Giá thành thực sự của môt chiếc smartphone là bao nhiêu?

13:09, 23/07/2017
|

(VnMedia) - Theo đánh giá của các chuyên gia về phần cứng, sau khi tháo tung iPhone 6 và iPhone 6 Plus để định giá thì thiết bị màn hình 4.7 inch có giá trong khoảng 200 - 247 USD (khoảng 4,6 triệu đến 5,6 triệu đồng), trong khi iPhone 6 Plus có giá trong khoảng từ 216 đến 263 USD (4,9 triệu đến 6 triệu đồng).

Như vậy, giá thành sản xuất của 1 chiếc smartphone chỉ ở mức 30%-35% giá bán lẻ mà hãng công bố. Vậy thực tế, các hãng sẽ có lợi nhuận bao nhiêu %? Câu trả phụ thuộc vào 3 yếu tố sau: Chi phí marketing mà hãng đó dùng để quảng bá cho sản phẩm là bao nhiêu? Giá trị thương hiệu và hình ảnh thương hiệu của hãng như thế nào? Hàm lượng chất xám trong sản phẩm ở mức độ nào?

Chúng ta hãy cùng phân tích từng yếu tố để thấy giá trị mà chúng đóng góp vào giá bán của sản phẩm như thế nào:

Hàm lượng chất xám trong sản phẩm

Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao các hãng công nghệ luôn tìm cách trang bị cho sản phẩm (Sp) của mình những phần cứng mạnh nhất, ví dụ chip mới với tốc độ xử lý nhanh và tiết kiệm năng lượng nhất… Màn hình công nghệ tiên tiến nhất cho hình ảnh đẹp rực rỡ với độ phân giải cao. Hay dung lượng RAM lớn, camera chụp ảnh chất lượng cao với các thuật toán xử lý hình ảnh tốt nhất.

Những linh kiện trên tại thời điểm ra mắt Sp là mới nhất và nhà sản xuất phải tốn khá nhiều công sức nghiên cứu (R&D), thiết kế, thử nghiệm để có thể đưa vào sử dụng thương mại. Nói cách khác, đó là những Sp chứa đựng hàm lượng chất xám cao nhất và nhờ có nó mà nhà sản xuất được phép bán với giá cao nhất, nếu SP thành công thì nhà sản xuất sẽ tận dụng được giai đoạn “hớt váng” mang lại nhiều lợi nhuận nhất.

Bảng ước tính giá linh kiện các thế hệ iPhone gần đây
Bảng ước tính giá linh kiện các thế hệ iPhone gần đây

Bên cạnh phần cứng, hàm lượng chất xám còn đến từ phần mềm hay con gọi là hệ điều hành. Các hãng sản xuất smartphone Android như Samsung liên tục phải cập nhật hệ điều hành mới nhất trên Sp của mình và Apple với iOS cũng vậy. Có thể nói, hệ điều hành là yếu tố quyết định sự tồn tại của một Sp và còn của cả 1 hãng công nghệ. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là sự sụp đổ của Motorola hay Nokia – những đế chế công nghệ một thời.

Như vậy, hệ điều hành chính là thành phần mang hàm lượng chất xám cao nhất trong một Sp công nghệ. Như iOS giúp Apple bán thiết bị của mình cao gấp 02, thậm chí gấp 03 so với hãng khác với phần cứng tương đương. Yếu tố hàm lượng chất xám cũng giải thích cho việc tại sao các nhà sản xuất luôn nhắm tới việc bán các Sp cao cấp càng nhiều càng tốt bởi chúng mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhiều các Sp trung và thấp cấp.

Chi phí marketing

Ở thời đại kỹ thuật số hiện nay, marketing càng đóng vai trò lớn trong việc quảng bá và thúc đẩy doanh số bán hàng các Sp. Chính vì thế, mỗi khi ra mắt 1 Sp mới, chúng ta lại thấy các hãng luôn tiến hành song song 1 chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông như tivi, Youtube, facebook, Google adwords, GDN, Zalo, đại sứ thương hiệu, rồi các sự kiện lớn như Unpack tại Mỹ, Barcelona thuộc Tây Ban Nha....các sự kiện ra mắt tại thị trường nội địa như Việt Nam. Điển hình cho việc này chính là Samsung với các chiến dịch khủng mà ta từng thấy như Galaxy S7, Note7, S8, và sắp tới là Note8.

Apple cũng là hãng làm marketing mạnh và khôn ngoan với các chiến dịch, sự kiện ra mắt, xếp hàng đợi mua ngày đầu tiên....những hoạt động này ngốn không ít chi phí của nhà sản xuất. Nó có thể lên đến 10% hoặc hơn, tùy vào mức độ thành công và doanh số của Sp khi chính thức bán ra trên thị trường. Ví dụ, theo nghiên cứu, với model Galaxy S5, Samsung chỉ thu về khoảng 10% lợi nhuận sau khi trừ các loại chi phí markrting và bán hàng. Trong khi đó, Apple thu được đến 60% lợi nhuận với iPhone 6 và 6 Plus.

Giá trị thương hiệu

Có thể thấy, giá trị thương hiệu ảnh hưởng rất lớn đến giá bán của Sp. Tại sao hãng thời trang cao cấp Louis Vuitton lại bán được những chiếc túi xách vài nghìn USD trong khi các hãng khác chỉ bản được những chiếc túi với giá trung bình vài trăm USD. Điều này cũng giống như việc Apple có thể bán 1 chiếc iPhone với giá 800 USD (18,4 triệu đồng) trong khi hãng khác không thể bán nổi Sp tương tự với giá 400 USD (9,2 triệu đồng). Thương hiệu lớn giúp cho Sp của họ dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận và chi trả 1 số tiền lớn để sở hữu nó. Thương hiệu càng lớn thì mức độ chấp nhận càng cao và họ càng tốn ít chi phí marketing, quản lý. Đồng thời có được doanh số bán hàng và do đó tỉ suất lợi nhuận lại càng cao. Điều này giải thích tại sao có thời điểm Apple chiếm đến 90% tổng lợi nhuận của ngành điện thoại toàn cầu và 10% lợi nhuận còn lại dành cho các hãng.

Top 10 thương hiệu hàng đầu thế giới
Top 10 thương hiệu hàng đầu thế giới

Tóm lại, với 3 yếu tố trên, hãng nào làm càng tốt thì lợi nhuận thu được sẽ càng cao. Dẫn đầu là Apple với thương hiệu quá mạnh, cùng với hệ điều hành iOS ưu việt, họ có thể bán ra số lượng khổng lồ các sản phẩm có phần cứng vừa phải với giá cao nhất thị trường mà lại không mất quá nhiều chi phí marketing. Và lợi nhuận của họ là khủng khiếp, có khi lên tới 60% giá bán. Trong khi đó, các nhà sản xuất còn lại, mà lớn nhất là Samsung thì khá vất vả để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Samsung hay các nhà sản xuất chịu lép vế trước Apple. Với những Sp có thiết kế bắt mắt và cấu hình mạnh, bên cạnh những chiến dịch quảng cáo khuếch trương rầm rộ tầm cỡ toàn cầu giúp họ tăng được doanh số Sp cao cấp như S7, S8...và từ đó cải thiện tỉ suất lợi nhuận lên mức gần 20%. Trước đây, con số này với Samsung chỉ là khoảng 5%-10% do doanh số bán thấp, trong khi chi phí marketing lại quá cao.

Như vậy, với những phân tích trên, thì việc nhà sản xuất lấy của bạn bao nhiêu % lợi nhuận với mỗi Sp mà bạn mua không phải là 1 con số cố định. Nó phụ thuộc vào thương hiệu mà bạn chọn, phân khúc giá Sp mà bạn mua, và cấu hình của Sp đó nữa. Bạn chọn 1 Sp của Apple thì phải chấp nhận bị “móc túi” nhiều hơn, có thể lê đến 60%, tuy nhiên mức độ hài lòng của bạn tỷ lệ thuận với mức chi phí đó. Còn nếu bạn mua 1 Sp tầm trung thì mức phí tổn thấp hơn nhưng cảm giác sung sướng khi trải nghiệm Sp đó lại ở mức độ vừa phải. Và một điều nữa, hãng nào đang quảng cáo nhiều nhất thì chắc chắn lợi nhuận mà bạn mang lại cho họ tại thời điểm đó không phải là vấn đề quan trọng nhất với họ. Cái mà họ cần lúc đó là mức độ nhận biết của thị trường với thương hiệu và sản phẩm của họ hơn là lợi nhuận.

 

An Nhiên


Ý kiến bạn đọc