Hầu đồng trở thành di sản văn hóa phi vật thể, giới nghệ sĩ nói gì?

21:05, 02/12/2016
|
Chính phủ và cả UNESCO đã chính thức công nhận Nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu (hầu đồng) là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Có được những kết quả đó nhờ vào tinh thần bền bỉ bảo tồn giá trị văn hoá của các Thanh đồng, sự dũng cảm và dấn thân của các nhà khoa học, các nhà quản lý đã làm thay đổi nhận thức xã hội với thờ Mẫu. Những hoạt động liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu được giới nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn.

Ở đây phải kể đến công của những nghệ sỹ đã đưa thờ Mẫu vào tác phẩm sáng tạo của mình giới thiệu với đông đảo công chúng. Ngược lại, Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng cũng là nguồn đề tài vô tận cho việc sáng tạo của văn nghệ sỹ.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sau khi tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian huyền bí này, hoặc một cơ duyên, rồi như bị dẫn dụ, thôi miên đều nhất tâm ra hầu đồng, hát văn dâng Thánh. Các nghệ sĩ như:  Thúy Hường, NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội", diễn viên trẻ Thiên Bảo, danh hài Hoài Linh, danh hài NSƯT Xuân Hinh, danh hài Vượng râu… đều đã ra đồng hầu cửa Thánh từ lâu.

Chia sẻ với  phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, NSƯT Xuân Hinh cho biết anh "bén duyên" với hầu đồng từ cách đây hơn 20 năm, khi anh đang còn đi học tại trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội, do một lần đi dự một ván hầu tự nhiên bị cuốn hút bởi lời ca tiếng hát văn rất hay, đi vào lòng người. Hầu đồng là một sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật giữa ca, nhạc, múa, diễn, là loại hình tổng hợp của văn hóa dân gian. Và rồi anh đã quyết tâm đi học và được thầy Bùi Trọng Đan giảng dạy.

"Đã đến hầu cửa Thánh, cửa Mẫu thì phải nghiêm ngắn quy củ, trang phục phải đẹp, đủ, đúng. Trau chuốt cẩn thận từ cái khăn đai, áo mũ, váy áo, trâm cài… Đồng tiền của Phật, Thánh có gai, khó nhai lắm, không giả dối được nên dù có thế nào cũng không thể biến hầu đồng thành việc mê tín dị đoan. Mình không buôn thần, bán thánh, không có nhu cầu kinh doanh, kiếm tiền bao nhiêu thì cho con nhang, đệ tử, giờ nghi thức được công nhận chỉ biết vái lạy và tạ ơn, chỉ mong sau này mọi người đừng hiểu nhầm, lợi dụng những giá chầu là niềm hạnh phúc rồi. Khi hầu đồng được coi là di sản văn hóa phi vật thể thì chính những thanh đồng càng phải có trách nhiệm nặng nề hơn với con dân khi mình phục lễ cũng như chứng minh được sự phát triển văn hóa tâm linh của người Việt trong xã hội hiện đại.”

.
Danh hài Hoài Linh trong một giá hầu

Tuy nhiên, đi ngược lại với những mong ước của những người hầu đồng thật sự, thì có những giá hầu lợi dụng đã mang danh “tín ngưỡng” – đưa các giá hầu thành nơi buôn thần bán thánh, mỗi giá chầu lên tới vài trăm triệu hoặc tới vài tỷ.  

Diễn viên Thiên Bảo cũng cho hay, mỗi giá hầu nếu như sát căn của người nào đó thì tự nhiên thanh đồng sẽ có những biểu cảm hoàn toàn khác nhau. Ví như Thiên Bảo là sát căn của chầu đệ Tứ, hay mặc áo vàng và ông Quan lớn đệ Ngũ mặc áo xanh. Khi mình cầm thanh long đao lên múa hầu thì ai ở ngoài cũng nói mình sát căn quan lớn đệ Ngũ. Hay như khi mình dự hầu của các thanh đồng khác thì thấy thanh đồng hầu đến giá đó tự nhiên mình thấy thích, nghe nhìn không chớp mắt. Đó mới thật là thanh đồng, chứ nếu những người ngồi gà gật, múa vài ba điệu rồi cho rằng Thánh về, phát lộc cho xong thì không phải mà chỉ là lợi dụng kẽ hở để “trục lợi” mà thôi.

Khẳng định với báo điện tử Một Thế Giới, nghệ sĩ hài Vượng râu cho biết: Đừng ai nghĩ đi làm thanh hầu là có tiền của người làm lễ. Chính những người thanh hầu phải bỏ tiền túi của mình ra để phát lộc cho các con nhang, đệ tử, mong một năm làm ăn thuận lợi, phát triển chứ không phải lấy tiền của người đi lễ bỏ vào túi mình, lấy tiền chẵn, phát tiền lẻ. “Có những lần tôi đi hầu, đưa đi làm lễ phát lộc chính là tiền tôi nhận được từ những vai diễn trên sân khấu. Đó mới là tán lộc, cầu mong dân bình an, thuận hưởng chứ không phải như một số người hiểu sai về nghi lễ hầu đồng.”

GS Trần Quang Hải - Trung tâm nghiên cứu Âm nhạc dân tộc (Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng Việc thúc đẩy tín ngưỡng thờ Mẫu trong xã hội đương đại cần sự hỗ trợ của một vài nghệ sĩ nổi tiếng đã thật sự chứng minh sự tồn tại và phát triển của nghi thức hầu đồng trong đời sống của người dân. Phong tục thờ Mẫu này là tín ngưỡng lâu đời nhất ở Việt Nam thậm chí trước cả khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Lên đồng là một nghi lễ của đạo mẫu, vì vậy lên đồng không tách rời đạo mẫu. Lên đồng là môi trường để con người có thể nhập vào thần linh.

Đã có tình trạng kiếm tiền rất nhiều nhờ các buổi lễ hầu, biến nghi thức tôn nghiêm này thành nơi "mua thần, bán thánh". "Điều này khó thể chấp nhận nếu cứ để sự biến tướng này phát triển, nó lạm dụng cho vài cá nhân làm giàu lên từ sân chầu, đồng thời khiến cho nhiều người dân đặt hết tất cả tài sản, tiền của cho việc theo lời phán truyền mà đi tìm danh vọng. Bằng chứng có những quan chức đến hầu đồng đã hỏi bao giờ thì sẽ lên thêm chức nữa, những hoạn nạn có thể tránh trên con đường hoạn lộ? Rất phi lý và làm giảm đi nét độc đáo vốn có của nghệ thuật Hát Chầu Văn và nghi lễ Chầu Văn của người Việt” – GS Trần Quang Hải đã nói.

Theo Một thế giới


Ý kiến bạn đọc