Long đong như... ca khúc trước 1975: Khi nhà quản lý tự làm khó mình

14:35, 22/04/2017
|
Gần một tháng nay, trong khi dư luận “sôi” lên vì chuyện cấm hát 5 ca khúc bolero, rồi đến lượt “Nối vòng tay lớn” cùng 3 ca khúc khác của Trịnh Công Sơn cũng chưa được cấp phép, thì mãi mới đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam mới lên tiếng. Ngay sau đó, các ca khúc đã được “giải oan”, cấp phép trở lại. Tuy nhiên, mọi động thái, câu trả lời, cách hành xử của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) lại luôn ở thế cứng nhắc và máy móc, khiến cho đến thời điểm này, dư luận vẫn tiếp tục dậy sóng.

Đơn giản ngầm hiểu rằng, ca khúc nào không bị cấm, tức là được phép hát. Ca khúc nào dở thì làm sao có thể đi vào lòng người theo thời gian? Có những ca khúc tuy hưởng nhiều vinh quang, giải thưởng, nhưng nhanh chóng “tắt ngúm” trong lòng dân chúng; còn có những ca khúc không cần một chiêu PR nào vẫn có thể được hát lên thường ngày. Sau vụ này, người ta còn phát hiện ra, hàng ngàn ca khúc Việt còn long đong chưa được cấp phép, trong đó có nhiều…tác phẩm của nhạc sĩ nổi tiếng hàng đầu Văn Cao.

Tắc trách, hay để ai hưởng lợi?

Dù báo chí nhiều lần lên tiếng về việc nên đưa ra danh mục ca khúc bị cấm, còn lại đương nhiên sẽ được hát, đã hàng chục năm nay, Cục NTBD vẫn khó ra cho được danh mục trên. Lý do thì rất nhiều, nhưng nhìn qua cũng đủ thấy có rất nhiều mâu thuẫn trong việc cấp phép ca khúc trước 1975.

Đó là cơ sở dữ liệu ca khúc chưa chính xác, cập nhật chậm, quy trình cấp phép nặng tính “xin-cho”... bộc lộ sự lỏng lẻo của cơ chế quản lý. Sự vụ “Nối vòng tay lớn” đã được in vào sách giáo khoa, nhiều thế hệ đều hát, mà vẫn bị yêu cầu xin cấp phép là một điển hình khuấy lên thực trạng này. Ngoài ra, 3 ca khúc hay nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ” cũng phải xin phép để hát thì quả là…vô lý. Nghĩa là, lâu nay, nhà quản lý- Cục NTBD - cứ ngồi một chỗ, đợi cá nhân, đơn vị sở hữu hoặc muốn sử dụng tác phẩm phải chủ động làm hồ sơ xin thì Cục mới biết đường xem xét. Có xin, thì mới cho. Tại sao lại không bỏ cách quản lý gây khó cho nghệ sĩ, cho các nhà sản xuất băng đĩa, nhà tổ chức chương trình, các bầu show…?

Mới đây, trên danh mục được Cục NTBD đưa ra từ năm 2011, nhiều người phát hiện các sai sót. Nhạc sĩ Văn Cao không có ca khúc nào được cấp phép. Trong khi đó, bảy ca khúc của ông gồm: “Buồn tàn thu”, “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi” được đề tên tác giả Văn Chung. “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” - bài hát được cấp phép vào năm 2009 - không xuất hiện trên website. Hai bài hát “Tiến về Hà Nội” và “Trường ca sông Lô” chịu cảnh tương tự. Lý do đại diện Cục NTBD đưa ra là do “dữ liệu của Cục NTBD không nhiều như dữ liệu của Bộ”.

Sự “chênh lệch” này trở thành “giai thoại”, khi có 51 ca khúc Vũ Thành An được cấp phép, song trên danh mục cấp phép phổ biến chỉ có 24 ca khúc, vậy thì đơn vị nào muốn sản xuất ca khúc ngoài tác phẩm có trong danh mục, lại phải vất vả xin tiếp mới được cho?

Một mâu thuẫn nữa là trong khi các Sở VHTT&DL địa phương từng cấp phép cho rất nhiều ca khúc, thì danh mục công bố của Cục NTBD vẫn hạn chế ở mức thấp nhất. Nghĩa là hết đơn vị này lên xin, lại đến đơn vị khác, rất chồng chéo, vất vả. Và thủ tục tưởng đơn giản nhưng lại nhiêu khê: Hồ sơ xin phép phải bao gồm các loại giấy tờ như đơn đề nghị cấp phép, bản ghi âm nội dung tác phẩm và chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả...

Thế nhưng ngay cả khi nắm hồ sơ đầy đủ, Cục NTBD vẫn khiến các nhà tổ chức lao đao vì cập nhật quá chậm danh sách bài hát được phép lưu hành. Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết từ năm 2013, sau lời kêu gọi tập hợp các ca khúc sáng tác trước 1975, chị đã nộp bản sao của hơn 3.000 ca khúc cho cơ quan quản lý. Tuy vậy, con số được duyệt hiện tại mới dừng lại ở 2.587 bài. 

Long đong như... ca khúc trước 1975: Khi nhà quản lý tự làm khó mình ảnh 1

Ca khúc "Nối vòng tay lớn"vang lên ở trong các chương trình nhạc Trịnh. Ảnh: T.L

Làm khó nghệ sĩ và chính mình

Sau những quyết định trớ trêu, bất nhất của mình, rõ ràng Cục NTBD đã tự làm khó mình khi phải thu hồi lệnh cấm, làm dư luận ngạc nhiên về cách ứng xử với ca khúc trước 1975. Không chỉ thế, công văn của Thứ trưởng Vương Duy Biên ký còn yêu cầu Cục “tổ chức kiểm điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể, cá nhân tham mưu việc tạm dừng lưu hành 05 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được phép phổ biến nêu trên”.

Trước đó nữa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nên xem xét kĩ, không tùy tiện cấm những ca khúc xưa trước thông tin dư luận bức xúc việc Cục NTBD thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975.

Chưa kể, ở vấn đề cấp phép biểu diễn cho các nghệ sĩ hải ngoại, thay vì sự thông thoáng, người ta chỉ thấy mọi thứ ngày càng bị siết chặt hơn. Nếu trước đây giấy phép biểu diễn có thời hạn sáu tháng, rồi rút xuống còn ba tháng thì nay chỉ được cấp theo từng chương trình - mỗi lần hát là một lần xin và mỗi lần xin là một lần phải đóng phí.

Yêu cầu bức thiết của khán giả lẫn giới làm nghề và cũng phù hợp với tinh thần của pháp luật là có một danh mục các bài hát bị cấm, những tác phẩm còn lại mặc nhiên được lưu hành, nhưng bấy lâu đã không được Cục NTBD đáp ứng. Ngay cả yêu cầu ngược lại - có danh mục các ca khúc được phép phổ biến để mọi người chiếu theo đó mà làm, tiết kiệm công sức, tiền bạc, Cục NTBD cũng làm lơ.

“Đấy là cách hành hạ nghệ sĩ. Tôi không hiểu vì sao các nhà quản lý lại ra quy định xin cấp phép nhỏ giọt như vậy, gây thêm sự bức xúc trong công chúng, khiến công chúng nghĩ không hay về mình. Một ca khúc đã phổ biến rồi, dù không cho đi nữa thì nó cũng đã tràn ngập trong tâm của mọi người. Sẽ có một dấu hỏi trong công chúng, cho rằng những nhà quản lý làm sai, hay là làm vì mục đích gì? Mỗi lần làm chương trình đều phải đi xin phép lụy họ sao? Mỗi lần như thế là một lần làm khổ người làm nghệ thuật, làm mất đi lòng nhiệt tình của người ta, làm mất đi sự say mê của công chúng dành cho nghệ thuật. Tội cho nghệ sĩ, cho công chúng, cho nhà sản xuất. Nhà quản lý cần suy nghĩ kỹ nên làm gì, xin phép một lần một thôi”, nghệ sĩ Ánh Tuyết bình luận.

Cũng từ 10 năm trước, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó GĐ Sở VH-TT TP.HCM, từng đề xuất một phương án xử lý kho tàng tác phẩm trước 1975 của miền Nam và tác phẩm hải ngoại. Theo bà, chính phía Sở đề nghị nên thu thập các ca khúc cũ, lập một hội đồng thẩm định. Thẩm đinh được bao nhiêu ca khúc là cấp phép ngay. Bài nào được cấp phép rồi thì đưa vào danh mục đã được cấp phép cho mọi người tra cứu để không phải đi xin nữa. Như vậy, chỉ cần khoảng một năm hoặc hơn là đã có thể xử lý gần hết kho ca khúc cũ. Những bài chưa biết thì xem xét sau.

“Điều cần nhất, sâu sắc hơn, lâu dài hơn khi ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 - cái khái niệm do lịch sử sinh ra và không có mấy giá trị, góp phần hàn gắn những vết thương tinh thần trong cộng đồng dân tộc - chính là cần suy nghĩ thật nghiêm túc, thật khách quan, thật bao dung để đưa ra nguyên tắc quản lý các ca khúc trước 1975 một cách thấu tình nhất”, bà Thế Thanh chia sẻ.

Đừng lặp lại vết xe đổ này lần nữa, nếu không, uy tín của nhà quản lý bị tổn hại, mà người thưởng thức lẫn nghệ sĩ chịu thiệt hại đủ đường. Làm khó người khác, hóa ra lại quay về làm khó chính mình, loay hoay trong đường hẹp mà không gỡ rối được.

Theo Lao động


Ý kiến bạn đọc