"Oscar" Việt Nam, những chuyện ngược đời

14:35, 31/03/2012
|

(VnMedia) - Bắt chước format của lễ trao giải Oscar nhưng trong khi sự kiện điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới chuyên nghiệp đến từng khâu nhỏ thì Oscar Việt Nam tồn tại không ít chuyện ngược đời.

>> Cánh diều: 10 năm vẫn chưa chuyên nghiệp
>> Những giải thưởng "giời ơi" của Cánh diều Vàng
>> Những pha "xỏ nhầm giầy" hài hước ở Cánh diều
>> Cánh diều: Tổ chức nghiệp dư, tư duy lộn xộn

Hội chứng thừa lời ở Cánh diều

Ở bài trước, VnMedia có điểm danh một số pha khách mời “xỏ nhầm giầy” tại các lễ trao giải Cánh diều. Thực ra, những trường hợp thuộc diện này không hề hiếm mà lại là “chuyện thường ngày ở huyện” của giải thưởng này.

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngân Khánh, Vũ Thu Phương hay Quang Minh cũng mắc tật thừa lời ở Cánh diều


Năm ngoái, diễn viên Ngân Khánh cũng làm mất thời gian một cách kém duyên, không cần thiết, khi lên công bố và trao giải thể loại Phim video cùng ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh.

Đang đọc dở kết quả giải Cánh diều Vàng, diễn viên của “Khi yêu đừng quay đầu lại” đột ngột dừng lại để dốc bầu tâm sự “Khánh nhớ đến câu nói thế này - sự lạc quan hay hy vọng luôn đánh thức lòng can đảm còn sự thiếu tự tin hay nản chí về sau thì không nên một chút nào…” khiến nhiều người tò mò về sự liên quan tới bộ phim đoạt giải để rồi sau đó chưng hửng vì sự tiện miệng văn vẻ của cô diễn viên.

Năm 2009, người mẫu Vũ Thu Phương cũng góp thêm một màn PR chỉ kém Mai Phương Thúy chút đỉnh. Lên trao giải cùng diễn viên Việt Anh của “Chạy án”, ngoài việc đọc giải thì chân dài này dành lời trên sân khấu chỉ để nói về mình. "Phương rất là vui khi có mặt ở đây lúc này, có lẽ đó là cái duyên chăng. Đáng ra bây giờ Phương đang ở nước ngoài đi biểu diễn thì chuyến đi bị đổ bể… blabla".

Ở một trạng thái ngược lại, Quang Minh - BTV thời sự của VTV không “xỏ nhầm giầy” mà còn nỗ lực gọt gót chân một cách quyết liệt đến mức thành phô diễn. Sóng đôi cùng người mẫu Thanh Hằng trên sân khấu Cánh diều 2009, anh hầu như bỏ mặc bạn dẫn để mở máy một tràng (chắc chuẩn bị kỹ từ trước) về phim tài liệu, thể loại đang trao giải.

Sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” một cách đầy tự tin, anh dừng lại một cách đầy tự tôn. Và chân dài của làng thời trang Việt, sau khi bị bạn dẫn “biến” thành người thừa trên sân khấu, đành/vẫn tươi cười trong khi phản ứng lại "Em thì không nói hay như anh Minh, em nghĩ khán giả không thích nghe nói nhiều, nên em sẽ đọc kết quả giải thưởng” khiến khán phòng rộ cười.

Ấu trĩ hay là phông văn hóa thấp tầm

Việc các khách mời vô duyên hay thừa lời, nhầm giầy hay lạm dụng sân khấu… phản chiếu phần nào nhận thức, ý thức hay văn hóa ứng xử của họ khi đứng trên sân khấu trao giải. Nhưng, nhìn toàn cục, những người thực hiện lễ trao giải Cánh diều (nhà tổ chức, kịch bản, đạo diễn…) là nguyên nhân lớn nhất của sự này, khi không thể hiện vai trò điều phối, định hướng trong chương trình.

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Hình ảnh ấu trĩ và thiếu văn hóa tại Cánh diều 2010, khi một nhân viên chương trình kè kè trên sân khấu để đôn đốc, thúc ép các nghệ sỹ đoạt giải vào cánh gà


Lễ trao giải năm nay bị nhiều người chê là tẻ nhạt, nhưng dù sao, cũng đã làm được một điều cơ bản là dành thời gian để những người đoạt giải phát biểu. Điều tưởng như hiển nhiên này, ngạc nhiên thay lại không có trong tư duy của từ nhà tổ chức đến các đạo diễn chương trình Cánh diều, suốt bao năm.

Lễ trao giải Cánh diều văn minh nhất có lẽ là chương trình năm ngoái tại TP.HCM, khi cho thấy có sự định hướng của bàn tay đạo diễn từ những lời bình của MC tới việc phân định vị trí khách mời – nghệ sỹ đoạt giải.

Cho tới trước chương trình này, hầu hết các nghệ sỹ đoạt giải Cánh diều chỉ kịp lên nhận giải rồi lui. Có năm đạo diễn chương trình copy Oscar một cách học đòi khi cho đặt một bậc thang giữa sân khấu để tốn thêm thời gian cho những cặp đôi khách mời xúng xính thả bước trong nhạc hiệu trang trọng (cứ như buổi lễ đang tôn vinh họ vậy) trong khi vẫn eo hẹp thời gian cho những người đoạt giải.

Lễ trao giải năm 2010 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị còn chứng kiến những cảnh bi hài có thể gọi là thiếu văn hóa. Mỗi khi có một nghệ sỹ lên nhận giải, một nhân viên chương trình lại vội vàng từ cánh gà đi ra sân khấu “hộ tống” sát sườn nhân vật để nhanh đi vào cánh gà. Thậm chí, nhân viên nhà Đài này còn quán triệt tới mức, có nghệ sỹ đang chuẩn bị phát biểu cũng vừa dắt vừa ép đi vào, trước con mắt của các khán giả.

Khởi nguồn của những màn cảnh bi hài này có lẽ từ khung thời gian phát sóng có giới hạn của nhà Đài. Tuy nhiên, sự ấu trĩ của chương trình ở chỗ, trong khi các khách mời trai xinh gái đẹp thì không bị cảnh báo/hạn chế về sự dông dài, thì những người đoạt giải, những nhân vật đáng được/phải được tôn vinh thì lại bị đối xử “thiết quân luật”.

Sau lễ trao giải năm này, NSƯT Nguyễn Thanh Vân, người được giải Đạo diễn xuất sắc thể loại Phim truyền hình nhiều tập với phim “Lều chõng” - một người hiền lành và ít kêu ca, khi trả lời VnMedia cũng bày tỏ sự phiền lòng khi chứng kiến và là đối tượng của lối ứng xử thiếu văn minh, thiếu tôn trọng này.

… Trong bãi cỏ mới thấy những ngọn cây

Cùng với việc điều chỉnh tư duy về nội dung chương trình các lễ trao giải, đã bớt đi những ấu trĩ, lệch lạc, bất hợp lý giữa những “chủ nhân” và “khách mời” ở Cánh diều. Những nhân vật chính, những chủ nhân các giải thưởng đã có sự tôn vinh cần thiết, khi được dành khoảnh khắc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc.

Ảnh minh họa

Không màu mè, ít sáo ngữ, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn với những lời giới thiệu thường thể hiện sự am hiểu, tôn trọng... là một trong số khách mời hiếm hoi trên sân khấu Cánh diều làm tốt vai trò này


Trong khi đó ở khu vực khách mời, đã có chỉ đạo tiết chế hơn từ khâu tổ chức, đạo diễn… mà sự “ngắt lời” của MC Quyền Linh với nhu cầu tung hứng tâm sự của đạo diễn Khải Hưng và hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tại lễ trao giải năm nay là một dấu hiệu. Có thể, với động thái này, các khách mời từ nay trở đi cũng sẽ tự biết hạn chế hơn những pha thể hiện nhầm chỗ, thiếu duyên.

Nhìn lại các lễ trao giải Cánh diều xưa nay, loại trừ những pha hài hước điển hình đã kể, thì thực ra đa phần những sự xuất hiện của các khách mời đều chỉ dừng lại ở tính chất góp mặt thông thường.

BTV Quang Minh của VTV có thể hơi tự tôn và thiếu tế nhị với người bạn đồng dẫn, nhưng dù sao anh cũng còn ý thức nhất định về nhiệm vụ của mình – giới thiệu, chia sẻ thông tin hơn là chỉ đọc những cái tên đơn thuần – điều mà 1 đứa trẻ 8 tuổi lên đứng đó cũng có thể làm được.

Nhan nhản, trong các lễ trao giải, người ta bắt gặp những điệp khúc quen thuộc: “Tôi rất vinh dự khi công bố giải ABC này”, “Tôi rất hân hạnh khi đứng cùng anh X xinh trai/chị Y đẹp gái”… Những mỹ từ, sáo ngữ như này đã trở thành nội dung chủ đạo của hầu hết các khách mời trao giải Cánh diều.

Trên tinh thần này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn với những lời giới thiệu súc tích, thể hiện sự tôn vinh cần thiết với những người nhận giải trong những lần làm nhiệm vụ này, hay đạo diễn Trần Văn Thủy với những lời đầy cảm xúc về phim tài liệu trong lần góp mặt hiếm hoi trên sân khấu Cánh diều năm ngoái.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc