượng không thể thiếu cho lịch sử dựng nước, giữ nước và văn hóa của dân tộc. Khán giả sẽ được chiêm ngưỡng sân khấu là hình ảnh một mặt trống đồng khổng lồ trên quảng trường Nghinh Lương Đình, trước Phu Văn Lâu và bên bờ sông Hương thơ mộng.

Chương trình sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 14/4 vào lúc 16h tại Nghinh Lương Đình.


Minh Phương - (Ảnh: ST)

Ý kiến bạn đọc