(VnMedia) - Đam mê ca hát, cống hiến hết mình cho nghệ thuật điện ảnh, nghệ sĩ Hồ Tú luôn đau đáu với các ý tưởng, các tác phẩm, cách thể hiện nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đăng Tú - Cử nhân Luật - Đạo diễn điện ảnh với Nghệ danh Hồ Tú, Anh luôn ẩn mình với những ký ức, hoài niệm về một thời đã qua và luôn trăn trở những điều đã được tạo hóa và cha mẹ ban tặng.
Với một vóc dáng đi trước thời đại và sở hữu giọng hát nam trung (Bariton) ấm áp, trữ tình trời cho - Hồ Tú một chàng trai sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội đã có may mắn được nghệ thuật thanh nhạc lựa chọn ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Trong suốt 10 năm kháng chiến chống Mỹ của đất nước anh đã hòa với thanh niên thủ đô cất cao tiếng hát cùng các nghệ sĩ nổi tiếng đàn anh, đàn chị như Ngọc Bé, Huy Túc, Nhân Quảng …trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho tinh thần quật cường chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam thời kỳ đó.
Từ đó, mọi ước mơ và hoài bão anh dành trọn cho nghệ thuật thanh nhạc, cái duyên của cuộc sống đã cho anh gặp được các giáo sư, nghệ sĩ tài ba như Giáo sư - Nghệ sĩ Mai Khanh, Giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên…và đã được các thầy hướng dẫn, dìu dắt một cách bài bản, chuyên nghiệp ngay từ đầu tại Khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam.
Trong thời gian học tập, anh đã cùng các sinh viên Khoa Thanh nhạc dùng lời ca, tiếng hát với các giai điệu hào hùng của dân tộc để gửi tới các anh bộ đội cụ Hồ, đồng bào dân tộc ở các vùng biên giới, hải đảo, để từ đó phát huy sức mạnh đoàn kết quân dân, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Sự hội tụ của niềm đam mê và công sức của các bậc tiền bối đã tạo tiền đề vững chắc cho Hồ Tú trên con đường nghệ thuật sau này.
Chắp cánh ước mơ và không phụ công nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, năm 1986, Hồ Tú một lần nữa lại được Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân Tamara Gorinova, Nhạc viện Quốc gia Xôfia Cộng hòa Nhân dân Bungari hết lòng truyền dạy cho người học trò “cưng” những tinh hoa nhất về kỹ thuật thanh nhạc tiên tiến, gần với nghệ thuật hát Becalto của Italia - quê hương của những vở nhạc kịch nổi tiếng. Để từ đó Hồ Tú có đủ tài hoa và bản lĩnh để thỏa sức bay bổng, thể hiện tài năng và niềm đam mê bằng những tháng ngày tuyệt đẹp trên đất châu Âu khi tham gia biểu diễn cùng với các tài năng của thế giới trong mê cung âm nhạc đỉnh cao như: Âm nhạc thính phòng, thanh xướng kịch của các nhạc sĩ cổ điển thế giới, các Aria như Lagro al factotum trong vở nhạc kịch “Người thợ cạo thành Seville” của Antome Rossini; Rigolleto trong Opera Rigolleeto của Verdi….
Năm 1996, chàng ca sĩ lãng tử theo tiếng gọi của con tim và tình thân đã trở về quê hương với tràn ngập những ước mơ và sự đam mê cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.
Không ngại khó, ngại khổ anh đã học tập và phát huy tài năng để trở thành một đạo diễn điện ảnh tự tin tỏa sáng. Lại một lần nữa nghề chọn người, anh được Đài phát thanh truyền hình Hà Nội tin tưởng giao trọng trách là Đạo diễn chương trình “Lá thư âm nhạc” từ những số đầu tiên.
Chương trình này là cầu nối cho mọi cảm xúc, sự dẫn dắt của âm nhạc đã chạm đến trái tim con người, nó làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, con người yêu nhau hơn và sống cao cả hơn. Đôi lúc nhà đạo diễn không thể chế ngự được cảm xúc của bản thân bỗng trở lại thành chàng ca sĩ tài hoa tham gia chương trình, với giọng hát hào sảng, tâm hồn sâu lắng, phong thái lãng tử cuốn hút người nghe mỗi khi anh cất tiếng hát và để lại nhiều sự khắc khoải chờ mong cho những người yêu thương Hồ Tú.
Hồ Tú không những đam mê ca hát, mà máu nghệ sĩ chảy mạnh trong huyết quản đã thôi thúc anh cống hiến hết mình cho nghệ thuật thứ bảy với những vai chính trong các bộ phim truyện nhựa, phim truyền hình như “Phóng sinh”, “Hai người trở lại Trung đoàn”, “Hàng xóm”, để lại ấn tượng cho người xem qua cách diễn xuất chân thật, sâu lắng, hợp lòng người.
Nghệ sỹ Hồ Tú đã từng có những lúc phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn, quyết định những ngã rẽ của cuộc đời, tạm lắng xuống những ước mơ cháy bỏng và đã biết chấp nhận những điều mình tưởng chừng khó chấp nhận, để làm cho cuộc sống của mình từng trải và phong phú hơn.
Từ một nghệ sỹ tài hoa, lãng tử, anh đã lựa chọn và phấn đấu làm một nhà quản lý, tuy nhiên, sự lựa chọn đó cũng không tách anh ra khỏi cái duyên nợ của sự đam mê văn hóa, nghệ thuật. Về công tác tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hồ Tú - Phó giám đốc BQL khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn luôn đau đáu với các ý tưởng, các tác phẩm, cách thể hiện nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, để người dân Việt Nam tự hào về nghệ thuật truyền thống của mình và tự tin sánh vai cùng các nền nghệ thuật trên thế giới.
Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, có thể đã cho ai đó nhiều sự lựa chọn, Hồ Tú là một ví dụ. Có thể anh chưa đi đến được tận cùng của sự đam mê nhưng đã dấn thân thì nó cũng làm cho tâm hồn anh thêm phong phú, Anh đã tìm ra cội nguồn của đau khổ nếu không phải là chính mình, không sống thật với đam mê và chưa trả nợ đời những gì ta có được - Thì cuộc đời này là của “Ai” và CD No1 “Trở về…” đã giúp cho anh trả lời với chính mình và từ đây mạch nguồn âm nhạc lại chảy trong tim của người Nghệ sĩ và sẽ thăng hoa với ảm xúc của chính mình - CD No2… sẽ là những ca khúc trữ tình làm tan chảy các trái tim của những người yêu thương Hồ Tú.
Giang Phạm
Ý kiến bạn đọc