Những festival đương đại nổi bật nhất Việt Nam

20:18, 29/01/2012
|

(VnMedia) - Ngoài hàng ngàn lễ hội truyền thống lớn nhỏ quanh năm, trong những năm qua Việt Nam đã khai sinh thêm nhiều festival văn hóa hiện đại. Từ các Festival Diều, Thuyền, Biển, Pháo hoa tới các festival Café, Trà, Hoa, Lúa… khiến đời sống lễ hội Việt phong phú hơn.

Năm 2011, không hẹn mà gặp, có rất nhiều festival văn hóa diễn ra rải rác quanh năm. Thường gắn liền với những đặc trưng địa lý và văn hóa từng vùng, các lễ hội này vừa là những dịp sinh hoạt văn hóa rộng lớn vừa là những cách thức xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch cho các vùng.

1. Festival Cà phê Buôn Mê Thuột

Ảnh minh họa


Là miền đất thủ phủ của cà phê, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Festival Cà phê Buôn Mê Thuột như một phương thức quảng bá sản phẩm này đồng thời là cơ hội để thúc đẩy giao thương và giao lưu văn hóa.

Sau lần đầu năm 2005 và lần hai năm 2008, Festival lần thứ 3 năm 2011 có vị thế mới khi được đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Cũng từ kỳ festival này, Lễ hội Cà phê được ấn định định kỳ 2 năm một lần, trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu cho không chỉ Đắk Lắk mà cả vùng đất Tây Nguyên.

Với 12 hoạt động trải dài trong 6 ngày (từ 10 – 15/3), Festival Cà phê đã mang đến một không khí sôi động cho phố Núi.

2. Festival Thuyền buồm Mũi Né

Ảnh minh họa


Là tỉnh được khai thác du lịch muộn màng nhưng Bình Thuận lại nổi lên như một miền đất đầy tiềm năng với thế mạnh du lịch Biển. Năm 2011, Festival Thuyền buồm Mũi Né lần đầu tiên được tổ chức được coi như sự khởi đầu để xây dựng vịnh biển Mũi Né thành trung tâm kinh doanh giải trí thuyền buồm cho cả khu vực...

Diễn ra trong 4 ngày (từ 17-20/3), với chuỗi hoạt động gồm hơn 10 sự kiện lớn nhỏ, Festival này cũng là sự kiện mang tính quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Bình Thuận. Hơn 20 đội thuyền buồm đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã mang tới không khí sôi động, màu sắc cho vùng biển yên ả này.

3. Festival Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng

Ảnh minh họa


Tổ chức thường niên từ năm 2008, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã trở thành trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của không chỉ tỉnh miền Trung năng động nhất nước mà còn là một sự kiện mang tính điểm nhấn của du lịch của Việt Nam.

Khá nhanh chóng, sự kiện này đã trở thành một thương hiệu du lịch thu hút sự theo dõi trực tiếp của hàng chục vạn du khách và hàng triệu khán giả xem truyền hình trong và ngoài nước. Đây có thể coi là festival thành công hàng đầu khi tạo ra những đợt cháy phòng khách sạn, nhà nghỉ của Đà Nẵng vào mỗi các kỳ festival.

4. Festival Diều quốc tế Vũng Tàu

Ảnh minh họa


Những cánh diều đủ hình thù, màu sắc rợp trên trời biển Vũng Tàu vào những dịp festival Diều quốc tế đã tạo thêm một nét chấm phá hình ảnh cho thành phố biển này. Tổ chức thường niên từ năm 2009, Festival Diều Vũng Tàu đã đưa Việt Nam góp mặt vào sân chơi diều nghệ thuật 4 phương cùng hàng chục festival diều lớn nhỏ khác.

Diễn ra từ 7-11/4, Festival năm 2011 có sự góp mặt của gần 150 nghệ nhân diều của 25 đội đại diện cho 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, với các hoạt động còn hơi đơn điệu chỉ xoay quanh những cánh diều, sự kiện này chưa tạo được sức hút rộng rãi đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

5. Festival Du lịch Hạ Long

Ảnh minh họa


Hạ Long đã là thương hiệu du lịch đặc trưng, là hình ảnh đại diện nổi bật của Việt Nam với bạn bè quốc tế từ gần 20 năm nay. Từ 5 năm qua, Festival Du lịch Hạ Long ấn định xung quanh dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tạo thêm sức hút cho vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này.

Tổ chức thường niên với thông thường hơn 10 sự kiện lớn nhỏ, nhưng Tuần Du lịch Hạ Long hầu như đặt nhiệm vụ hút khách vào lễ hội Carnaval tưng bừng dọc đường ven biển Bãi Cháy. Lễ hội đường phố với hàng ngàn người biểu diễn và hạng vạn khán giả này là nguyên nhân cháy phòng mỗi dịp festival nhưng khi mà các festival khác cũng nở rộ lễ hội đường phố thì Festival Hạ Long có thể sẽ mất ưu thế cạnh tranh lớn nhất này.

6. Festival Biển Nha Trang

Ảnh minh họa


Tổ chức khá sớm - lần đầu năm 2003 khi vịnh Nha Trang lọt vào CLB Vịnh đẹp thế giới – nhưng Festival Biển Nha Trang với định kỳ 2 năm/lần lại chậm chân tạo thương hiệu so với nhiều lễ hội sinh sau đẻ muộn.

Năm 2011, với gần 60 sự kiện trải dài trong suốt nửa tháng quanh kỳ Lễ hội (từ ngày 11-15/6) đã đưa festival này thành lễ hội đương đại lớn thứ nhì sau festival Huế.

Những lợi thế của vùng đất du lịch đã quá nổi tiếng này cộng với những bề dày lịch sử, văn hóa xứ Trầm Hương và sự quy mô trong tổ chức hoạt động khiến festval Biển sôi động, hấp dẫn trong suốt mùa lễ hội – cũng là mùa cao điểm du lịch. Khánh Hòa cũng là địa phương quản lý rất tốt việc tăng giá phòng, tour du lịch dịp lễ hội – là một điểm cộng so với sự “đội giá” ở nhiều festival khác.

7. Festival Trà quốc tế Thái Nguyên

Ảnh minh họa


Năm qua, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất là festival duy nhất được Bộ VH-TT-DL chọn vào danh sách các sự kiện tiêu biểu trong năm. Ngoài yếu tố lần đầu tổ chức, Festival này đã ghi dấu ấn bước đầu trong việc dựng hình ảnh quảng bá cho vùng đất tiềm năng nhưng chưa thu hút du lịch này.

Hơn 10 hoạt động văn hóa trong 5 ngày (từ 11 – 15/11) trong đó trọng tâm là các sự kiện gắn với cây Trà là cơ hội để giới thiệu sản phẩm trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng với bạn hàng trong nước và quốc tế. Định kỳ 2 năm/lần, Festival sẽ thêm vào những lựa chọn cho du khách khi tìm đến với du lịch phía Bắc.

8. Festival Lúa gạo

Ảnh minh họa


Tổ chức lần đầu năm 2009, Festival Lúa gạo hiện là kỳ festival duy nhất không tổ chức cố định tại một tỉnh, thành mà diễn ra luôn phiên ở vùng miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Cũng như kỳ festival đầu tiên tại Hậu Giang, Festival Lúa gạo lần 2 ở Sóc Trăng không chỉ là dịp hội hè mà còn là cơ hội để địa phương có thêm những công trình mới như cầu, đường, khán đài xem đua ghe…

Diễn ra trong 4 ngày (từ 8 – 11/11) với gần 20 sự kiện, trong đó có nhiều triển lãm, hội thảo quanh cây lúa, Festival không chỉ là một dịp vui lớn của người dân và du khách mà còn là dịp tiếp thị hàng hóa nông sản Việt Nam với thị trường quốc tế, đặc biệt là lúa gạo.

9. Festival Hoa Đà Lạt

Ảnh minh họa


Qua 4 kỳ tổ chức thường niên, Festival Hoa Đà Lạt đã góp phần tích cực cho việc xây dựng thương hiệu “Thành phố festival Hoa” của vùng đất cao nguyên vốn đã quá nổi tiếng về du lịch.

Diễn ra định kỳ vào dịp giao thừa năm Dương lịch khi trùng với kỳ nghỉ lễ và tiết trời se lạnh phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng vùng núi, festival Hoa thông thường thu hút tới hàng chục vạn du khách.

Hơi đơn điệu khi hầu như chỉ có hoa và các hoạt động gắn với hoa, nhưng chính không gian riêng có này tạo nên một nét đặc trưng cho lễ hội này.

10. Festival Huế

Ảnh minh họa


Tổ chức định kỳ vào các năm chẵn kể từ năm 2000, Festival Huế hiện giữ vị trí số 1 trong các lễ hội đương đại ở Việt Nam. Không chỉ bởi thâm niên, quy mô và sự chuyên nghiệp trong tổ chức mà còn bởi chất nghệ thuật hàng đầu ở festival này.

Đây là festival duy nhất chỉ mang tên địa phương tổ chức mà không cần mượn cớ một yếu tố đặc trưng. Đây cũng là địa phương đầu tiên có kế hoạch xây dựng thương hiệu là “một thành phố festival”.

Những lợi thế du lịch đã được khẳng định, những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng và sự tinh chọn hoạt động giao lưu nghệ thuật quốc tế… chính là những yếu tố giúp festival Huế có vị trí hàng đầu này. Khác với mọi năm, năm nay 2012, Festival Huế sẽ không diễn ra vào dịp du lịch Hè mà vào tháng 4 (từ 7-15/4) - điều này cũng có thể ảnh hưởng tới sự hút khách của lễ hội này.

Ngoài Top 10 festival đương đại trên, những năm qua, nhiều tỉnh thành cũng cho ra đời hàng loạt lễ hội như: Festival Lâm sản Quy Nhơn tháng 3, Festival Khèn mông Hà Giang tháng 8, Festival Cây cảnh Bắc Ninh, Festival Rừng Đồng Nai, Festival Vịnh đẹp Lăng Cô… Cùng với những lễ hội truyền thống, sự sôi động này tạo thêm sự phong phú cho đời sống lễ hội Việt.


Minh Phương - (Ảnh: ST)

Ý kiến bạn đọc