Đề nghị không đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội

14:47, 01/06/2017
|

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, việc đưa đơn tố cáo lên mạng rất phức tạp, người bị tố cáo bị ảnh hưởng mặc dù nội dung tố cáo chưa chắc đúng.

Thảo luận về luật Tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp tổ của Quốc hội cuối tháng 5 vừa qua, góp ý về hình thức tố cáo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến tán thành quan điểm chỉ nên tiếp nhận đơn tố cáo bằng đơn và trực tiếp, không nên bổ sung hình thức qua fax hay e-mail.

Theo ông, việc này để tránh tình trạng lợi dụng các hình thức mới để bôi nhọ, hạ thấp nói xấu, xuyên tạc làm xấu hình ảnh các tổ chức, cá nhân.

ĐB Nguyễn Nhân Chiến
ĐB Nguyễn Nhân Chiến

Với các hành vi cấm, ông Chiến đề nghị bổ sung quy định không được đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội, mục đích hạ thấp uy tín, danh dự tổ chức cá nhân.

Ông Chiến lý giải, việc đưa đơn tố cáo lên mạng rất phức tạp, người bị tố cáo bị ảnh hưởng mặc dù nội dung tố cáo chưa chắc đúng nhưng cứ đồn nhau, gây nghi ngờ, mất uy tín. Do đó cần quản lý, không được đưa đơn tố cáo lên mạng cá nhân, đưa lên là vi phạm.

“Trên trang mạng cá nhân, anh có thể nói chung chung, được quyền nêu quan điểm cá nhân, tỏ bức xúc, nhưng không được nêu rõ tên cơ quan đơn vị”, ông Chiến nói.

Đồng tình quan điểm, ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) nhất trí hình thức tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp vì nó xác định được trách nhiệm pháp lý của người tố cáo, tránh tình trạng tố cáo tràn lan hay lợi dụng tố cáo để cung cấp thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự người bị tố cáo.

ĐB Hoa cũng đồng tình với dự thảo luật là không nên xem xét tố cáo nặc danh. Theo bà, việc chấp nhận đơn tố cáo nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan.

"Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, bởi thông thường đơn nặc danh được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội", bà Hoa nói.

 Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, tố cáo nhiều hình thức như trực tiếp, bằng đơn, qua fax, e-mail, qua điện thoại đều hợp pháp và phù hợp với một số luật như luật Phòng chống tham nhũng.

ĐB Chính cho rằng về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên nếu tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét bởi nhiều khi họ sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe doạ tính mạng, sức khoẻ nên họ phải nặc danh.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho hay, không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, e-mail, điện thoại, vì xét về bản chất thì thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất.

Ngoài ra, không thể viện dẫn số liệu đúng, sai về thông tin tố cáo đã giải quyết để biện lý cho việc loại bỏ hình thức tố cáo nặc danh.“

ĐB Lê Thanh Vân (phải)
ĐB Lê Thanh Vân (phải)

Vì sao lại có tố cáo nặc danh? Thực tiễn cho thấy, ngoài việc lợi dụng để gây rối, triệt hạ, vu khống người khác, có thể thấy một sự thật là người nặc danh sợ bị trả thù, bị trù dập, bị bức hại... nên họ mới chọn hình thức này. Điều đó cũng cho thấy cơ chế bảo vệ pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để bảo đảm quyền tố cáo của họ. Vì vậy, cần thừa nhận hình thức này”, ông Vân nói.

Ngoài ra, ông lưu ý thêm, tố cáo nặc danh chỉ có giá trị khi có đủ 1 trong 3 yếu tố: Thông tin tố cáo có những chi tiết chặt chẽ, có cơ sở về logic; Phản ánh đúng sự thật, có liên quan trực tiếp đến người bị tố cáo; Có chứng cứ tin cậy để khẳng định tố cáo đúng sự thật.

Theo VietNamNet

 


Ý kiến bạn đọc