Đạo diễn Việt Tú trình làng chương trình Tứ Phủ

08:06, 28/02/2016
|

(VnMedia) - Dù đã có thời gian thẩm định tới 6 tháng bởi khán giả, nhưng tối qua, đạo diễn Việt Tú chính thức trình làng chương trình Tứ Phủ trước báo giới tại sân khấu Rạp Công nhân.

Tứ Phủ là một vở diễn của công ty Nhà Hát Việt (Viettheatre) được lấy cảm hứng từ nghi lễ Lên Đồng trong văn hoá Đạo Mẫu của Việt Nam. Vở diễn là công sức và tâm huyết của đạo diễn Việt Tú, người đã dành 3 năm tìm hiểu và 1 năm lên ý tưởng dàn dựng chương trình với mong muốn tạo dựng được nghi lễ Hầu Đồng gốc của người Việt, trả lại nguyên bản cái hay cái đẹp, sự trong sáng, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong Đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè, quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội. Chương trình đã được diễn ra đều đặn gần 6 tháng nay tại Rạp Công Nhân với tần suất 12 ca diễn/tháng.

Tứ Phủ (Four Palaces) là một chuyến du hành vào cõi tâm linh ấn tượng với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ Lên Đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo trong suốt 45 phút trình diễn. Tứ Phủ gồm 3 chương: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn.

Với phần xếp đặt tổng thể, cả rạp Công Nhân, vốn chỉ quen thuộc với các vở kịch, nay trở thành không gian mang yếu tố trình diễn, thưởng lãm truyền thống tinh tế, đặc sắc. Ở sảnh chính là không gian trưng bày, với một ban sơn trang vàng mã lớn tỉ lệ 1/1 của những “giá hầu” những ngựa giấy, voi giấy được sắp sếp một cách có cấu trúc như một tác phẩm sắp đặt và được thực hiện bởi những nghệ nhân ba đời làm vàng mã. Cách thức này mang lại một cảm giác về một không gian tâm linh đầy đủ, như một sự dẫn dăt về yếu tố thị giác trước khi mở màn phần trình diễn chính ở tầng 2.

Những động tác nhập đồng của diễn viên kết hợp với trình diễn trực tiếp trên sân khấu tạo, cùng hiệu ứng của những đoạn clip đặc tả đến từng chi tiết được thực hiện với tông màu lộng lẫy vẫn dân tộc nhưng thực sự hiện đại, hai người hầu dâng vốn trước đến nay không gây được sự chú ý, nhưng trên sân khấu Tứ Phủ họ trở thành điểm nhấn chính với sự lên xuống phối hợp nhịp nhàng cho phần khăn áo của Thanh đồng.

Có thể nói cách tiếp cận mang phong cách dùng tư tưởng hiện đại để làm nổi bật yếu tố truyền thống (traditional avangade) đặc trưng của đạo diễn Việt Tú, điều được anh thể nghiệm nhiều trong những năm gần đây trong các dự án văn hoá của mình đã mang đến những hiệu quả đặc biệt khi chuyển tải văn hoá truyền thống đến gần gũi hơn với đông đảo công chúng, vừa thể hiện cách nhìn trung thực về văn hoá, tư duy của tác giả trong cấu trúc của tác phẩm trả lại những gì đẹp đẽ, tinh tế và nguyên bản nhất của nghệ thuật trong Đạo Mẫu.

Từ cuối năm 2015, Tứ Phủ đã có những lần trình diễn ấn tượng như: Tứ Phủ đã có vinh dự trình diễn phần ấn tượng nhất trong vở diễn tại Tanzania trong một lễ khai trương nhà mạng lớn của Việt Nam trước Tổng thống và Phó Thủ Tướng, cùng Bộ trưởng bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và đông đảo quan khách hai nước vào ngày 15/10/2015; Nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Kenzo đã tới xem và dành những lời khen ngợi cho Tứ Phủ đặc biệt ở phần trang phục vào ngày 21/11/2015; Tứ Phủ đã được giới thiệu trang trọng trên tạp chí Heritage, Vietnam News tháng 12/2015; Tứ Phủ được giới thiệu trên Time out vào tháng 1/2015; 

Ngày 18/2/2016, Rạp Công Nhân với sức chứa gần 500 chỗ chật kín khán giả đến thưởng thức trình diễn Tứ Phủ. Đây là một vinh dự chương trình mở màn năm mới 2016 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại Giao với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại đồng thời cũng là món quà đặc biệt chia tay với bà Katherine Muller-Marin, Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, người được mệnh danh là “Người đàn bà di sản” với nhiều đóng góp lớn cho việc tôn vinh văn hóa Việt.

Trong 6 tháng trình diễn, Tứ Phủ đã vinh dự đón tiếp rất nhiều vị đại sứ, tuỳ viên văn hoá: Pháp, Italia, Ba Lan, Hungary, Canada, Unicef…. Cùng hàng nghìn lượt khán giả trong nước, và mọi vùng quốc gia trên thế giới đến thưởng thức văn hoá.            


Ý kiến bạn đọc