Gần đây, Bộ TT&TT đã xử lý một số trường hợp quảng cáo thuốc súc miệng cai thuốc lá trái phép trên Facebook và Google. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo trái phép loại sản phẩm này vẫn tồn tại trên Internet gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Theo tin từ Thanh tra Bộ TT&TT, gần đây, Bộ TT&TT đã xử lý một số trường hợp vi phạm trong quảng cáo thuốc trên mạng xã hội Facebook và Google của một số đơn vị bán thuốc súc miệng cai thuốc lá khi chưa có giấy phép sản xuất sản phẩm, chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội dung quảng cáo.
Điển hình nhất là thuốc súc miệng cai thuốc lá T.N của một doanh nghiệp ở Đắc Lắc, đơn vị này sản xuất thuốc súc miệng cai thuốc lá từ nhiều năm nay, đã thực hiện quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội khi chưa có giấy đăng ký chứng nhận sản phẩm, cũng như chưa có phê duyệt nội dung quảng cáo của cơ quan y tế cấp.
Sau khi nhận được khiếu nại, Sở Y tế Đắc Lắc đã nhiều lần xử phạt sai phạm của đơn vị này, tuy nhiên vẫn không cải thiện được tình hình. Đơn vị sai phạm dù bị phạt vẫn cứ tiếp tục quảng cáo trên mạng xã hội và nội dung quảng cáo được thổi phồng quá mức mà cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được.
Trước vi phạm đó, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã có văn bản đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp ngăn chặn các quảng cáo sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá sản xuất trái phép của T.N. Vào đầu tháng 4/2017, Thanh tra Bộ TT&TT đã có văn bản gửi Google và Facebook đề nghị hai mạng xã hội này ngăn chặn các quảng cáo liên quan đến nước súc miệng cai thuốc lá T.N trên hệ thống để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Sau khi Bộ TT&TT xử lý quyết liệt, Google và Facebook đã phối hợp chặn các quảng cáo liên quan đến sản phẩm của T.N. Cho đến khi không thể quảng cáo và bán hàng trên mạng xã hội, T.N mới chịu đi làm thủ tục xin Giấy phép cho sản phẩm và đến thời điểm này đã đủ điều kiện về giấy phép để sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Bộ TT&TT, đến nay vẫn còn tồn tại một số loại sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá chưa có giấy phép vẫn tiếp tục quảng cáo trên mạng xã hội và bán sản phẩm trái phép mang nhãn hiệu: Tuệ An, Lavi, Phạm Bằng. Các sản phẩm cai thuốc lá này được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, trên trang điện tử có tên miền quốc tế, nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.
|
|
Trang web của cai thuốc lá Tuệ An vẫn tồn tại với nhiều nội dung sai phạm. |
|
|
Cũng trong tháng 4/2017, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã có công văn gửi Thanh tra Bộ TT&TT đề nghị có biện pháp ngăn chặn trang web caithuoclavi.vn vì đã và đang đăng tin quảng cáo sản phẩm “nước súc miệng cai thuốc lá Lavi” khi chưa đủ điều kiện để sản xuất sản phẩm. Sản phẩm Lavi đang được quảng cáo tràn lan trên Internet, tuy nhiên khi Sở Y tế TP.HCM tới kiểm tra tại địa chỉ doanh nghiệp ở 166 Ông Cao Thắng, P11, Q10, TP.HCM, thì địa điểm này lại là điểm kinh doanh quần áo thời trang từ 3-4 năm nay, không có kinh doanh sản phẩm nước súc miệng Lavi. Như vậy Lavi không chỉ kinh doanh trái phép mà còn quảng cáo sai sự thật.
Trước đó, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ TT&TT ngăn chặn quảng cáo, bán sản phẩm trái phép đối với hai sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá T.N và Tuệ An trên mạng Internet.
Vào tháng 6/2017, Thanh tra Bộ TT&TT một lần nữa lại có văn bản đề nghị Google và Facebook ngăn chặn quảng cáo, bán sản phẩm nước súc miệng Tuệ An trên mạng Internet để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay sản phẩm Lavi và Tuệ An vẫn quảng cáo tràn lan mạng Internet, trong đó có cả mạng xã hội Google và Facebook nhưng chưa bị ngăn chặn triệt để.
|
|
Cai thuốc lá Lavi có nhiều sai phạm trong quảng cáo sản phẩm. |
Theo một cán bộ của Thanh tra Bộ TT&TT, ngoài việc sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá chưa được cấp phép sản xuất, thì nội dung quảng cáo còn bị thổi phồng, sai sự thật. Ví dụ: các quảng cáo thường nhấn mạnh “cai được thuốc lá sau 3 ngày sử dụng”, hoặc “sau 5 đến 7 ngày sử dụng” đây là các nội dung sai sự thật và không bao giờ được cơ quan quản lý phê duyệt nội dung cho quảng cáo. Thế nhưng trên mạng xã hội Facebook và Internet thì tràn lan các hình ảnh quảng cáo kiểu này, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí có những trang tin điện tử có tầm ảnh hưởng lớn cũng xuất hiện quảng cáo của các sản phẩm trái phép trên.
Cho đến chiều ngày 28/9/2017, trang web caithuoclavi.vn đã không còn truy cập được nữa, nhưng lại chuyển sang quảng cáo trên trang caithuoclalavi.com. Còn trang tuean.org và tuean.info vẫn còn tồn tại và rất nhiều bài đăng về sản phẩm cai thuốc lá chưa được cấp phép theo quy định của Bộ Y tế. Phần thông tin giới thiệu của Tuệ An rất sơ sài, chỉ ghi chung chung địa chỉ là Hồ Chí Minh, Việt Nam và số điện thoại di động, cùng hộp thư điện tử Gmail. Kênh YouTube của Tuệ An vẫn giới thiệu khá nhiều video quảng cáo và giới thiệu sản phẩm. Trang Facebook của Cai thuốc lá Lavi thì quảng cáo bán nước súc miệng cai thuốc lá nhãn hiệu Phạm Bằng. Giá của các sản phẩm cai thuốc lá khá đắt đỏ, từ 300.000 đến 450.000 đồng/chai 500ml.
Theo các quy định hiện hành của Việt Nam, thuốc và thực phẩm chức năng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, khi được nhập khẩu hay sản xuất phải được cơ quan quản lý chuyên ngành y tế cấp số đăng ký. Nội dung và hình ảnh quảng cáo thuốc phải được cấp Giấy phép phê duyệt nội dung quảng cáo bởi cơ quan có thẩm quyền của ngành y tế. Song rất nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội và mạng Internet để kinh doanh và quảng cáo trái phép sản phẩm chưa qua kiểm định chất lượng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
(Theo ICTnews)
Ý kiến bạn đọc