“Anh cả đỏ” làng kịch sắp tung hai vở diễn đặc sắc

06:40, 14/03/2012
|

(VnMedia) – Một cựu chiến binh bị ám ảnh khi con trai bị dính chất độc màu da cam và một người cha phải chạy trốn những đứa con giàu có vì bị chúng săn đuổi đồ gia bảo - hai câu chuyện thú vị này sắp được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn tới đây có tên "Lời nguyền" và "Báo hiếu".

Lời nguyền” của tác giả - Đại tá Phan Gia Liên không ồn ào đầy tiếng súng và những trận đánh vang dội trên sân khấu mà kịch bản đi sâu vào ngóc ngách tâm lí của những người  đã tham gia trận chiến, để sau đó là sự trả giá và nỗi ám ảnh khốc liệt trong mỗi con người.

Henry một chiến binh và anh tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Henry lại bị một nỗi ám ảnh đến ghê sợ khi đứa con duy nhất của anh bị chất độc màu da cam do chính anh và đồng đội của mình đã tham gia rải chất độc Điôxin trên lãnh thổ hình chữ S.

 Ảnh minh họa

Không dàn dựng theo 100% kịch bản. Đạo diễn cho biết ông sẽ nhấn mạnh vào khai thác nỗi ám ảnh trong mỗi nhân vật - bởi không sự trả giá nào có thể ghê gớm và lớn hơn bị nỗi ám ảnh dày vò.

Với thế mạnh của nhà hát kịch Việt Nam là dàn dựng những vở chính luận, đạo diễn Lê Hùng đã khá chau chuốt và cẩn thận khi dàn dựng trong từng cảnh và từng phân đoạn với ê kíp diễn viên cũng khá “có nghề” như: Ngân Hoa, Hồng Quang, Vĩnh Xương, Quỳnh Hoa, Phú Đôn… và cũng tập thể các diễn viên trong nhà hát.

Song song với việc dàn dựng vở diễn “Lời nguyền”. Vở diễn “Báo hiếu” cũng sắp được ra mắt khán giả thủ đô trong thời gian tới. Một vở diễn hiện đại, không nhiều xung đột dữ dội nhưng gây một cảm xúc mãnh liệt với người xem về đạo đức gia đình.

“Báo hiếu” là câu chuyện về gia đình ông Lành có năm đứa con với những cái tên: Trung, Tín, Hiếu, Lễ, Nghĩa được ông Lành đặt tên mang những phẩm chất cao đẹp. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi vợ ông Lành mất. Ông lên thành phố ở với người con trai cả tên Trung và mọi xung đột và gay gắt ngầm diễn ra trong ngôi nhà khang trang 4 tầng cũng chỉ vì chữ hiếu.

 Ảnh minh họa

Ba con trai ông Lành là Trung, Tín , Hiếu cũng với ba cô con dâu đã bàn bạc, chia nhau sự báo hiếu để phụng dượng bố, mỗi con trai sẽ nuôi bố 4 tháng như kiểu “ nuôi rẽ” trâu bò ở quê khiến ông Lành cảm thấy tủi nhục. Đã có lúc ông phải thốt lên “ bố cứ tưởng để mỗi con là một tội…” và đỉnh điểm trong cuộc cãi vã là tranh giành nhau nuôi ông Lành - vì lũ con ông phát hiện ông có một cái tráp suốt ngày ôm khư khư, đi đâu cũng ôm không rời nửa bước, chắc trong ấy phải có đồ gia bảo - đã khiến ông phải bỏ trốn nhà con trai để trở về với hai đứa con út ở quê sống cuộc đời đạm bạc mà không cần đến sự báo hiếu của những đứa con giàu có trên thành phố.

Với lối kể một câu chuyện kịch nhẹ nhàng nhưng nhiều xúc động, đạo diễn đã rất tinh tế khi bàn đến chữ hiếu một cách trọn vẹn và nhiều khía cạnh về đạo đức làm con của những người phải có nghĩa vụ báo hiếu và phụng dưỡng cha mẹ.

Với dàn diễn viên trẻ của Nhà Hát Kịch Việt Nam như: Vĩnh Xương, Phú đôn. Việt Bắc, Xuân Nam , Thu Thêu, Thanh Thuý, Phương Nam ...sẽ đem lại cho vở diễn một cảm nhận mới, hi vọng trong thời gian sớm nhất vở diễn sẽ ra mắt công chúng khán giả.


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc