(VnMedia) - Tôi biết tác phẩm A Sáng đầu tiên không phải tranh, mà là... tản văn. Sau đó là biết người, rồi đọc tiểu thuyết Thân Xác mới dần dần nhận ra con người nghệ thuật của ông. A Sáng viết cái gì, viết về nơi nào, cuối cùng tâm thức, tình cảm cũng trở về, cũng không ra khỏi cái bản thiêng Pác Thay kì vĩ trong tâm hồn ông.
Một lần tình cờ nhìn thấy tranh A Sáng xếp la liệt ở nhà thi sĩ Y Phương. Quả thật, tôi có ấn tượng với văn A Sáng hơn là các bức tranh của ông. Tôi nhớ đến những tản văn mơ màng, run rẩy và trăn trở, thao thức; nhớ nhân vật Lài Mịch gầy đét, hai con mắt trố trắng dã, nhớ chị Sẳn góa chồng 20 năm mà cái vú vẫn cong tơn tơn, rừng rực lửa lòng khát vọng, nhớ nàng nhà báo Sơn Nữ tâm hồn thất lạc khỏi bản Pác Thay của người Tày và thân xác lưu lạc nơi phố thị... trong tiểu thuyết hơn là các bức tranh lạc loài, không cá tính A Sáng...
Gặp nhau nhiều lần, chỉ thấy A Sáng nói em đang vẽ. Vẽ lúc rảnh. Vẽ ngày chủ nhật. Vẽ ban đêm. Đôi khi ông nói về những dự định viết một tiểu thuyết lớn về những vẻ đẹp ở bản Pác Thay có nguy cơ biến mất bởi mặt trái của công nghiệp công nghệ tàn phá. Tôi chờ đợi một cú đột sáng, bùng nổ của tiểu thuyết A Sáng, nhưng đôi khi cũng cảm thấy nản vì thấy công việc làm báo kéo ông vào những bận bịu, nhọc nhằn, căng thẳng triền miên, cảm xúc nào dành cho văn cho họa? Rốt cuộc A Sáng là ai? Nghệ thuật của ông ấy là cái gì? Song, tôi vẫn hi vọng, vẫn chờ đợi một cú rùng mình, sang chấn trong người văn A Sáng. Vậy mà, tôi bị... bất ngờ. Bất ngờ bởi “cuộc cách mạng mang tính vạch thời đại” không phải văn mà lại là... tranh của A Sáng.
Làm văn chương, nghệ thuật có người đi hết cả đời vẫn chỉ là cái bóng hiu hắt của người khác; có người mới cầm bút cầm cọ đã ra hình hài, cá tính của mình; có người đào cuốc mải mê, nhọc nhằn rồi cuối cùng nhát cuốc cũng bổ trúng mạch nước ngầm nghệ thuật của riêng mình.
Cắt nghĩa vì sao tôi và nhiều người không nhớ những lô tranh đầu tiên của A Sáng có lẽ từ bản Pác Thay xuống núi, ông bị choáng ngợp trước các trường phái nghệ thuật tân kỳ và bóng các ông lớn đổ dài. A Sáng "nhảy chồm chồm" từ suối khe nghệ thuật này đến dòng sông nghệ thuật kia và bị lạc vào miền hỗn độn. Ông vẽ toàn ra cái không phải thật của mình, vô thức mang màu sắc, đường nét, bố cục của người khác trộn vào mình. Rất may, là ông không bao giờ vừa lòng với cây cọ của mình, và ông nhận ra sự bất ổn để rồi thao thức, suy tư, khám phá mình. Với lại, thời gian cũng làm cho con người trưởng thành hơn.
Chạm đến tuổi 40, A Sáng mơ hồ cảm nhận cái tĩnh lặng bên trong con người thật của mình, để nhìn lại hành trình nghệ thuật đã đi. Và đường nét, màu sắc, bố cục... đã làm sứ mệnh kết tinh hành trình từ cõi đớn đau, giày vò đến cõi lặng trong tranh A Sáng. Và,... cũng vẽ về người vùng cao, miền núi nhưng “Xuống chợ”, “Đi chợ”, “Em bé và ngựa”, “Đôi bạn”, “Khoe váy”... của A Sáng không nhiều chi tiết, không tỉ mỉ, chạm khắc, nó là các mảng miếng chính phụ, bố cục khác thường được hiển hiện từ cá tính người đàn ông bản Pác Thay, không lẫn vào văn hóa vùng miền khác.
Nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều cũng phải bàng hoàng thốt lên: “... cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về ai khác. Một thế giới của màu sắc Hoàng A Sáng - rực rỡ những chìm sâu, của đường nét Hoàng A Sáng - mạnh mẽ, những run rẩy, của những nhân vật Hoàng A Sáng - tĩnh lặng nhưng cô đơn, khắc khoải”.
Rất nhiều tranh như: Vợ chồng, Cây, Ngủ, Hai người, Sư ông, Cha và con, Chú tiểu, Bốn người..., thoáng qua có cảm giác sắc màu rực rỡ, tươi vui; song nhìn kỹ mới thấy nỗi đau đớn, dằn vặt, khắc khoải, và nỗ lực vượt thoát của con người.
Tác phẩm “Vợ chồng” cách điệu như hai cái cây, cũng là tán lá nhưng biểu trưng hoa văn dân tộc trùm lên đầu hai người. Hai nửa mặt người ở tư thế khác nhau. Một người nhắm mắt sầu muộn. Một người mở mắt đớn đau. Họ chìm vào thế giới nội tâm của riêng mình: Cô đơn. Trống hoác. Dù hai tay vẫn quàng lấy nhau trễ nải hững hờ, song không dứt ra được. Cũng là “Cây”, nhưng thân cây là hai đứa bé, trên đầu là lá cành quằn quại như bão gió cuộc đời giáng xuống. Lạ thay! Gương mặt hiền thánh thiện của chúng và bàn tay chắp lại như niệm Phật cầu ban phước an lành, khiến cho người xem chùng lòng xuống. Là “Ngủ”, song là đứa bé ngủ sau khi vừa mếu, còn hai người lớn thì mắt mở chong chong, đỏ đọc, nhìn khắc khoải và gương mặt bị băm vằm bởi vết chém thời gian. Nỗ lực chìm vào cõi lặng để quên đời trần tục thật không dễ dàng. Người thường giày vò, dằn vặt và “Sư ông” cũng dằn vặt, đớn đau. Một nửa mặt nhàu, gam màu đỏ áo cà sa trên nền lá sen và bông sen màu nâu đất gợi cho tôi nghĩ đến sự ăn năn, sám hối, còn vương - chưa thoát bụi trần của một kiếp tu hành chưa đắc đạo... Tôi gọi giai đoạn đầu hành trình nghệ thuật này của A Sáng là thử thách và nỗ lực vượt thoát.
Rất nhiều tranh, như: Dưới Trăng, Đêm, Sen vàng, Tâm sen, Nhìn, Trong sen, Tuổi 13, Bên sen, Sen lam, Thiền, Sen đỏ, Gia đình, Mẹ và bé, Sen xanh, Sen nâu, Áo sen, Thiếu nữ với sen, Hai người, Vào chùa... lấy lá sen cách điệu làm nền cho nhân vật suy tư, hoặc bố cục hoa sen như một nhân vật bên cạnh gương mặt người.
Tôi bị ám ảnh bởi tác phẩm “Gia đình” với gam màu xanh chủ đạo, bốn người có thể hiểu là bố mẹ và hai con. Các thân hình nhân vật chìm đi, chỉ nhìn rõ mỗi người một nửa gương mặt trên nền lá sen xanh cách điệu rõ từng gân lá khỏe khoắn, chứ không non bấy. Các cánh tay vươn lên cùng bông sen chưa nở với các bàn tay nghiêng mở khác nhau. Điều lạ lùng là mỗi lần xem bức tranh là trong tôi lại diễn ra tâm trạng khác nhau, khi thì thấy thoáng chốc ưu tư hoang hoải tràn ngập khung toan, lúc lại cảm giác như nhân vật đã vượt thoát nỗi xót xa, buốt giá của kiếp người và chạm đến miền lặng, an lành.
Có một cõi Thiền trong tranh A Sáng: “Sen nâu” thâm trầm, đắc đạo. “Sen xanh” vi diệu, an lành. “Sen lam” vô thường. “Dưới trăng” là kiếp người nhỏ bé trong cõi mênh mông, vô tận. Một cõi “Thiền” mênh mang vũ trụ “không phơi những dấu mòn trên đá”, tĩnh lặng, nhưng không ngưng đọng, không đứng im. Tôi gọi giai đoạn cuối hành trình nghệ thuật này của A Sáng là bước vào cõi Thiền đơn độc của riêng mình.
Họa sĩ danh tiếng Thành Chương có nhiều năm gần gũi, theo dõi từng “đường đi nước bước” đời sống - nghệ thuật của A Sáng, ông “... chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một... Miền A Sáng. Đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên chân chất. Bí ẩn thâm trầm, vi diệu với cõi Thần Phật linh thiêng".
A Sáng không vẽ theo lối tả thực. Những bộ ngực con gái phô ra, tràn đầy, khát khao, phồn thực, còn cái đầu bóp bé lại; những nửa gương mặt người sát nhau, những cái tay và cái cổ... dài ngoẵng trên nền lá sen hoặc hoa văn cách điệu đã làm nên một thế giới vừa siêu thực vừa ấn tượng phiêu linh trong cõi Thiền tĩnh lặng mang tên A Sáng.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Ý kiến bạn đọc