(VnMedia) - Những ngày Tết Nhâm Thìn vừa đi qua, hàng loạt lễ hội Xuân đã tưng bừng khai mạc thu hút hàng vạn du khách thập phương tham dự. Đây là một trong những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Hàng nghìn du khách dự khai hội chùa Bái Đính |
Khai hội chùa Bái Đính
Sáng 28.1, nhằm ngày mùng 6 Tết Nhâm Thìn, hàng nghìn tăng ni phật tử trong cả nước đã về dự lễ khai hội chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình).
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ đã tham dự và đánh trống khai hội trong niềm hân hoan của các tăng ni, phật tử và du khách thập phương.
Chùa Bái Đính trước kia chỉ là một ngôi cổ tự nhỏ nằm trên lưng chừng núi. Những năm gần đây, chùa đã được mở rộng, xây dựng với quy mô hoành tráng và được đánh giá là một trong những ngôi chùa lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 12 kỷ lục đang được lưu giữ tại chùa (như chùa có quả chuông đồng lớn nhất, nặng 36 tấn; pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng lớn nhất, nặng 150 tấn; bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất, mỗi pho nặng 50 tấn; hành lang La Hán dài nhất với 500 vị…).
Những năm gần đây, chùa Bái Đính là một trong những địa chỉ hành hương được đông đảo người dân khu vực phía Bắc tìm đến mỗi khi tết đến, xuân về để cầu mong một năm bình an và thịnh vượng.
Lễ hội chùa Bái Đính sẽ kéo dài đến hết mùa xuân. Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của lễ hội, lực lượng cảnh sát giao thông Công an Ninh Bình và công an địa phương đã tăng cường quản lý, phân luồng, hướng dẫn xe nên không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Lễ hội chùa Hương |
Chùa Hương - Khai mạc trong mưa phùn giá rét
Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức - Hà Nội) được khai mạc sáng mùng 6 Tết Nhâm Thìn. Dù trời mưa phùn, giá rét khắp khu vực Bắc Bộ nhưng vẫn không ngăn cản được bước chân hàng vạn du khách hành hương về lễ Phật và dự hội.
Ngay từ 4 giờ sáng, bến đò đón khách đã mở cửa đón khách. Khoảng 10h sáng, du khách thập phương đổ về cuồn cuộn khiến cảnh tắc nghẽn diễn ra ngay sau lễ khai hội. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương ước tính có khoảng trên 1,5 triệu du khách sẽ về trảy hội chùa Hương. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân thu hút lượng du khách lớn nhất khu vực miền Bắc.
Điều đặc biệt trong lễ khai hội chùa Hương năm nay, đó là việc hòa thượng đến từ Tokyo, Nhật Bản - Yoshimizu Daichi đã trao tặng chùa Hương 30 cây anh đào trồng trong khuôn viên chùa Thiên Trù.
Đám rước trong lễ hội Cổ Loa |
Tưng bừng khai mạc Lễ hội Cổ Loa
Cũng trong ngày mùng 6 Tết Nhâm Thìn (ngày 28/1), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) đã tưng bừng diễn ra, với sự tham dự của hàng vạn khách thập phương và nhân dân trong vùng.
Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng Giêng, là ngày vua An Dương Vương tức vị lên ngôi hoàng đế; để ghi nhớ công ơn vua An Dương Vương, người có công sáp nhập Âu Việt-Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc anh hùng, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô Cổ Loa.
Lễ hội bắt đầu bằng đoàn anh cả Quậy vào tế lễ, đọc mật khẩn; tiếp đó là đoàn tế lễ của hội đồng bát xã Loa Thành, các quan viên lễ nữ của bát xã Loa Thành.
Sau đó đến chương trình nghênh rước kiệu của hội đồng bát xã Loa Thành.
Phần hội kéo dài tới rằm tháng Giêng bằng nhiều trò vui chơi như hát ca trù, hát tuồng, chơi bài, đánh cờ, đánh đu, đấu vật, kéo co…
Khoảng 2 vạn khách thập phương và nhân dân đã dự lễ khai hội đền Cổ Loa.
Lễ hội đền Sóc |
Đền Sóc rộn ràng vào Hội
Lễ hội đền Sóc tổ chức tại đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn (Hà Nội) nhằm tưởng nhớ và ngợi ca công ơn của Thánh Gióng đã đánh đuổi giặc Ân cứu nước nhà thoát khỏi cảnh lâm nguy.
Hội được bắt đầu vào giờ đầu tiên của ngày 28/1 tức ngày mồng 6 Tết, với lễ khai quang và lễ tắm tượng do chủ tế và chức sắc thực hiện tại đền Thượng (thuộc quần thể đền Sóc).
Tiếp đó, hai lễ chính là rước dâng hoa tre và lễ chém tướng được tổ chức tái hiện lại hình ảnh Thánh Gióng dùng tre ngà làm vũ khí giết giặc.
Theo truyền thuyết, Thánh Gióng phi ngựa từ Châu Cầu, đuổi giặc Ân tới đó thì dùng tre ngà đập chết viên tướng đầu sỏ là Thạch Linh cùng tả tướng và hữu tướng của hắn.
Ngoài ra, rước voi của làng Dược Thượng cũng là nghi lễ không thể thiếu trong ngày hội này. Lễ rước voi được thực hiện bởi 12 thanh niên khỏe mạnh, vừa đi vừa đánh trống, vừa hò reo vang dậy một vùng.
Lễ hội đền Sóc gắn liền với truyền thuyết lịch sử nhưng bên cạnh đó, vẫn mang đậm tính chất của hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian.
Lễ hội không chỉ thu hút đông đảo nhân dân mà còn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là sau khi hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Sới vật Thủ Lễ |
Náo nhiệt hội vật truyền thống Thủ Lễ
Sáng 28-1 (tức ngày mồng 6 Tết), Hội vật truyền thống làng Thủ Lễ Xuân Nhâm Thìn 2012 đã khai hội tại đình làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.
Hội vật làng Thủ Lễ diễn ra khá sôi động với sự tham gia của hơn 60 đô vật nam, nữ đến từ thị trấn Sịa, xã Quảng Phước (Quảng Điền) và các vùng lân cận ở thành phố Huế, huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế). Hội vật cũng thu hút hàng ngàn người dân trong vùng và du khách thập phương đến đến cổ vũ.
Từ sáng sớm, trước khi hội vật khai mạc chính thức, các vị cao niên, tộc trưởng trong làng đã tiến hành phần lễ nghi thức một cách thành kính, tôn nghiêm ngay trong nội điện khu đình. Sới vật nằm trước sân đình Thủ Lễ - một ngôi đình cổ lớn, vẹn nguyên được các vua Nguyễn nhiều lần sắc phong và ngày nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Sau phần nghi lễ, Hội vật được mở màn bằng hai đô vật cao niên trong làng tham gia với những pha biểu diễn khá đẹp mắt nhưng không kém phần gay cấn, hiểm hóc. Tiếp đó, cả sới vật vang tiếng reo hò, cổ vũ cho hàng chục cặp đô vật ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên tham gia tranh tài trong suốt buổi sáng mồng 6 Tết Nhâm Thìn.
Vật võ đã trở thành mạch sống của làng Thủ Lễ nói riêng và nhân dân các làng, xã trong vùng nói chung và còn có ý nghĩa để cầu an. Ngoài việc giữ gìn và phát triển môn thể thao truyền thống của dân tộc, hội vật Thủ Lễ không chỉ là một sân chơi hấp dẫn đầu xuân mà còn là cơ hội để rèn luyện thể lực và nhân cách sống cho các thanh thiếu niên trong vùng. Thông qua hội vật, những vận động viên xuất sắc đã được tuyển chọn dự các giải thi đấu trong tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc