Cánh diều bay mãi chưa thoát kiếp nghiệp dư !

19:20, 27/03/2012
|

(VnMedia) - Là giải thưởng duy nhất của một hội nghề nghiệp vượt ra khỏi khuôn khổ nội bộ là một nỗ lực đáng ghi nhận của Cánh diều. Tuy nhiên, nỗ lực này có vẻ hơi ngoài tầm cả về kinh phí và tư duy của những nhà tổ chức khi gần 1 thập kỷ ra đời, Cánh diều vẫn chưa bay được bao xa về cả khâu tổ chức lẫn tư duy trao giải.


>> Cánh diều: 10 năm vẫn chưa chuyên nghiệp
>> Những giải thưởng "giời ơi" của Cánh diều Vàng
>> Những pha "xỏ nhầm giầy" hài hước ở Cánh diều


Tổ chức sự kiện vẫn nghiệp dư

 

Truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia là một nỗ lực của Hội Điện ảnh để đưa giải thưởng của Hội đến với đông đảo công chúng. Tuy nhiên, chính bởi nỗ lực hơi ngoài tầm này, Lễ trao giải Cánh diều hàng năm lại luôn thể hiện sự phụ thuộc đến mức… lệ thuộc vào nhà Đài.

 

Ảnh minh họa

Không dồi dào kinh phí lại thiếu tính kế hoạch, các lễ trao giải Cánh diều thường bị lệ thuộc nhiều vào VTV và đơn vị cho thuê địa điểm


Có lẽ vì do kinh phí không dồi dào (như các chương trình giải trí của các công ty mạnh tay thi nhau chiếm sóng truyền hình), Lễ trao giải Cánh diều nhiều khi bị động ngay trong việc lên lịch chương trình, còn chuyện phải co kéo nội dung buổi lễ trong khung thời gian eo hẹp của Đài đã thành chuyện mãn tính.

 

Năm 2007, BTC Cánh diều đã ghi dấu một kỷ lục hi hữu khi phải hoãn sự kiện thường niên này 2 lần trong gần 2 tháng. Chương trình vốn ấn định vào tháng 3 hàng năm thoạt tiên phải lùi lễ trao giải sang một ngày tháng 4, vì không thu xếp được lịch với VTV, rồi đến sát ngày này lại tiếp tục bị đẩy sang tháng 5 khi nhà Đài vướng một chương trình khác vào giờ đó.

 

Năm 2009, lễ trao giải được lên lịch vào giữa tháng 3 như thông lệ lại phải đẩy lên đầu tháng, mới chen chân được vào lịch phát sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình. Việc rời sớm chương trình tớinửa tháng khiến buổi lễ trao giải Cánh diều vốn đã bị động trong việc thuê địa điểm lại càng trở thành cập rập hơn.

 

Là một chương trình định kỳ vào một khoảng thời gian biết trước, lại ấn định tại địa điểm quen thuộc - những yếu tố đảm bảo cho sự chủ động kế hoạch, nhưng vẫn có những khi BTC Cánh diều cho thấy sự lúng túng trong công tác tổ chức.

 

Có năm, do không chốt được lịch thuê địa điểm tại Cung Văn hóa Hữu nghị, lại thêm chiều ý nhà Đài về không gian thuận tiện cho việc ghi hình, BTC thậm chí đã phải tính đến phương án tổ chức lễ trao giải ở Trung tâm Giảng Võ hay khách sạn Sofitel Plaza, dù đây không phải vị trí thích hợp cho việc tổ chức sự kiện này.

 

Năm 2006, địa điểm trao giải được đưa về Cung Thể thao Quần ngựa, với cung cách sang trọng hơn, khi sắp đặt vài bàn tiệc ở gần sân khấu cho các khách VIP. Nhưng sự sang trọng này thành màu mè khi ngay phía sau những hàng ghế chỉ chiếm một khoảnh sân của không gian rộng lớn này, khán giả tha hồ đi lại, trẻ em vô tư chạy nhảy…

 

Tư duy chương trình vẫn lộn xộn

 

Tư duy này thể hiện rõ nhất ở khâu trình chiếu - công bố danh sách đề cử ở các hạng mục. Như đã nói, đây đáng lẽ phải là một mốc quan trọng trong chuỗi sự kiện của giải – thể hiện sự đánh giá toàn cục giải bằng việc phân cấp chất lượng ở từng hạng mục, thể loại.

 

Ảnh minh họa Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Là hạng mục giải cá nhân duy nhất công bố đề cử ở Cánh diều 2012, hạng mục diễn viên phim truyện nhựa lại khá hài hước khi chỉ có 2 đề cử ở mỗi hạng mục (trong khi 1 người chiến thắng)


Không có bước công bố đề cử, khán giả không chỉ mơ hồ về chất lượng công việc - đánh giá chuyên môn đối với các tác phẩm, cá nhân, nhất là ở các hạng mục ít được mổ xẻ. Ngay cả với những trường hợp nổi bật gây chú ý cũng nhiều phen bất ngờ, như năm ngoái, khi Nguyễn Đình Toàn và Ninh Dương Lan Ngọc đăng quang ở hạng mục diễn viên chính (là chính xác) nhưng trước đó họ lại được công chúng đinh ninh nằm ở hạng mục diễn viên phụ.

 

Việc chưa tổ chức được khâu Đề cử thôi thì đã đành là một sự chậm phát triển (so ngay với nhiều giải thưởng khác trong nước), nhưng ngay đến việc công bố (chớp nhoáng) các đề cử ở buổi lễ trao giải cũng thể hiện một lối tư duy lộn xộn.

 

Số lượng đề cử không thống nhất lúc 3, lúc 4, lúc 5, thậm chí như năm nay, hơi hài hước khi nhiều hạng mục ở thể loại Phim truyện nhựa chỉ công bố 2 đề cử (để rồi sau đó chọn 1). Đơn cử như hạng mục Nam diễn viên phụ chỉ có 2 cái tên Khương Ngọc (Sài Gòn Yo!) và Hiếu Hiền (Hotboy nổi loạn), hạng mục Nữ chính chỉ có Quỳnh Hoa (Sài Gòn Yo!) và Minh Hằng (Lệ phí tình yêu), hạng mục Nữ phụ chỉ có Tina Tình (Long ruồi) và Phương Thanh (Hotboy nổi loạn).

 

Dù sao, điều này cũng còn đỡ gây khó hiểu hơn việc không rõ vì lý do nào, lễ trao giải năm nay hoàn toàn không công bố đề cử ở tất cả các hạng mục cá nhân còn lại như Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Âm nhạc…

 

Với việc "lờ lớ lơ" công đoạn này, người ta không rõ BGK đánh giá Vũ Ngọc Đãng hay Stephan Gauger ở đâu trong phân hạng tài năng đạo diễn, không hiểu quay phim của “Đó hay đây” hay “Lệ phí tình yêu” ở vị trí nào trong nhìn nhận của những người chấm giải, hoặc kịch bản của “Hotboy nổi loạn” hay “Tâm hồn mẹ” xếp hạng thứ mấy trong thang điểm chất lượng….

 

BTC và BGK vô tình quên hay không tự tin, mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình thay vì để ngỏ chất lượng cao - thấp trong một khu vực mù mờ chung chung là… không được giải.

 

Chính lối tư duy lộn xộn, thiếu công khai, rõ ràng này tạo điều kiện cho những nhập nhằng đánh giá.

(Còn tiếp)


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc