Cánh diều loại "Thái sư Trần Thủ Độ": Khắt khe!

16:05, 14/03/2012
|

(VnMedia) - BGK thể loại Phim truyền hình Cánh diều 2012 đã quyết định rút bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” khỏi giải thưởng năm nay, vì phim chưa được cấp phép phổ biến. Đây là một quyết định khá khắt khe khi trong lịch sử giải thưởng này, nhiều tác phẩm chưa hề phổ biến vẫn được tham gia tranh giải và thậm chí từng nhận Cánh diều Vàng.

>> Những phim truyền hình nổi bật tại Cánh diều Vàng 2012  

Chiều 13/3, gặp gỡ báo chí trong khuôn khổ buổi chiếu phim dự giải Cánh diều 2012, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, trưởng BGK thể loại phim truyền hình cho hay, “Thái sư Trần Thủ Độ” bị rút khỏi giải vì sai quy chế.

Mãi không hết lận đận

“Thái sư Trần Thủ Độ” là một dự án sản xuất theo đơn đặt hàng của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phim do Hãng phim Truyện 1 (nay là Công ty Cổ phần Phim Truyện 1) sản xuất với kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Thiên Bảo trong vai "Thái sư Trần Thủ Độ"


Lấy bối cảnh những biến động cuối thời Lý và việc dựng nghiệp của nhà Trần (thế kỷ 13), phim là câu chuyện về một nhân vật tài năng và đa diện trong lịch sử là Thái sư Trần Thủ Độ. Vị khai quốc công thần của nhà Trần là người đã thực hiện cuộc "đảo chính" ngoạn mục nhất sử Việt với việc chuyển giao ngai vàng từ nhà Lý sang nhà Trần, bằng một cuộc hôn nhân sắp đặt giữa vua nữ Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, sau trở thành vua Trần Thái Tông, vị vua đầu triều Trần.

Phim có một ekip khá tên tuổi đạo diễn Đào Duy Phúc và giám đốc sản xuất Đặng Tất Bình, cùng dàn diễn viên quy mô hàng chục diễn viên chuyên nghiệp và hàng trăm diễn viên quần chúng.

Khởi quay từ tháng 6/2009, đây là tác phẩm được quan tâm nhiều nhất của dư luận trong số các phim thực hiện nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Không chỉ bởi con số kinh phí hoành tráng, phim cũng làm tốn giấy mực của báo chí với nhiều ồn ào, từ việc nữ diễn viên chính bỏ vai vì cảnh nóng tới việc bị tố xâm phạm di tích hoàng cung Huế khi quay phim, cho đến sự lình xình đắp chiếu mãi chưa lên sóng truyền hình…

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh VP Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long, từng chia sẻ, dù là phim kỷ niệm đại lễ nhưng lại không được duyệt lên sóng vào đúng dịp này bởi sự nhạy cảm lịch sử khi nhân vật Trần Thủ Độ lại là người tiêu diệt nhà Lý – triều đại đặt nền móng cho kinh đô Thăng Long.

Bị loại vào phút chót

Khi xuất hiện trong danh sách tranh giải Cánh diều 2012 ở thể loại Phim truyền hình, BTC giải đã nhận được thắc mắc về tính hợp lệ của phim khi chưa phát sóng. Trả lời về điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh cho biết, tác phẩm dự thi không bắt buộc phải ra mắt, mà chỉ cần được nộp lên từ đơn vị sản xuất và có giấy phép phổ biến đi kèm.

Ảnh minh họa

Hứa Vỹ Văn và Lã Thanh Huyền vai Thái tử Sảm và Trần Thị Dung


Những tưởng đã hết lận đận, sau gần 2 tuần yên vị trong danh sách tranh giải Cánh diều, “Thái sư Trần Thủ Độ” bất ngờ nhận quyết định rút khỏi phạm vi xét giải.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Trưởng Ban giám khảo Cánh diều 2012 thể loại phim truyền hình cho biết, quyết định này được hội đồng giám khảo đưa ra sau khi đối chiếu quy chế.

Theo quy định của Luật Điện ảnh về việc tham dự các giải thưởng điện ảnh, Phim truyền hình dự thi phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam, hay đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh.

Trong khi đó, hiện phim "Thái sư Trần Thủ Độ" hiện vẫn chưa được Bộ VH-TT-DL hay bất kỳ một đài truyền hình nào kiểm duyệt cũng như có kế hoạch phát sóng.

Theo BGK, trường hợp của “Thái sư Trần Thủ Độ” sai quy chế bởi phim chưa hề được thông qua hội đồng duyệt nào mà mới chỉ được UBND TP.Hà Nội (đơn vị đặt hàng sản xuất bộ phim) thông qua.

Cứng nhắc và khắt khe

Một tác phẩm thực hiện 2-3 năm ròng, bị nhấc ra khỏi giải thưởng nghề nghiệp không vì những vi phạm nghề nghiệp, yếu tố chính trị, tranh chấp bản quyền… mà bởi một lỗi mang tính thủ tục, có lẽ đây là một quyết định cứng nhắc và khắt khe của Hội đồng giám khảo.

Lỗi “chưa có kế hoạch phát sóng” hẳn nhiên không phải là một vi phạm quy định nặng nề, nếu đối chiếu ngay trong lịch sử giải thưởng Cánh diều.

Ảnh minh họa

NSƯT Hoàng Dũng và NSND Lan Hương vai vua Lý Cao Tông và Đàm Hoàng hậu


Chính trong khuôn khổ giải thưởng năm nay, ở hạng mục Phim truyện nhựa, có tới 3 phim chưa hề có kế hoạch công chiếu vẫn an nhiên nằm trong danh mục dự thi là “Mùi cỏ cháy”, “Tâm hồn mẹ” và “Đó hay đây”.

Trong quá khứ, trường hợp này còn là hiện tượng phổ biến, khi đa số những tác phẩm điện ảnh nhà nước đều không ra mắt trước (và kể cả sau) khi tham dự giải thưởng điện ảnh. Thậm chí, năm 2004, bộ phim “Trò đùa của Thiên Lôi” từng dành giải Cánh diều bạc mà vài năm sau vẫn chưa ra mắt khán giả. Năm 2006, phim “Chuyện của Pao” được trao Cánh diều Vàng khi công chúng vẫn chưa biết mặt mũi tác phẩm ra sao.

Lỗi “chưa thông qua Hội đồng duyệt cấp phép phổ biến” lại mang nhiều tính chất thủ tục hành chính.

Được biết, vào giữa tháng 7/2011, TP. Hà Nội đã thành lập Hội đồng nghiệm thu phim lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm đánh giá thẩm định “Thái sư Trần Thủ Độ”.

Hội đồng do đạo diễn, NGND Lê Đăng Thực làm Chủ tịch Hội đồng và 2 Phó Chủ tịch gồm GS-TS, NSND Nguyễn Đình Quang và Giáo sư Sử học Lê Văn Lan. Ngoài ra còn có các  thành viên là cán bộ quản lý, lãnh đạo ngành điện ảnh, Sở VH-TT-DL, UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành uỷ...

Với việc đã thông qua một hội đồng như vậy, những yếu tố về chất lượng hay các vi phạm… có thể coi có sự đảm bảo nhất định. Xem ra, vấn đề chủ yếu nằm ở việc “chưa có giấp phép” – một yếu tố mang tính thủ tục.

Còn nhớ tại LHP Việt Nam lần thứ 17, bộ phim “Mùi cỏ cháy” khi thậm chí còn chưa hoàn thiện phần hậu kỳ (hẳn nhiên chưa thể duyệt và cấp phép) nhưng đã được đặc cách tham dự.

Một ứng xử linh hoạt như vậy chưa thấy ở Cánh diều.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc