Tư nhân là tương lai gần của điện ảnh Việt?!

06:30, 16/01/2012
|

(VnMedia) - Trong năm 2011, điện ảnh Việt có 15 phim ra mắt và 10 phim khác đã thực hiện, trong đó chỉ có 2 phim nhà nước. Nhìn vào danh mục phim với tỷ lệ áp đảo này, có thể nói trước giải Cánh diều Vàng 2012 sẽ mang gương mặt của tư nhân. Đây phải chăng sẽ là tương lai gần của điện ảnh Việt (?!)

>> Những dấu hiệu tích cực của điện ảnh Việt
>> Từ nước mắt 'Gái nhảy' tới nụ cười 'Long ruồi'

2 mảng màu đối lập của điện ảnh Việt

Một trong những sự vụ gây chú ý trong làng điện ảnh năm qua là cuộc hội thảo được gọi tên “Hội nghị Diên Hồng”. Ngoài cái tên rất cảm xúc, cuộc hội thảo ấn tượng bởi nhiều phát biểu gay gắt về thực trạng điện ảnh nước nhà của chính những người trong nghề.

Trong đó, có những kết luận đầy bi tráng như “Điện ảnh Việt Nam đang trên đường đi tới bể phốt”, “Điện ảnh Việt đang rơi xuống đáy”, “Bệnh của điện ảnh Việt là không có tài, có cho 1 tỷ đô cũng không làm được phim hay”…

Trong khi đó, có thể trông thấy diện mạo khởi sắc của thị trường điện ảnh với sự nhộn nhịp của khán giả ở các phòng chiếu, sự sôi động của các dự án phim và sự đông đảo hơn của đội ngũ làm nghề.

Theo một đại gia phát hành thì trong năm qua, ước tính lượng khán giả đến rạp tăng khoảng 30% so với năm 2010. Theo một thống kê khác, số dự án phim Việt triển khai trong năm cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trong năm 2011 có tới 12 đạo diễn gia nhập thị trường điện ảnh với phim truyện nhựa đầu tay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai hình ảnh đối lập của điện ảnh Việt tại các rạp chiếu quốc doanh và tư nhân


Nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng này của thị trường, những cái nhìn bi quan về điện ảnh nước nhà trở nên lạc nhịp.

Bởi đơn giản, khái niệm “điện ảnh Việt” trong 2 bối cảnh này đề cập tới 2 khu vực khác nhau trong môi trường điện ảnh hiện tại: điện ảnh nhà nước và điện ảnh tư nhân. Bức tranh điện ảnh Việt những năm qua là sự pha trộn 2 mảng màu đối lập này.

Nếu cách đây khoảng chục năm, Fafim Việt Nam là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu - phát hành phim thì hiện tại gần như đã mất bóng trên thị trường này. Đến các cơ sở rạp chiếu của đơn vị này cũng chỉ còn sự hiện diện mờ nhạt giữa những cụm rạp sinh sau đẻ muộn.

Thị trường chiếu bóng đang ngày một sôi động nhưng trừ TT Chiếu phim quốc gia và đôi ba rạp quốc doanh nỗ lực chuyển mình, hầu như chỉ là sự chi phối, cạnh tranh giữa các đơn vị tư nhân.

Tương tự vậy, ở khu vực sản xuất phim, Hãng phim Giải Phóng từng là cánh chim đầu đàn của điện ảnh nước nhà cả năm qua không triển khai dự án phim nhựa nào. Tình hình tương tự với Hãng phim Truyện 1 – một hãng phim được đánh giá là năng động, thức thời. Trong khi đó, những hãng phim tư nhân trẻ tuổi như BHD, Thiên Ngân, Phước Sang, Chánh Phương… hầu như đều đặn mỗi năm thực hiện đôi ba dự án điện ảnh, chưa kể hoạt động sôi nổi ở địa hạt truyền hình.

Điện ảnh Việt sẽ mang gương mặt tư nhân?

Sự sung sức của thị trường điện ảnh hiện tại chính là ở sự hiện diện của khu vực điện ảnh ngoài quốc doanh. Sau 8 năm nhà nước cho phép các đơn vị tư nhân và nước ngoài tham gia lĩnh vực này, họ đã nhanh chóng thể hiện vai trò tích cực trong đời sống điện ảnh.

Sau chưa đầy 6 năm vào Việt Nam, Megastar đã phát triển hệ thống 9 cụm rạp phức hợp (cineplex) ở các đô thị lớn TP.HCM - Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng - Biên Hòa, với mô hình: nhập phim – phát hành – chiếu bóng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc tạo dựng thói quen xem phim rạp.

Ảnh minh họa Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Điện ảnh Việt tương lai gần sẽ mang gương mặt tư nhân?


Trước đó, đi đầu trong việc xây dựng các cụm rạp tiêu chuẩn quốc tế, Thiên Ngân Galaxy cũng là đơn vị tiên phong trong mô hình khép kín: sản xuất – phát hành – chiếu bóng.
Cũng nhờ các đơn vị này mà khán giả Việt Nam có cơ hội hòa mình với nhịp đập thời sự của điện ảnh thế giới.

Trong khi BHD được coi như một đại gia sản xuất trong lĩnh vực phim ảnh – truyền hình thì một vai trò quan trọng của hãng phim này chưa được nhìn nhận rộng rãi là cầu nối của phim Việt và nhà làm phim Việt với quốc tế. Sự xuất hiện của những dự án phim Việt tại những LHP quốc tế hàng đầu như ‘Bi, đừng sợ’ tại Cannes, ‘Hotboy nổi loạn’ tại Toronto có sự hỗ trợ không nhỏ của đơn vị này trong những bước đi đầu.

Thật khó mà có một thế hệ đạo diễn trẻ sớm thành danh nếu không có cú hích từ sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân. Họ sẽ ngồi trong các hãng phim già cỗi, chờ đến năm 40 tuổi làm phim đầu tay, và 5-10 năm nữa làm phim tiếp theo và đợi mỏi cổ đến ngày tác phẩm của mình ra rạp.

Ở LHP Việt Nam 17, có 10/7 phim tư nhân so với phim nhà nước đã được coi là sự áp đảo của điện ảnh tư nhân. Nhìn vào danh mục phim Việt trong năm 2011 (với 15 phim ra mắt và 10 phim khác đã thực hiện, trong đó chỉ có 2 phim nhà nước), có thể nói trước giải Cánh diều Vàng 2012 sẽ mang gương mặt của tư nhân.

Trong khi đa số các đơn vị điện ảnh nhà nước đang sống mòn và kêu cứu thì có thể hình dung một tương lai gần của điện ảnh Việt mang diện mạo của tư nhân? Như nhiều nền điện ảnh phát triển khác.


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc