Xu hướng báo chí trong thời đại bùng nổ video và mạng xã hội

11:35, 19/06/2017
|

Theo dự báo của Cisco, đến năm 2019, video sẽ chiếm 80% tổng lưu lượng dữ liệu trên mạng. Trong khi đó, số người dùng mạng xã hội cũng được dự báo không ngừng tăng lên. Điều này đang tạo nên những xu hướng báo chí mới.

Theo số liệu do Facebook công bố, ở thời điểm tháng 3/2016, Việt Nam mới chỉ có khoảng 35 triệu tài khoản Facebook, thì đến nay, con số này đã là 45 triệu. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển của mạng xã hội này tại Việt Nam là rất lớn.

Trong khi khi đó, Youtube, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới cũng có sự phát triển với tốc độ chóng mặt… Chủ tịch tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của YouTube vừa công bố Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sử dụng kênh Youtube.

Nguồn ảnh: entrepreneur.com
Nguồn ảnh: entrepreneur.com

Thời của video trực tiếp

Nếu như trước đây, người dùng mạng xã hội Facebook chỉ post lên những đoạn status, ảnh, hay up lên những video có sẵn thì từ đầu năm 2016, mạng xã hội này tiến thêm một bước nữa khi cho phép người dùng quay video trực tiếp (Live Video).

Khi hầu hết thông tin khi cung cấp tới bạn đọc đều được qua xử lý, thì “Live” tạo nên sự khác biệt khi giúp mọi người được tiếp cận thông tin nguyên bản, thời gian thực. Chính vì thế, gần như ngay lập tức, tính năng này được người dùng đón nhận.

Video trực tiếp hấp dẫn còn bởi lợi ích mà nó mang lại. Một vụ tai nạn gặp trên đường, ngay lập tức được live và nhận hàng trăm lượt share để giúp tìm người nhà nạn nhân. Một màn biểu diễn ngẫu hứng của nghệ nhân đường phố tại phố đi bộ có thể được live giúp hàng ngàn người như được tận hưởng trực tiếp không khí tại đó. Hay, các nhà kinh doanh có thể live để giới thiệu các sản phẩm mà cửa hàng mình đang bán.

Trước động thái đó của Facebook, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới - Youtube, ngay lập tức có những điều chỉnh về chính sách của mình. Nếu như trước đây, chỉ những kênh có 10.000 người theo dõi (Subscriber) thì mới được YouTube cho thực hiện “Live Stream” thì cuối tháng 4/2017, YouTube đã nới nỏng chính sách này, cho phép các kênh chỉ cần 1.000 người theo dõi là được phép truyền đi các video trực tiếp. Với động thái này, có thêm hàng triệu người Việt có thể thực hiện các video trực tiếp trên kênh của mình.

Sự vào cuộc của cả Facebook và YouTube cho thấy video trực tiếp đang trở thành một xu hướng không thể phủ nhận của tin tức video.

Những xu hướng báo chí mới

Sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội và video đồng thời đang tạo ra những xu hướng mới cho báo chí.

45 triệu tài khoản facebook tại Việt Nam đã đang không chỉ đóng vai trò lan tỏa tin tức trên mạng xã hội mà đã trở thành một nguồn cung cấp thông tin. Điều này tạo áp lực lên các cơ quan thông tấn báo chí trong cuộc đua cung cấp thông tin tới bạn đọc. Rõ ràng, 18.000 nhà báo chính thống so với 4,5 triệu người dùng facebook là một cái gì đó khá khập khiễng. Điều đó tạo ra xu hướng báo chí mới, báo chí bình luận.

Các bài báo không chỉ thuần túy đưa thông tin theo kiểu tin tức, mà còn bình luận, phân tích, dẫn thêm các sở cứ liên quan về thông tin họ đưa nhằm giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề. Xu hướng này, đã được một số tòa soạn báo lớn tại Việt Nam thực hiện trong thời gian qua. Đó là mục “Góc nhìn” của VnExpress, “Kính đa tròng” của Dân Việt… Và gần như ngay lập tức, chúng được công chúng đón nhận. Xu hướng này, chắc chắn sẽ tiếp tục lan tỏa sang các tòa soạn báo khác. 

Sự phát triển bùng nổ của video cũng tạo nên một xu thế không thể cưỡng lại đối với báo chí: tin tức dạng video. Với việc chiếm 80% lưu lượng trên mạng internet vào năm 2019 như dự báo của Cisco, video đã khẳng định chỗ đứng của mình. Các tòa soạn báo do vậy sẽ không thể đứng ngoài xu hướng này. Đưa tin video do vậy sẽ là mảng không thể thiếu với mọi tòa soạn.

Nhưng chỉ video thôi là chưa đủ. Việc các nền tảng mạng xã hội lớn hỗ trợ video trực tiếp sẽ đặt ra những bài toán mới với các tòa soạn báo. Ở góc độ bạn đọc, chắc chắn các tin video trực tiếp sẽ được đón nhận. Nhưng ở góc độ tòa soạn báo, cuộc chơi “live” sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là khả năng kiểm soát thông tin. Khi “live”, các toà soạn mất quyền kiểm soát thông tin đang phát. Việc kiểm soát thông tin lúc này thuộc về các vấn đề, sự kiện đang được live. Điều này gây rủi ro cho các tòa soạn. 

Thứ 2, là khả năng hỗ trợ live của hệ thống quản trị nội dung (CMS - Content Management System). Khi phóng viên ngoài hiện trường và có tin cần phát live, nó đòi hỏi hệ thống CMS có tính hỗ trợ và sẵn sàng cao. Hạ tầng của nhiều tòa soạn có thể chưa đáp ứng được việc này. 

Thứ 3, để thực hiện live video, các toà soạn cần một phóng viên “hội tụ”. Nghĩa là một phóng viên phải có khả năng vừa viết bài vừa quay video bằng smartphone với chất lượng chấp nhận được, đồng thời phải đóng cả vai trò của một MC cho video trực tiếp đó. Để làm được điều này, cần đào tạo thêm nhiều kỹ năng cho các phóng viên truyền thống.

“Chần chừ không đổi mới” là mối đe dọa lớn nhất với thành công của báo chí trong tương lai
“Chần chừ không đổi mới” là mối đe dọa lớn nhất với thành công của báo chí trong tương lai (Nguồn: Hội nghị Báo chí toàn cầu 2017)

Có quá nhiều khó khăn với các tòa soạn trong xu thế dịch chuyển này. Tuy nhiên, với việc video ngày càng trở thành dạng thông tin chủ đạo trên mạng, các tòa soạn báo sẽ không thể đứng ngoài. Họ sẽ phải vượt qua những khó khăn trên bằng cách mạnh dạn đổi mới.

Điều này cũng được chỉ rõ trong báo cáo của hội nghị báo chí toàn cầu. Theo đó với câu hỏi mối đe dọa lớn nhất với thành công của báo chí trong tương lai là gì? Đáp án “Chần chừ không đổi mới” là đáp án được lựa chọn nhiều nhất.

Sự phát triển của công nghệ đang làm hình thành những xu hướng báo chí mới. Chấp nhận thay đổi và phải thay đổi một cách thật nhanh là lựa chọn duy nhất cho sự phát triển của các tòa soạn./.

Mạnh Đạt


Ý kiến bạn đọc