Hài nhảm lên sóng truyền hình như thế nào?

20:38, 27/04/2017
|

Thật ngẫu nhiên, hai tuần cuối của tháng 4/2017, làng giải trí Việt xôn xao trước hai sự kiện tiếp nối nhau, thay phiên trêu đùa và chọc điên dư luận.

Tuần trước, vụ Minh Hằng “hờn dỗi vu vơ” mà lúc khởi đầu chỉ là bóng gió, nhưng sau đó dẫn đến động thái quyết đối đầu, cạch mặt Hà Hồ, người cô mô tả là “thủ phạm” của “vụ án giựt dây” đẩy mình ra khỏi dàn huấn luyện viên The Face mùa 2.

Khán giả vốn đã mất niềm tin từ lâu vì phát hiện mặt trái của thế giới showbiz, lần này càng thêm thất vọng. Quyển sách của làng giải trí mỗi ngày cứ được viết dày thêm bằng những scandal gây hấn, sặc mùi toan tính được xây nên từ hợp sức giả tạo của nhiều người, sao tránh khỏi những bát nháo chất chồng và nhận ngày càng thêm nhiều những cái lắc đầu ngao ngán của khán giả?

Chưa hết, một lần nữa cái tên Trấn Thành lại được xướng lên trong sự kiện tiếp tục gây bão dư luận ngay đầu tuần này. Đó là Đài truyền hình Vĩnh Long loại Trấn Thành khỏi dàn huấn luyện viên chương trình dành cho thiếu nhi Tuyệt đỉnh song ca nhí.

Trấn Thành không được tham gia chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí.
Trấn Thành không được tham gia chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí.

Hai sự kiện này có điểm gì chung? Đó là sự thay đổi bất ngờ đến ngỡ ngàng ở phút 89 vài vị trí huấn luyện viên là những sao đắt show bậc nhất Vbiz trong hai chương trình đều do hai đơn vị truyền thông phối hợp với hai đài truyền hình sản xuất!

Khi tứ trụ bất đồng

Một TV show quy mô được ra đời trong mối quan hệ tứ trụ khép kín, liên quan mật thiết: đơn vị sản xuất, đơn vị tài trợ, đơn vị phát sóng (đài truyền hình) và người nổi tiếng (giám khảo, huấn luyện viên, MC, diễn viên)

Dân trong nghề quá biết từ ngày đầu tiên, đơn vị sản xuất sau khi thống nhất với đơn vị tài trợ đã tiến đến việc bàn bạc với đài truyền hình để chọn những ứng viên sáng giá phù hợp nhất với định dạng chương trình.

Để sau đó cả ba bên thống nhất chốt lại danh sách cuối cùng. Bước kế tiếp là đơn vị thực hiện sẽ trực tiếp liên lạc với người nổi tiếng. Nếu hai bên thống nhất được nội dung, thời gian ghi hình và đặc biệt là cát xê, coi như đã xây xong tứ trụ.

Nếu Minh Hằng bị thay đổi vào giờ chót là do mâu thuẫn với Hà Hồ dẫn đến việc nhà sản xuất phải chọn một trong hai thì Trấn Thành bị từ chối là do sự cứng rắn của Đài Vĩnh Long nhằm siết lại các chương trình hài đang bị dự luận chỉ trích vì độ nhảm và dung tục trong suốt thời gian dài.

Nghĩa là Hằng và Thành, những người nổi tiếng cùng chung một trụ bị đánh bật vào phút chót là do không tìm được tiếng nói chung với ba trụ còn lại. Có thể xem hai sự cố hy hữu trong lịch sử sản xuất TV show Việt Nam này là những tiếng chuông cảnh báo cho những cái gọi là “ vết nhọt đủ màu” luôn tiềm ẩn và hiện hữu trong làng giải trí.

Các chương trình game show đều được nhà đài duyệt nội dung.
Các chương trình game show đều được nhà đài duyệt nội dung.

Đó là việc sẵn sàng triệt nhau nếu đụng đến quyền lợi, dù đó là bạn thân hay không thân, cùng hợp tác và bắt tay nhau thương mại hóa để làm ra những sản phẩm tệ hại: hài nhảm, phản cảm, hạ thấp dân trí, có thời gian bị dư luận công kích dữ dội nhưng họ bất chấp miễn thu được nhiều tiền!...  

Riêng vụ việc Trấn Thành, có phải chỉ “trụ” Trấn Thành sai, còn các trụ kia vô can? Điều tệ hại này bắt đầu từ đâu?

Lịch sử lặp lại

Còn nhớ năm 2000, khi các nhóm hài thành phố phát triển và bùng nổ mạnh mẽ như một làn sóng bao trùm mọi tụ điểm, sân khấu lớn nhỏ, một vị cán bộ của Sở Văn hóa Thông tin lúc đó có nói với tôi: “Không gì khổ cho bằng là suốt ngày phải đi theo rình rập mấy ông nội tấu hài ồn ào này để kiểm tra, xử phạt. Tôi khẳng định đây là công việc mệt đầu nhất trên trận tuyến quản lý văn hóa thành phố”.

Nếu ai đã từng một lần mua vé để xem tấu hài tại thời điểm được xem là hoàng kim của làng hài Sài gòn những năm 1995-2005, đỉnh điểm là có trên dưới 50 nhóm hài hoạt động xôm tụ từ thành phố kéo dài xuống tận các tỉnh thành miền tây và đông nam bộ, sẽ hiểu rõ cái sự mệt đầu trong phát biểu của vị cán bộ nọ.

Tôi xin được lý giải ngắn gọn: nhiệm vụ duy nhất của diễn viên tấu hài khi bước ra sân khấu là bằng mọi cách phải làm cho khán giả cười. Mà phải cười rần rần, cười liên tục thì mới được xem là thành công. Để đạt được mục đích này trong thời gian càng ngắn càng tốt để có thể chạy show nhiều điểm diễn trong một đêm, buộc lòng diễn viên phải… nói nhiều.

Nhưng nói nhiều, nói cương một lúc bắt buộc phải… nói bậy, nói xàm kể cả nói tục. Trong lúc thật sung máu đầy ngẫu hứng ứng biến để thọc lét thượng đế, nếu diễn viên tung chưởng 10 câu thì chắc chắn chỉ có một hai câu là duyên, còn lại hầu hết… cười không nổi.

Truyền hình cũng đang rơi vào vòng xoáy hài nhảm.
Truyền hình cũng đang rơi vào vòng xoáy hài nhảm.

Nghĩa là vì mải chạy theo những tiếng cười dễ dãi, rẻ tiền, thị hiếu thấp kém của một số khán giả mà các diễn viên hài đã cố ý bỏ qua hết mọi tiêu chí theo quy định của đơn vị quản lý: hài phải sạch sẽ, văn hóa, có tình huống, có ý nghĩa giáo dục, thông điệp nhẹ nhàng… Hài nhảm đã ra đời từ đây. Hài nhảm của ngôn ngữ thì phát triển quá dữ mà hài tình huống thì đi xuống quá nhanh.

Không ai ngờ, hai thập niên sau, hài nhảm trên sân khấu năm nào lại phát triển và biến tướng mạnh trên truyền hình. Sau thời gian ca, múa, nhảy, thời trang, đố vui kiến thức bão hòa, thì món ăn cũ mà mới là hài lập tức xuất hiện trong bộ nhớ của những nhà sản xuất TV show nhạy bén.

Không ngoài dự đoán, món hài với nhiều hình thức xào nấu: tiểu phẩm, trò chơi, thi thố…những ngày đầu ra mắt đã được khán giả truyền hình đón nhận nồng nhiệt như hiện tượng nườm nượp mua vé vào xem hài tại các bar, tụ điểm sân khấu ngày nào.

Và mọi bất cập cũng xảy ra từ đây khi các đài truyền hình lao vào sản xuất các chương trình hài và diễn viên hài thì chỉ biết ký hợp đồng nhận tiền mà không quan tâm đến nội dung, chất lượng. Lên sân khấu cứ nắm ý mà phang, mà tấu, không cần đọc trước kịch bản, nghiên cứu tính cách nhân vật. Còn việc dành thời gian để tập luyện trước khi ghi hình thì coi như đó là dĩ vãng xa xưa chỉ tồn tại trong thế kỷ trước!

Hài truyền hình cũng rơi vào vòng xoáy y chang: lúc đang ở đỉnh cao của sự chú ý thì cũng là lúc dư luận thở dài ngao ngán vì mở đài nào cũng bấy nhiêu gương mặt đó, cũng những kiểu diễn hài nhố nhăng, giả gái, ồn ào…

Nó đúng nghĩa giải trí là không cần phải sâu sắc, bất chấp nội dung, bất chấp hệ lụy cho con em trong nhà, miễn xả stress, cười xong đi ngủ là ok rồi... như quan điểm của một bộ phận khán giả.

Nhảm là do cả ê-kip câu khách

Trong câu chuyện không vui này, Trấn Thành đã sai cụ thể ra sao thì ai cũng thấy, cũng biết. Nhưng bỏ qua vai trò và trách nhiệm ba trụ còn lại, thì đúng là thiếu sót lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến khán giả bức xúc nhất là trước khi phát sóng, các sản phẩm bắt buộc phải được thẩm định nội dung ngay từ khi còn là kịch bản trên giấy. Trong khi ghi hình, dựng phim, làm hậu kỳ, cắt, chỉnh sửa, tất cả ê kíp đều làm việc dưới sự chỉ huy tối cao là đạo diễn.

Đài truyền hình cần có sự đánh giá lại các game show.
Đài truyền hình cần có sự đánh giá lại các game show. 

Chưa hết, khâu cuối cùng là sản phẩm phải được Ban giám đốc đài duyệt nội dung lần cuối cùng trước khi lên sóng. Vậy trong thời gian qua, hàng loạt những sản phẩm hài thảm họa được vô tư phát sóng là do đâu? Chỉ có thể là ê kíp thực hiện thích câu khách kiểu vậy và rõ ràng là có một số khán giả thích, nên cố tình để nguyên và không cắt những hình ảnh, ngôn từ phản cảm.

Diễn viên hài diễn cương, diễn dơ nhưng có một số fan cổ vũ và thấy đài không cắt khi phát sóng nên lầm tưởng là mình đang diễn hài hiệu quả. Lầm tưởng này nhân đôi khi các nhà sản xuất cùng các nhãn hàng quảng cáo chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để mời cho bằng được diễn viên có mặt trong chương trình.

Đơn giản chỉ vì nghe tin và kiểm chứng: có diễn viên này là chương trình nào rating cũng hot. Cơ hội cho những miếng hài dơ qua diễn xuất của diễn viên hài đắt show, hay nói xạo và tỉ lệ nghịch với sáng tạo.

Ở thời điểm mà hài đang ăn nên làm ra, diễn viên hài làm giàu nhanh chóng từ các chương trình truyền hình chính sự cộng hưởng nhịp nhàng của bộ tứ quyền lực, cùng với bộ phận khán giả thích cười là chính, đã đưa chất lượng xuống cấp các chương trình hài truyền hình đi quá xa.

Không thể không nhắc đến Đài truyền hình Vĩnh Long, chỉ từ khi hợp tác với các nhà sản xuất tư nhân cho ra đời hàng loạt những sản phẩm hài nhảm, rẻ tiền thích hợp với gu thưởng thức của khán giả bình dân thì mới vụt sáng nhanh như vậy.

Do đó, để thực sự loại bỏ hài nhảm, hài dơ, đài truyền hình không thể chỉ tẩy chay một hai nghệ sĩ, mà cần cải tổ lại cách tiếp cận và xử lý các sản phẩm trước khi lên sóng. Muộn còn hơn buông luôn. “Hãy học cách lắng nghe. Cơ hội sẽ gõ cửa rất nhẹ nhàng” (Frank Tyger).

(Theo Zing.vn)


Ý kiến bạn đọc