Cả gan bịa đặt Lễ hội Trần Quốc Toản

20:51, 16/02/2012
|

Đêm ngày 15-2 (tức 24 tháng Giêng âm lịch), tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc (Nam Định), nhà đền tổ chức lễ hội Trần Quốc Toản ra quân thu hút đông người dân tham dự. Điều đáng nói, đây là lễ hội do một vài người dân ở Ninh Bình tới dựng nên và sau đó cứ vào đêm 24 tháng Giêng hằng năm lại được nhà đền đứng ra tổ chức.

Trong báo cáo tổng kết đề tài khoa học, công nghệ “Lễ hội và các giải pháp quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định” do cơ quan quản lý là Sở Khoa học - Công nghệ và cơ quan chủ trì đề tài là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nam Định triển khai năm 2007 nói rõ: “Tại đền Bảo Lộc vào đêm 24 tháng Giêng âm lịch đầu năm có “lễ hội Trần Quốc Toản ra quân". Lễ hội này từ trước đến nay chưa bao giờ diễn ra ở đây và trong các tướng lĩnh của Trần Hưng Đạo được thờ ở đền không có bài vị cũng như tượng Trần Quốc Toản.”

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, đồng thời là người nghiên cứu, tìm hiểu rất sâu về thời Trần ở Nam Định trao đổi với phóng viên: “Việc dựng lên lễ hội Trần Quốc Toản ra quân ở đền Bảo Lộc là bịa đặt”.

Về nguồn gốc của lễ hội này, người dân địa phương cho biết là do một số bà con người Ninh Bình ra dựng nên vào khoảng năm 2000 và sau đó cứ đêm 24 tháng Giêng lại được nhà đền tổ chức.

Ban đầu trong buổi lễ có bố trí một vị tướng trẻ cùng một số thiếu niên tay cầm cờ, lưng đeo kiếm từ hậu cung tiến ra trước đền múa cờ, rồi đoàn người chạy ra lăng làm lễ. Khi trở về đền, lá cờ trong tay vị tướng trẻ là Trần Quốc Toản được tung vào đám đông, mọi người tranh nhau, lá cờ sau đó bị xé vụn, mỗi người giành lấy một miếng nhỏ đem về lấy may.

Từ các năm sau, lễ hội này do chính nhà đền làm. Tâm điểm gây sự tò mò của du khách là lúc 23 giờ đêm, ông từ đóng vai Trần Quốc Toản thực hiện một số động tác múa cờ, rồi tung lên cao ngay trước sân đền Bảo Lộc để mọi người xô đến tranh cướp!

Có những năm, khi ông từ mới mang lá cờ đến gian tiền tế trong đền Bảo Lộc đã bị nhiều người dân xông vào giành lấy, gây nên quang cảnh rất hỗn loạn, mất trật tự nơi đền miếu.

Một vài năm gần đây, nhà đền chủ động may hàng trăm lá cờ nhỏ hình đuôi nheo có thêu chữ Trần và tổ chức “bán” cho người có nhu cầu đưa về chia nhau.

Mặc dù biết rõ sự việc song lãnh đạo UBND xã Mỹ Phúc cũng “lực bất tòng tâm” vì đền Bảo Lộc xếp hạng cấp Quốc gia năm 1989, nhưng đến nay xã không quản lý được di tích vì dân làng Bảo Lộc quyết giữ đền, cho rằng đây là đền của dòng tộc, không cho thành lập Ban quản lý di tích.

Còn lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định thì cho rằng, hiện đã phân cấp quản lý nên việc này phải thuộc về huyện Mỹ Lộc xem xét, giải quyết.


(theo Nhân Dân)

Ý kiến bạn đọc