Đền Trần Thái Bình chuẩn bị khai hội "hoành tráng"

15:23, 31/01/2012
|

(VnMedia) - Căn cứ vào kế hoạch số 41/KH-UB ngày 14 tháng 10 năm 2011 của UBND  huyện Hưng Hà về việc tổ chức Lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2012; Quyết định số 7508?QĐ - UBND ngày 20 tháng 10 năm 2011 về việc thành lập Tiểu Ban Trang trí khánh tiết Lễ hội đền Trần - Thái Bình năm 2012. Thực hiện tổ chức lễ hội Đền Trần diễn ra tại Hưng Hà - Thái Bình từ ngày 4/2/2012 (tức 13 tháng giêng) đến 8/2/2012 (tức 17 tháng giêng).

Chương trình khai mạc được truyền hình trực tiếp trên VTV 1 - Đài truyền hình Việt Nam.
 
Thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước của Nhà Trần trong Lịch sử Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
 
Việc tổ chức lễ hộ nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện, thông qua lễ hội quảng bá về Nhà Trần, mảnh đất con người Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng. Các nghi thức trong lễ hội được tiến hành trang trọng theo truyền thống phù hợp với phong tục tập quán của địa phương và các quy định, hướng dẫn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
 
Các nội dung diễn ra suốt lễ hội từ sáng ngày 4/2/2012 (tức 13 tháng giêng âm lịch) đến hết ngày 8/2/2012 (tức 17 tháng giêng âm lịch) gồm: Thi cỗ cá (14 tháng giêng), Thi gói bánh chưng (15 tháng giêng), Thi thả diều (17 tháng giêng), Thi pháo đất (15 tháng giêng), Thi vật cầu (14 tháng giêng), Thi kéo co (16 tháng giêng).. Đặc biệt đêm khai mạc (tối 13 tháng giêng) có chương trình nghệ thuật đặc sắc với những trích đoạn  chèo “Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần” và phát ấn cầu may đầu năm.
 
Một trong những Lễ rước đáng chú ý trong lễ hội Đền Trần năm nay là rước chân nhang từ đền Trần ra bến sông gồm 9 kiệu, đi sau các kiệu là 4 đoàn tế mang chấp kích, bát biểu, tàn lọng, đồ tế khí.. lên đến 100 người.
 
Đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường Tiến Đức (Hưng Hà - Thái Bình) đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa Nhà Trần, được Bộ VH - TT & DL công nhận là khu di tích lịch sử (DTLS) quốc gia. Sở Văn hóa - Thể thao  và Du lịch Thái Bình đã phối hợp với Viện Khoa học Lịch sử VN tổ chức hội thảo nhằm xác định lại vị thế đền Trần Thái Bình. Các nhà sử học đã xác định Hưng Hà ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần cách đây hơn 700 năm.

Đền thờ các vua Trần - người xưa gọi là Thái Đường Lăng, được coi là nơi phát tích, nơi sinh tồn phát triển và dựng nghiệp của triều đại nhà Trần.

Cách đây hơn 700 năm, tại đây, các vị vua khai nghiệp nhà Trần sinh ra và khởi nghiệp. Trong khoảng thời gian 175 năm tồn tại, triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông hung hãn bậc nhất thời đó.

Trong cả ba cuộc kháng chiến đo, sau thành Thăng Long,  mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiền đều là nơi nhà Trần chọn làm hậu cứ để xuất nhập thần kỳ.

Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần đã sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Linh từ  Quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần Hưng Đạo...

Cũng tại đây chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại gắn liền với vương triều Trần như  đại lễ bái yết tổ tiên và ăn mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba (1288).

Chính trong cuộc lễ lớn này, Vua Trần Nhân Tông đọc 2 câu thơ bất hủ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn Hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá / Non sông ngàn thuở vững âu vàng). 

Mùa hạ 1312 vua Trần Minh Tông đi tuần thú biên  giới phía Nam về, cũng làm lễ báo tiệp tại lăng các tiên đế tại Thái Đường Phủ Long Hưng.

Tháng 11 - 1390 với chiến thắng của Trần Khát Chân tại cửa Hải Thị - Ngự Thiên giết được vua Chiêm là Chế  Bồng Nga, Vua Trần Thuận Tông cũng về Long Hưng bái yết để dâng công chiến thắng lên tổ tiên.

Đặc biệt mảnh đất Tam Đường linh thiêng  hiện lưu giữ hài cốt của các bậc tổ tiên triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng hoàng Trần Thừa... Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà, trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ.

Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng mộ  Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dự Lăng, Quy Đức Lăng.

Đây là đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước.

Từ năm 1999 dự án đầu tư quy hoạch tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần đã được phê duyệt. Trên diện tích 5.175 m2, đền thờ các vua Trần đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan.

Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh… kế thừa và phát huy kiến trúc đình làng.
Riêng toà hậu cung Đền Trần có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359 m2, tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.
Tại Tòa Hậu Cung, chính cung thờ linh vị cụ Trần Kinh (Truy tôn Mục tổ Hoàng đế), linh vị cụ Trần Hấp (Truy tôn Linh tổ Hoàng đế), linh vị Nguyên Tổ Trần Lý (Truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế) cùng Thánh Tượng Thái Tổ Trần Thừa (Truy tôn Thái tổ Hoàng đế).

Tại Tòa Đệ Nhị, chính giữa là ban thờ Thánh tượng vua Trần Thái Tông (Miếu hiệu của Trần Cảnh 1218 - 1277). Ông là đời vua  đầu tiên của triều Trần, là con trưởng của Trần Thừa, được Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi năm Ất Dậu (1225), năm Mậu  Tý (1258) nhường ngôi làm Thái Thượng Hoàng. Đến năm 1277 ngày 1 tháng 4 (AL), ông băng hà thọ 60 tuổi mộ táng ở Chiêu Lăng - Thái Đường.

Bên trái thờ Thánh tượng vua Trần Thánh Tông (Miếu hiệu của  Trần Hoảng 1240 - 1296). Ông là đời vua thứ hai Triều Trần, là con trưởng Vua Thái Tông. Năm 1258 được vua cha nhường ngôi làm vua 21 năm. Năm Giáp Thân (1284) nhường ngôi cho Nhân Tông làm Thượng Hoàng, băng hà  vào ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290) thọ 51 tuổi. Mộ táng ở Dụ Lăng - Thái Đường.

Bên phải thờ Thánh tượng vua Trần Nhân Tông (Miếu hiệu của Trần Khâm 1258 - 1308). Ông là đời vua thứ ba của triều Trần, là con trưởng vua Thánh Tông. Năm 1293 (Kỷ Tỵ) nhường ngôi cho con là Anh Tông làm Thượng Hoàng và xuất gia.

Năm Mậu Thân (1308) ngày 3 tháng 11 (ÂL), ông băng hà ở Am Ngọa Vân Yên Tử (Đông Triều Quảng Ninh) thọ 51 tuổi. Thi hài được hỏa táng theo phép nhà Phật.

Xá lỵ của ông được gửi gắm ở  3 nơi, 3 đỉnh tam giác địa chính trị quân sự dưới  triều đại nhà Trần. Đó là Thái Đường (Long Hưng) Tức Mặc (Nam Định) và Yên Tử (Quảng Ninh).

Ở Hưng Hà, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện mang màu sắc huyền bí về Thái tổ Trần Hấp - ông cố của Trần Cảnh, vị vua Trần đầu tiên: Một hôm, đang đánh cá trên sông, Trần Hấp bỗng nghe tiếng kêu cứu của một người đàn ông sắp chết đuối.

Sau khi cứu được người này, Trần Hấp mới biết ông ta chính là một thầy địa lý giỏi. Thầy địa lý trả ơn bằng cách chỉ một huyệt mộ đắc địa nhất trong vùng và dặn cải táng cha Trần Hấp ở đó. Ông còn cho biết sau này dòng họ Trần sẽ phát, nhiều đời  làm vua nhờ sắc đẹp của một người con gái trong dòng họ.

Trần Hấp đã làm đúng như lời thầy địa lý dặn. Lịch sử ghi lại: Nguyên tổ Trần Lý, con của Thái tổ Trần Hấp, bắt đầu phát nghiệp ở đất Hưng Hà này. Con gái Trần Lý là Trần Thị Dung trở thành vợ thái tử Sảm, tức vua Lý Huệ Tông, người mở đường cho dòng họ Trần bước chân vào làm quan trong triều đại nhà Lý để có ngày dựng nên nghiệp đế.

Vì vậy, các vua Trần đã cho xây dựng tại nơi phát tích dựng nghiệp ở Thái Bình của ông cha mình một hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam Đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần.

Khi các vị vua băng hà, hơn một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của nhiều vị vua đầu triều Trần. Nhiều hoàng hậu sau khi qua đời cũng được đưa về những lăng mộ ở đây.

Như vậy, chính quyền tỉnh Thái Bình và các nhà sử học đã khẳng định “đất thánh” của triều Trần là Hưng Hà - Thái Bình chứ không phải nơi nào khác. Dấu tích 3 ngôi mộ có kích thước như 3 quả đồi  của 3 vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đang tồn tại trên cánh đồng rộng lớn đối diện ngôi đình đã khẳng định thêm điều đó.


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc