Việc nới lỏng các quy định về cấp phép đối với người đẹp tham dự cuộc thi nhan sắc quốc tế được cho là cần thiết, góp phần chấm dứt tình trạng thi hoa hậu “chui”. Nhưng có một thực tế, không ít thí sinh coi việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ để dễ dàng bước chân vào showbiz. Nếu được “thả cửa”, liệu có gia tăng tình trạng lợi dụng danh hiệu để kiếm tiền?
Thi nhan sắc quốc tế sẽ không cần xin phép
Được giao điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thay ông Nguyễn Đăng Chương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP. Theo đó, người đẹp không cần phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, không cần phải có danh hiệu trong nước mới được đi thi quốc tế.
Điều này có nghĩa, bất kỳ người đẹp nào, nếu có mong muốn tham gia các cuộc thi quốc tế, nếu đủ tiềm lực về tài chính, được ban tổ chức cuộc thi quốc tế mời, thì được tự do tham gia.
Chủ trương này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi năm nào nước ta cũng có một vài người đẹp đi thi hoa hậu “chui”, vì biết có xin cũng không cho, vì không đủ điều kiện để được cấp phép. Ồn ào nhất phải kể đến trường hợp của Nguyễn Thị Thành, khi bị phạt tiền dù đoạt danh hiệu Á hậu 3 tại Miss Eco International 2017.
Sau lùm xùm thi nhan sắc của Nguyễn Thị Thành, chuyện có nên nới lỏng quy định thi sắc đẹp quốc tế lại được bàn tới. Rất nhiều người cho rằng, không nên phạt những người đẹp này, vì họ tự bỏ tiền đi thi, mang vinh quang về cho đất nước.
Hình ảnh Nguyễn Thị Thành tại Miss Eco International 2017. |
Theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, việc quy định phải có danh hiệu ở cuộc thi nhan sắc trong nước mới được cấp phép thi quốc tế đã ít nhiều hạn chế cơ hội nâng tầm nhan sắc Việt trên bản đồ nhan sắc thế giới.
Hướng điều chỉnh “thi nhan sắc quốc tế không cần xin phép” cũng được xem là phù hợp với xu hướng của thế giới. Hiện nay, phần lớn các cuộc thi sắc đẹp quốc tế đều không thuộc quyền quản lý của các cơ quan Nhà nước. Các công ty tư nhân đứng ra tổ chức, gửi thư mời trực tiếp cho các người đẹp tham dự. Điều này đã buộc nhiều quốc gia cũng phải điều chỉnh luật, tạo điều kiện cho các người đẹp có cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.
Quản sao để không “loạn” danh xưng?
Một số nước trên thế giới như Venezuela, Nhật Bản, khi các cô gái đi thi hoa hậu quốc tế đều không cần xin phép cơ quan nhà nước, nhưng bắt buộc phải có danh hiệu trong một cuộc thi trong nước, để đảm bảo người đi thi phải có kinh nghiệm, tránh việc “mạnh ai nấy đi”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước.
Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc mang danh nghĩa quốc tế ngày một nhiều, trong đó có không ít cuộc thi “ao làng”, kém chất lượng. Thực tế, các người đẹp bị phạt vì đi thi “chui” trong những năm qua, cũng đều tham gia các cuộc thi nhỏ, không mấy tên tuổi.
Không ít thí sinh coi việc tham gia thi sắc đẹp, cốt để lấy giải thưởng, dễ dàng bước chân vào showbiz, nâng cátxê. Không ít cuộc thi người đẹp hiện nay không còn là nơi tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa mà trở thành sân chơi, cơ hội đổi đời một cách dễ dàng cho một số cô gái.
Hơn nữa, việc nới quy định cấp phép thi sắc đẹp trong NĐ 79/2012/NĐ-CP cũng liên quan đến một loạt quy định khác. Trong đó có Nghị định 28/2017/NĐ-CP vừa có hiệu lực từ 5.5, quy định rất rõ: Người đẹp thi chui sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Nếu thay đổi văn bản quy định về nội dung, thì sẽ “vênh” với văn bản quy định về xử phạt hành chính. Để thống nhất, thì phải cùng thay đổi.
Trong quá trình sửa đổi, cơ quan quản lý cũng nên công khai để lấy ý kiến rộng rãi. Hơn nữa, nên chăng quy định cụ thể rằng, các người đẹp đạt giải cao hoặc đã có danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… trong nước thì mới được phép đại diện cho đất nước đi thi. Còn những người khác, nếu có nhu cầu, vẫn được tham gia với tư cách thí sinh tự do, nhưng tuyệt đối không được lấy danh nghĩa của quốc gia, để tránh làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.
(Theo Lao động)
Ý kiến bạn đọc