(VnMedia) - Mở rộng cửa cho chất lượng thượng vàng, hạ cám. Không có một sự phân hạng bằng công khai đề cử. Cánh diều chưa thể là một giải thưởng đúng tầm tổng kết ngành, không chỉ bởi yếu tố ở đội ngũ cầm cân nẩy mực, mà chính từ quy chế tổ chức... kém thông minh.
>> “Mùi cỏ cháy” và “Long ruồi” bội thu tại Cánh diều 2012
Nếu những giải thưởng sinh sau đẻ muộn như Cống hiến của Âm nhạc, HTV Awards của Diễn xuất… có cách thức tổ chức bài bản, khoa học thì sau gần 1 thập niên ra đời, Cánh diều vẫn thể hiện một tư duy tổ chức thiếu thông minh và chuyên nghiệp.
Ai bảo cho Thị Nở thi Hoa hậu
Khác với LHP quốc gia hay LHP quốc tế Việt Nam là những film festival, Cánh diều là một giải thưởng thường niên mang tính chất tổng kết năm. Đây là 2 sự kiện điện ảnh mang tính chất khác nhau, nhưng ở Việt Nam lại hầu như không khác biệt.
... Ngoài việc LHP dài hơi hơn và có thêm đêm khai mạc trong khi Cánh diều chỉ có đêm trao giải, LHP đi xuyên Việt ở các địa phương còn Cánh diều luân phiên giữa Hà Nội và TP.HCM.
Không có vòng sơ loại, sự xuất hiện của các tác phẩm kém chất là đương nhiên |
Nếu các LHP quốc tế như Cannes, Venice, Berlin… trước dịp liên hoan chỉ công bố danh sách phim tranh giải bởi quy tụ nhiều tác phẩm điện ảnh có thể còn xa lạ với giám khảo và công chúng thì những sự kiện điện ảnh như Oscar, Bafta, Cesar... luôn công bố danh sách đề cử chi tiết cho các hạng mục giải thưởng từ trước Lễ trao giải cả tháng trời, bởi đó là một giải thưởng mang tính tổng kết hoạt động trong năm.
Với tính chất “sự kiện tổng kết ngành” này của Cánh diều, đáng lẽ nó cũng phải có format tổ chức tương tự như Oscar, Bafta… Nhưng không, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh vẫn làm theo kiểu một LHP, tức là chỉ tung ra một danh sách dự giải chỉ gồm... những cái tên phim.
Có khác là ở một LHP quốc tế uy tín, người ta có hẳn một ban tuyển chọn để sát hạch (và đôi khi đi tìm) những tác phẩm chất lượng vào danh sách tranh giải thì Cánh diều hồn nhiên đón nhận tất cả thượng vàng, hạ cám, miễn là có nhu cầu tham dự. Điều chẳng khoa học và hợp lý này, lạ thay bao năm vẫn tồn tại mà không có bất cứ ý kiến cải cách nào.
Vậy là, chẳng có một barie chất lượng nào cho các tác phẩm tranh giải. “Đầu vào” thả lỏng vô biên nên mới có dịp cho các tác phẩm thuộc hàng thảm họa điện ảnh chen chân, và cũng mới có cơ hội cho báo chí thể hiện thẩm mỹ điện ảnh tinh tế bằng việc tích cực chứng minh sự xấu gái của Thị Nở.
Lỗi của những Thị Nở xét cho cùng chỉ là đã xấu gái còn tự tin, nhưng lỗi lớn hơn là ở BTC và BGK cuộc thi Hoa hậu là không đặt ra một chuẩn tối thiếu cao 1m65, tốt nghiệp THPT, gương mặt ưa nhìn cho hồ sơ tham dự hay tổ chức vòng sơ loại cẩn thận trước khi công bố danh sách chính thức lọt vào vòng Chung kết.
Đề cử: Sao không làm đề cử?
Trước thềm Lễ trao giải, những ứng viên sáng giá ở các hạng mục, như thường lệ, lại được điểm mặt chỉ tên trong các dự đoán của báo giới. Đáng lẽ, công việc này – chọn lọc ứng viên sáng giá – phải là của các nhà chuyên môn, các thành viên giám khảo.
Chẳng công khai đề cử, sự bất ngờ ở đêm trao giải càng mở rộng biên độ |
Vì không có một sự phân cấp, xếp hạng từ đầu, nên các bảng dự đoán tha hồ mà du di. Cũng mới có chuyện, đến tận đêm trao giải người ta mới tranh nhau sửng sốt (may quá, có chuyện để sửng sốt!) vì chuyện Elly Trần đoạt giải Diễn viên truyền hình và thất vọng (hị hị, cứ chẳng dễ đoán là thất vọng!) với sự đăng quang của Tina Tình tại giải Nữ chính xuất sắc phim truyện nhựa.
Không cần so với những Oscar, Bafta, Qủa cầu vàng, Grammy… chỉ cần nhìn ngay sang các giải Cống hiến hay HTV Awards, hoặc Mai Vàng… cũng thấy Cánh diều có quy trình tổ chức kém khoa học và chuyên nghiệp hơn hẳn.
Diễn ra cùng khoảng thời gian này, giải thưởng Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao Văn hóa đã công bố đề cử từ 21/2 trong khi tới 22/4 mới chính thức trao giải. Như vậy, công chúng có cơ hội được ngắm nghía, tìm hiểu bảng đề cử tới 2 tháng và trong thời gian này, những cái tên đề cử cũng được phân tích, mổ xẻ tập trung trước khi phân định thắng thua.
Công phu hơn, giải thưởng dành diễn cho diễn xuất của đài truyền hình TP.HCM HTV Awards còn công bố danh sách đề cử lần 1 (Top 5) từ 7/2 rồi tới đề cử lần 2 (Top 3) vào hôm qua 19/3 trước khi trao giải chính thức vào 14/4. Sự xứng đáng hay bất hợp lý… của các gương mặt được chọn lựa, nếu có cũng đã được bàn luận, bình xét trong hơn 2 tháng chứ không gây bất ngờ chỉ trong vài giây công bố giải.
Đằng này, giải thưởng có thâm niên 20 năm (trong đó 10 năm mang tên Cánh diều) của Hội Điện ảnh đến giờ vẫn giữ cách trao giải “điện giật”: Cho đến tận trước lúc mở phong bì đọc tên giải thưởng mới chiếu lướt vài giây những cái tên đề cử.
Chính cách thức tổ chức của Cánh diều đã không làm giải thưởng và những gương mặt nổi bật của nó lan tỏa rộng hơn trong dư luận hay để lại dấu ấn lâu đậm hơn theo thời gian. Thử hỏi ngay những người quan tâm điện ảnh xem Cánh diều năm trước (hay kể cả năm nay) ai là những cái tên lọt đề cử các hạng mục. Có lẽ cũng chẳng mấy người nhớ.
(Còn tiếp)
Ý kiến bạn đọc