(VnMedia) - Máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ vừa thử nghiệm thành công một quả tên lửa chống hạm tầm xa ở Nam California. Đó là thông tin vừa được Hải quân Mỹ đưa ra trong một thông cáo báo chú hồi cuối tuần qua.
Loại tên lửa được phóng thử lần này là tên lửa hành trình tàng hình LRASM. Tên lửa hành trình siêu thanh này sẽ thay thế các tên lửa chống hạm Harpoon đang được sử dụng trong quân đội Mỹ.
“Cuộc thử nghiệm đánh dấu bước tiến quan trọng giúp quân đội Mỹ có thêm khả năng chống hạm hiệu quả vào năm tới”, Đại tá Todd Huber, giám đốc chương trình tên lửa LRASM, cho biết.
Trước đó, hồi tháng 5/2017, máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của quân đội Mỹ cũng thực hiện việc phóng thử tên lửa chống hạm LRASM. Và sự kiện máy bay ném bom B-1B thử thành công loại tên lửa này đã đánh dấu bước ngoặt mới cho nền công nghiệp quân sự của Mỹ.
B-1B Lancer là máy bay ném bom chiến lược của Không lực Mỹ. Loại máy bay này thường được sử dụng trong các nhiệm vụ tuần tiễu hay ném bom thông minh tại Afghanistan.
B-1B được phát triển vào đầu thập kỷ 1980. Máy bay ném bom B-1B có khả năng mang theo 56,7 tấn bom, có tầm chiến đấu hơn 5.500 km, bán kính tuần tiễu gần 12.000 km. Khi phần cánh B-1 Lancer được thu sát vào thân, B-1 Lancer có thể bay linh hoạt với vận tốc đạt tới 2.400 km/h với phiên bản B-1A Lancer hay hơn 1.300 km/h với phiên bản B-1B Lancer. Khi rời mặt đất, cánh của B-1 Lancer được duỗi ngang để tăng khả năng chuyên chở của chiếc máy bay ném bom chiến lược.
Ngoài ra, B-1B có thể bay trên độ cao gần 6 km với khoang bom chứa 35 tấn vũ khí để chờ đợi mệnh lệnh từ các đơn vị mặt đất. Nhờ mang được lượng vũ khí lớn, B-1B trở thành phương tiện không thể thay thế trong các hoạt động chiến sự quy mô lớn.
Mặc dù chi phí vận hành B-1B đắt gấp đôi chi phí vận hành của máy bay ném bom B-52, tuy nhiên, do chỉ cần vài chiếc B-1B là có thể trực chiến cho cả chiến trường Afghanistan (một chiếc B-1B có thể trực chiến trên không liên tục trong 11 giờ) cùng với tốc độ cao nên B-1B vẫn được ưa chuộng hơn.
B-1B Lancer sở hữu khả năng bay linh hoạt cùng tải trọng lớn. Thiết kế cánh có thể thu vào duỗi ra giúp khả năng bay của B-1B Lancer trở nên linh hoạt.
Tuy là máy bay ném bom chiến lược nhưng B-1B Lancer sở hữu thiết kế gần gống với các loại phản lực chiến đấu, giúp nó có thể bay siêu âm mà không loại máy bay ném bom nào đạt được.
Gần đây, Mỹ đã tiến hành nâng cấp 67 máy bay B-1B Lancer này. Theo đó, loạt máy bay này sẽ được thay bảng điều khiển (thay thế màn hình đơn sắc thành màn hình LCD màu), các hệ thống liên lạc, đường truyền dữ liệu giúp máy bay có thể dễ dàng chia sẻ với các máy bay khác và các hệ thống kiểm tra điện tử, giúp người vận hành có thể phát hiện ra lỗi của các bộ phận trong máy bay sớm hơn.
Trong những năm vừa qua, máy bay B-1B cũng được nâng cấp không ít lần. B-1B được mang bộ chỉ điểm mục tiêu phân giải cao “Sniper”. Với thiết bị này, phi công có thể phân biệt được giới tính của người đi dưới dựa vào trang phục khi máy bay đang bay ở độ cao 6,8 km.
Quy trình bảo dưỡng máy bay B-1B cũng được nâng cấp sao cho thời gian phải bảo dưỡng ít nhất mà vẫn đạt hiệu quả nhất, nâng khả năng sẵn sàng chiến đấu của máy bay tăng từ dưới 50% lên tới hơn 60%.
Trong khi đó, Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ cho biết, tên lửa LRASM là tên lửa hành trình không đối hạm có khả năng tấn công nhiều mục tiêu tĩnh cũng như di động.
Đây được đánh giá là loại vũ khí phù hợp với chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nó có thể chứng minh giá trị trong xung đột trên biển, khi kẻ thù tiềm tàng tiếp tục trang bị vũ khí hiện đại cho phương tiện hải quân Mỹ.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc