(VnMedia) - Moscow có thể đáp trả việc Mỹ đưa nguyên cả một sư đoàn thiết giáp đến đặt ngay sát biên giới Nga bằng việc tăng cường triển khai các hệ thống tên lửa đình đám Iskander ở khu vực Kaliningrad gần với một số nước thành viên NATO. Đây là dự báo vừa được Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) cũng là cựu Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga – ông Vladimir Shamanov đưa ra khi trả lời câu hỏi của hãng tin Itar Tass.
"Hành động đó tạo ra những điều kiện tiên quyết có thể giúp họ cuối cùng tạo lập một căn cứ vững chắc. Chúng tôi chắc chắn không thể nhắm mắt làm ngơ trước diễn biến như vậy. Chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả”, ông Shamanov cho hay.
Vị quan chức Nga dự đoán việc triển khai thêm các lực lượng quân sự đến các khu vực phía tây của Nga có thể sẽ là đòn đáp trả mà Moscow tung ra.
"Không chỉ binh lực mà cả các thiết bị chiến đấu. Ví dụ như hệ thống các tên lửa Iskander, bao gồm hệ thống ở Kaliningrad, có thể được tăng cường”, ông Shamanov nói thêm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tố cáo Mỹ đã bê nguyên cả một sự đoàn thiết giáp đến triển khai ở Ba Lan, ngay sát Nga. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các quốc gia Baltic đang đi ngược lại với một thỏa thuận then chốt mà Nga và NATO đã ký trước đây. Thỏa thuận mà Moscow nhắc đến ở đây chính là những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.
Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tối tân của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn. Loại vũ khí này bắt đầu được đưa vào biên chế của quân đội Nga từ năm 2006.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Sức mạnh của Iskander đã được kiểm chứng trong cuộc chiến tranh ngắn ngày với Gruzia năm 2008. Khi đó, một tên lửa Iskander đã đánh trúng một tiểu đoàn xe tăng Gruzia ở Gori, phá hủy một lúc 28 xe tăng.
Hồi năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã thông báo kế hoạch triển khai một loạt tổ hợp tên lửa Iskander ở khu vực Kaliningrad nhằm đối phó với mối đe dọa từ hệ thống lá chắn tên lửa mà Mỹ định dựng lên ở một số nước Đông Âu.
Iskander là một trong những bảo bối vũ khí khí mà Nga lên kế hoạch triển khai nhằm đối phó với một NATO đang tiến ngày một sát đến biên giới nước này.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc