Trong nhiều năm, Kara Jefts sống với một bí mật khủng khiếp. Khi gặp một chàng trai, cô sẽ không tiết lộ họ của mình cho đến khi họ đã trải qua 4 hoặc 5 cuộc hẹn. Khi bắt đầu công việc mới, cô sẽ lập tức kết bạn với chuyên gia công nghệ để nhờ họ chặn các email quấy rối. Cô cũng buộc phải kể với cấp trên về chuyện tình trong quá khứ của mình.
Bí mật của cô khủng khiếp ở chỗ mọi người đều có thể tìm ra. Trong 5 năm qua, các bức ảnh khỏa thân của Jefts đã bị phát tán qua email, Facebook và có thể tìm kiếm được trên Google.
Tội ác tình dục thời công nghệ số
Là giảng viên tại Đại học Chicago, Jefts không bao giờ muốn nghĩ cảnh cơ thể trần truồng của mình bị phát tán trên Internet. Tuy nhiên, vào năm 2011, không lâu sau khi Jefts chia tay bạn trai lâu năm ở Italy, ảnh chụp màn hình từ các cuộc trò chuyện qua Skype của họ bắt đầu xuất hiện trên mạng.
Chúng được gửi qua email cho gia đình và bạn bè của Jefts, được đăng trên Facebook kèm lời đe dọa thô bạo, thậm chí còn xuất hiện trên một số trang web với cáo buộc cô bị mắc bệnh tình dục.
Những gì mà Jefts phải trải qua được gọi là tội ác tình dục công nghệ số. Hành vi này đã hủy hoại cuộc sống của hàng nghìn người nhưng vẫn qua mặt được pháp luật.
Kara Jefts từng bị bạn trai cũ phát tán ảnh nóng trên mạng không lâu sau khi chia tay. Ảnh: Time. |
Đó là loại văn hóa phẩm khiêu dâm dùng để trả thù. Mục đích của chúng là quấy rối và hạ thấp danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bởi những hình ảnh bị phát tán không được sự đồng ý của họ. Hậu quả là họ sẽ bị mất uy tín và bị mọi người xa lánh, dè bỉu.
Hình thức trả thù này đang ngày càng tăng lên nhờ sự biến động của công nghệ và văn hóa mạng xã hội. Gần như mỗi ngày lại có những trường hợp mới.
Một phụ nữ 20 tuổi ở Pennsylvania bị đàn ông lạ tới gõ cửa sau khi bạn trai cũ đăng ảnh và địa chỉ của cô cùng lời mời tới "quan hệ". Một giám thị 50 tuổi ở Illinois bị sa thải sau khi chồng cũ gửi video khêu gợi của bà tới hội đồng nhà trường.
Một số hình ảnh và video riêng tư của các nạn nhân xuất hiện trên các trang web khiêu dâm. Số khác được đăng tải trên mạng xã hội, nơi tất cả bạn bè của họ đều có thể nhìn thấy.
Sống trong lo sợ
Theo các tài liệu Guardian thu thập được, Facebook đã nhận được hơn 51.000 báo cáo về nội dung khiêu dâm được dùng để trả thù chỉ riêng trong tháng 1 năm nay.
Cuộc thăm dò năm 2016 của tạp chí Dữ liệu và Xã hội cho thấy khoảng 4% số người được khảo sát bị người khác tự ý đăng hình hoặc đe dọa làm như vậy. Đối với phụ nữ dưới 30 tuổi, tỷ lệ là 10%.
Một cuộc khảo sát Facebook vào tháng 6 của tổ chức Cyber Civil Rights Initiative cho thấy 5% người sử dụng mạng xã hội từng đăng ảnh nhạy cảm của người khác khi chưa được họ đồng ý.
Đầu năm nay, hàng trăm lính thủy đánh bộ bị phát hiện phát tán ảnh nhạy cảm của các nữ quân nhân trên một nhóm Facebook bí mật. Hàng chục thành viên của nhóm này đã bị điều tra từ khi bê bối vỡ lở hồi tháng 1.
Sự quan tâm của công chúng đối với vụ việc đã khiến Thủy quân Lục chiến Mỹ chính thức cấm nội dung khiêu dâm gây tổn hại tới người khác. Hạ viện cũng bỏ phiếu nhất trí xếp nội dung khiêu dâm loại này vào tội phạm quân sự.
Một bài đăng về Anon-IB, trang web chứa các bảng tin dành cho các thành viên quân đội chia sẻ những bức ảnh khỏa thân . Ảnh: CBS. |
Nạn nhân là những ngôi sao
Trong một số trường hợp, thủ phạm là các tin tặc với mục tiêu là những phụ nữ nổi tiếng. Năm 2014, diễn viên Jennifer Lawrence và một số ngôi sao nữ khác đã bị tin tặc tấn công và phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng.
Những sự việc tương tự có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Những bức ảnh khỏa thân được cho là của Diane Shima Rwigara, ứng viên tổng thống Rwanda, đã xuất hiện trên mạng hồi tháng 5 sau khi bà tuyên bố ý định thách thức lãnh đạo lâu năm của nước này, Tổng thống Paul Kagame.
Các cơ quan hành pháp, công ty công nghệ và các quan chức đang cố gắng bắt kịp sự lây lan nhanh chóng của kiểu quấy rối bằng ảnh nóng.
Khi các bằng chứng trú ngụ trong thế giới ảo trên mạng còn nhiều luật lệ vẫn kẹt ở thời kỳ tiền smartphone, nội dung khiêu dâm kiểu này là ác mộng của pháp luật. Chúng có thể dễ dàng được phát tán nhưng gần như không thể bị trừng phạt.
Các luật sư đang cố gắng thay đổi điều này với việc thúc đẩy một dự luật biến nội dung khiêu dâm gây tổn hại cho người khác thành một tội trong luật liên bang.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã gặp phải vô số trở ngại, từ thách thức về công nghệ, thái độ của các nhà hành pháp cho tới lo ngại điều luật có thể hạn chế tự do ngôn luận.
Trong khi đó, các nạn nhân vẫn phải sống trong nỗi sợ bị xã hội lên án và kỳ thị. "Đến lúc này tôi đã chấp nhận việc điều đó sẽ tiếp tục đeo bám tôi. Nó giống như là bị mắc bệnh nan y vậy", Jefts nói.
Theo Zing.vn
Ý kiến bạn đọc