(VnMedia) - Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Dmitry Donskoy của Nga vừa trở lại căn cứ thuộc Hạm đội phương Bắc ở Severmorsk. Đó là thông tin vừa được văn phòng báo chí của Hạm đội phương Bắc đưa ra hôm qua (4/9).
“Thủy thủ đoàn của tàu ngầm này đã rời khỏi căn cứ để thực hiện nhiệm vụ hơn 3 tháng. Tại đây, thủy thủ đoàn thực hiện nhiệm vụ diễu binh hải quân nhân Ngày Hải quân ở Kronshtadt và các nhiệm vụ tấp huấn tác chiến khác tại Biển Barents”, Hạm đội phương Bắc cho hay.
Dmitry Donskoy là chiếc tàu ngầm hạt nhân duy nhất thuộc Dự án 941 (Akula) còn hoạt động trong Hải quân Nga. Trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2010, tàu ngầm Dmitry Donskoy đã thực hiện 14 cuộc phóng thử tên lửa Bulava, một nửa trong số này diễn ra thành công.
Ngay từ những ngày đầu ra đời, với sức mạnh và sự đồ sộ của mình, con tàu này đã lập tức được đặt biệt danh là Typhoon, tức là Cuồng phong.Typhoon là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được phát triển bởi hải quân Xô Viết từ những năm 1980. Với kích thước khổng lồ, tàu ngầm Typhoon được mệnh danh là "quái vật nguyên tử" đồ sộ nhất thế giới.
Typhoon được phát triển từ dự án 941, dưới tên gọi Akula - nghĩa tiếng Nga: Cá mập. Dự án này được phát triển nhằm tạo ra những con tàu có khả năng đối kháng với tàu ngầm Ohio của Mỹ (theo nhiều số liệu, những chiếc Ohio này có khả năng mang theo đến 192 đầu đạn hạt nhân).
Tàu ngầm Lớp Typhoon của Nga có thiết kế đa thân, với 5 thân nằm bên trong thân chính Điểm đặc biệt là phần thân chính của tàu được phủ một lớp vật liệu cách âm giúp con tàu này trở nên hoàn toàn "tàng hình" trước sóng radar địch.
Tàu có tất cả 19 khoang bao gồm một khoang module được gia cố chắc chắn chứa phòng điều khiển chính và khoang thiết bị điện tử nằm ở phía trên các thân tàu, phía sau các ống phóng tên lửa.
Khoang điều khiển được thiết kế nằm ngay chính giữa tàu giúp tăng khả năng sống sót của tàu lên rất nhiều. Theo đó, ngay cả trong trường hợp một vài khoang tàu bị phá hủy hay ngập nước, nó vẫn còn khả năng hoạt động.
Thiết kế của tàu còn cho phép nó di chuyển dưới băng và phá băng. Cùng với thiết kế giúp tàu có khả năng phá băng và lặn xuống độ sâu cần thiết, Typhoon có thể hoàn toàn chìm nghỉm dưới lớp băng dày đặc tại các vùng cực. Theo đó, tàu ngầm có thể hoàn toàn "tàng hình" trước mắt các tàu ngầm tấn công cũng như các lực lượng chống tàu ngầm của địch.
Tàu có một bộ phận thăng bằng hiện đại ở phía đuôi tàu được đặt sau các chân vịt. Các hệ thống có thể kéo thụt vào trong thân tàu gồm có hai kính viễn vọng, một cho chỉ huy tàu sử dụng và một để sử dụng chung. Ngoài ra, tàu còn được trang bị kính lục phân tín hiệu radio, các hệ thống thông tin liên lạc radio, radar, các cột anten định vị và dò tìm phương hướng.
Tàu có thể lặn sâu tối đa 400m, tốc độ đạt 12 hải lý khi nổi và 25 hải lý khi lặn. Tàu ngầm có thể hoạt động liên tục 120 ngày dưới biển. Còn trong những trường hợp cấp bách như xảy ra chiến tranh, tàu còn có khả năng hoạt động trong thời gian dài hơn nữa.
Về trang bị hạt nhân, cũng như các tàu ngầm nguyên tử khác, Typhoon được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có khả năng sản xuất được khoảng 190 MW số điện. Mỗi lò phản ứng hạt nhân sẽ được đặt ở thân chính của tàu, cung cấp năng lượng cho các tuabin. Theo nhiều chuyên gia quân sự, lượng điện này đủ để cung cấp cho cả một thành phố cỡ vừa.
Tàu ngầm lớp Typhoon có trọng tải lên tới khoảng 30.000 tấn, dài 200m chiều dài, rộng 23 mét. Với kích thước này, tàu Typhoon được đánh giá là tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới.
Về khí tài, hỏa lực, Typhoon được trang bị các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tàu ngầm này có khả năng mang theo trên khoang tới 20 quả tên lửa đầu đạn hạt nhân với tầm bắn chiến lược lên tới gần 10.000 km. Mỗi tên lửa được triển khai trên tàu ngầm Typhoon có khả năng mang theo mình 10 đầu đạn hạt nhân, với sức nổ ước khoảng 100-150 kiloton, tương đương với khoảng 100-150 nghìn tấn thuốc nổ, tức là gần khoảng 10 lần sức nổ của quả bom nguyên từ thả xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 (13 kiloton).
Tàu ngầm Lớp Typhoon có 4 ống phóng ngư lôi 630mm và 2 ống phóng ngư lôi 533mm. Các khoang chứa ngư lôi nằm ở phần trên mũi tàu giữa các thân tàu. Các ống phóng ngư lôi còn có thể được sử dụng để rải thủy lôi.
Ngoài ra, Typhoon có khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau chỉ với một cái ấn nút. Và với khoảng 150-200 đầu đạn hạt nhân được phóng đi trong một lần khai hỏa, đây thực sự là một cơn ác mộng đối với bất cứ kẻ địch nào
Với sức mạnh này, tàu ngầm Typhoon một khi “ra đòn” có thể san phẳng cả một vùng lạnh thổ rộng lớn, trở thành "cơn ác mộng kinh hoàng" của mọi kẻ thù.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc