Chủ tịch Hội Nhà văn chấm giải Cánh diều Vàng

15:27, 10/03/2012
|

(VnMedia) - Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch đương nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam là Phó trưởng ban giám khảo Phim truyện nhựa của Cánh diều Vàng năm nay. Ngoài ra, thành phần BGK lần này chứng kiến sự áp đảo của giới cầm bút với 1 nhà phê bình lý luận, 2 biên kịch và 2 nhà báo.

>> Phim tư nhân áp đảo tại Cánh diều Vàng 2012  
>> Những phim truyền hình nổi bật tại Cánh diều Vàng 2012

Tại cuộc họp báo hôm 1/3, BTC từ chối công bố danh sách thành viên BGK các thể loại, trừ những vị chủ khảo. Lý giải điều này, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh - đơn vị tổ chức Cánh diều Vàng chia sẻ: “Khi chúng tôi mời vào BGK, đạo diễn, nghệ sỹ nào cũng kêu bị hỏi han, làm phiền quá nhiều. Chính vì vậy họ yêu cầu chúng tôi giữ bí mật thông tin về các thành viên BGK”.

Ban giám khảo, ở khía cạnh nào đó là bộ mặt của một giải thưởng (không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà ở bất kỳ lĩnh vực nào). Theo đó, việc mời những ai tham gia chấm giải hay việc công khai danh sách thành viên BGK là một trong những yếu tố thể hiện mức độ uy tín và xu hướng của giải thưởng. Ở các LHP quốc tế lớn, thậm chí các thành viên BGK được công bố từ trước hàng tháng.

Lý do BTC Cánh diều Vàng 2012 đưa ra về việc giữ kín danh sách BGK xem ra hết sức chính đáng. Để đảm bảo yếu tố bí mật của giải thưởng cũng như tránh sự làm phiền tới các thành viên. Tuy nhiên, việc không công khai BGK cũng cho thấy sự chưa thực sự tự hào và tự tin của BTC giải vào đội ngũ những người cầm cân nẩy mực.

Người làm phim lép vế - Giới cầm bút áp đảo

Nếu đạo diễn là lực lượng chủ đạo trong thành phần BGK LHP Việt Nam lần thứ 17 thì giới cầm bút lại áp đảo ở BGK Cánh diều Vàng 2012.

Đáng chú ý nhất là sự có mặt của một nhà thơ trong danh sách BGK - điều hình như chưa có tiền lệ ở cả giải Bông sen lẫn Cánh diều. Không chỉ tham gia chấm giải, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn giữ cương vị Phó trưởng ban Giám khảo. Điều đáng lưu ý là nhà thơ 70 tuổi này dù không xa lạ với công chúng trong các hoạt động văn hoá văn nghệ nhưng chưa từng thể hiện sự liên hệ đáng kể nào với lĩnh vực phim ảnh.

Ảnh minh họa

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam sẽ làm Phó BGK Cánh diều Vàng 2012


Trong danh sách BGK còn có sự hiện diện của nhiều cây bút là nhà văn, nhà báo, biên kịch hay lý luận phê bình. Thành phần này chiếm phân nửa trong số 13 vị giám khảo được “chọn mặt gửi vàng”.

Nhà văn - nhà biên kịch Văn Lê, tác giả kịch bản phim Long thành cầm giả ca (phim đoạt Cánh diều Vàng năm 2011) tiếp tục được mời ngồi ghế giám khảo ở một giải thưởng điện ảnh, sau khi tham gia BGK LHP Việt Nam 16. Ngồi chấm giải còn có nhà báo - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, Phó TBT Tạp chí Thế giới Điện ảnh - tờ báo của Hội Điện ảnh. Ông cũng là người chịu khó đăng đàn trong nhiều sự kiện, vấn đề của ngành.

Nhà văn - nhà báo Tô Hoàng, nguyên trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Lao động và Phụ nữ TP.HCM cũng được mời vào ghế nóng. Ông còn được biết đến với vai trò đạo diễn phim tài liệu, tại LHP Việt Nam lần thứ 17 năm ngoái, bộ phim “Hồ Chí Minh, cội nguồn cảm hứng sáng tạo” đã đoạt giải Bông sen Vàng ở thể loại Phim tài liệu video.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, người từng là cây bút phê bình phim quen thuộc ở báo Điện ảnh TP.HCM cũng có tên trong danh sách giám khảo. Giới cầm bút còn được bổ sung với nhà phê bình lý luận Trần Luân Kim, một cựu quan chức của ngành (từng giữ chức Tổng Thư ký rồi Chủ tịch Hội Điện ảnh).

Một BGK già nua! Và an toàn?

Nếu ở LHP Việt Nam lần thứ 17 cách đây vài tháng, thành phần BGK Phim truyện nhựa chứng kiến sự áp đảo của cánh đạo diễn với 4/9 thành viên thì ở Cánh diều Vàng lần này, chỉ có 2/13 đạo diễn ngồi ghế nóng.

Trong đó, đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, người giữ cương vị Trưởng BGK là một nhà làm phim kỳ cựu nhưng đã 80 tuổi. Tác phẩm điện ảnh gần nhất của ông - bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm được thực hiện cách đây hơn 10 năm.

Ảnh minh họa

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sẽ tham gia chấm phim truyện nhựa ở Cánh diều


Vị đạo diễn còn lại là Đỗ Minh Tuấn, tác giả của những Hoa của trời, Vua bãi rác, Ký ức Điện Biên… Vị đạo diễn 60 tuổi này còn được biết đến với tư cách nhà thơ, biên kịch, nhà báo.

Đạo diễn là thành phần chỉ đạo tổng thể các công việc của một đoàn phim, và theo đó cũng có thể coi là người có điều kiện nhìn nhận bao quát nhất đối với một tác phẩm điện ảnh. Việc hạn chế thành phần làm phim, thay bằng những người xem và bình phim không hẳn là một phương án tích cực.

Những cái tên còn lại trong BGK là nhà quay phim, NSƯT Trần Quốc Dũng, nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, họa sỹ - NSƯT Nguyễn Trịnh Thái hay kỹ sư âm thanh Đoàn Văn Biên, NSND Lê Khanh.

Nếu BGK LHP Việt Nam tạo ấn tượng với những gương mặt cá tính, gai góc… và đang sung sức trong thị trường điện ảnh hiện tại, như các đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên, Đinh Anh Dũng, biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nhạc sỹ Phó Đức Phương… thì trong BGK Cánh diều lần này hầu như không có sự hiện diện của các gương mặt trẻ.

Nhìn vào đội ngũ giám khảo hầu như loanh quanh ở lứa tuổi 60 - 70 - 80, không chắc họ còn cập nhật những xu hướng hay bám sát các dòng chảy điện ảnh quốc tế.

Trong cuộc họp báo Cánh diều Vàng đầu tháng 3, khi được hỏi về định hướng chấm và trao giải, đại diện BTC cho biết, giải thưởng nghề nghiệp của Hội Điện ảnh không mang tầm định hướng cao như giải thưởng ở LHP quốc gia.

Theo đó, tiêu chí chấm giải của Cánh diều Vàng vẫn dùng những cụm khẩu hiệu mang tính chất khái quát như: tác phẩm có dấu ấn sáng tạo cá nhân, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.

Còn 1 tuần nữa, các giải thưởng của Cánh diều Vàng năm nay sẽ có chủ. Cùng chờ đợi xem những cái tên nào sẽ được tôn vinh.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc