Giả thuyết cực kỳ bất ngờ về cú đào tẩu ngoạn mục của cựu Thủ tướng Yingluck

13:22, 27/08/2017
|

(VnMedia) - Ngay sau khi thông tin cựu Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra chạy trốn khỏi đất nước được tung ra, người ta bắt đầu tập trung vào câu hỏi: Ai đã giúp bà Yingluck có được cú đào tẩu ngoạn mục như vậy. Và một giả thuyết cực kỳ bất ngờ đã xuất hiện.

Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 25/8 đã chính thức phát lệnh truy nã cựu Thủ tướng Yingluck sau khi bà không xuất hiện tại tòa để nghe phán quyết cuối cùng về trách nhiệm của bà liên quan đến chương trình trợ cấp giá gạo. Theo kế hoạch, bà Yingluck sẽ phải đến tòa trong buổi sáng ngày 25/8 để nghe phán quyết của tòa án – một phán quyết được cho là sẽ gây nhiều sóng gió trên chính trường Thái Lan.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck
Cảnh sát đang tập trung trước nhà của bà Yingluck
Trước nhà của bà Yingluck

Trước đó, các nguồn tin cho biết, bà Yingluck đã có mặt tại ngôi nhà của bà ở thủ đô Bangkok và đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ phán quyết mang tính quyết định đến số phận chính trị của vị cựu lãnh đạo này. Những người ủng hộ bà Yingluck cũng đã có mặt tại thủ đô để sẵn sàng bảo vệ bà trong khi các lực lượng an ninh được huy động dày đặc để bảo vệ Bangkok trong thời khắc căng thẳng sau khi phán quyết được đưa ra. Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi cựu Thủ tướng Yingluck đã không xuất hiện tại tòa.

Rất nhanh sau đó, cả đảng của bà Yingluck và chính phủ Thái Lan đều xác nhận, bà Yingluck đã trốn khỏi đất nước.

Ngay lập tức, câu hỏi được đặt ra là ai đã giúp bà Yingluck thực hiện được một cú đào tẩu ngoạn mục như vậy. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có một giả thuyết gây bất ngờ. Giả thuyết đó cho rằng, chính chính phủ quân sự đã mở đường cho bà Yingluck chạy trốn trước khi phán quyết được đưa ra.  

Phân tích tình hình bà Yingluck để lại sau cú đào tẩu ra nước ngoài có thể thấy rõ, lực lượng được lợi nhất chính là giới tướng lĩnh quân sự của Thái Lan – lực lượng đang cầm quyền hiện nay. Nếu bà Yingluck ở lại và chấp nhận án phạt tù, bà sẽ trở thành người hùng và trở thành ngôi sao trong mắt những người ủng hộ bà. Cựu Thủ tướng Thái Lan có thể trở thành phiên bản thứ hai của bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi từng bị giam giữ rất lâu trước khi trở thành ngôi sao sáng trên chính trường Myanmar vào thời điểm này. Và việc chính quyền Thái Lan đưa ra án phạt tù đối với bà Yingluck chắc chắn sẽ gây ra một làn sóng phẫn nộ, giận dữ trong những người áo đỏ - lực lượng chiếm đông đảo ở đất nước Thái Lan. Cơn giận này có thể kéo theo làn sóng biểu tình rầm rộ và đẩy chính trường Thái Lan tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn kéo dài hơn một thập kỷ qua.

Với việc bà Yingluck chạy trốn khỏi đất nước ngay trước thềm phán quyết của tòa án, cựu Thủ tướng Thái Lan đã chấp nhận không trở thành “người tử vì đạo” và như vậy, điều này có thể đồng nghĩa với việc gia đình Shinawatra đã chấp nhận rút lui khỏi chính trường, để phong trào dân túy từng nổi tiếng một thời của họ rơi vào tình trạng tuyệt vọng, không có thủ lĩnh đủ sức ảnh hưởng và uy tín để dẫn dắt

Trong khi đó, chính quyền quân sự Thái Lan rõ ràng thoát được khỏi thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ không những không phải đối mặt với cơn giận dữ của lực lượng áo đỏ mà còn không tiếp tục phải theo đuổi cuộc đấu với gia đình đầy ảnh hưởng Shinawatra.

Ngoài phân tích ở trên, nhiều người còn tỏ ý hoài nghi về việc làm sao bà Yingluck lại có thể dễ dàng trốn thoát như vậy trong bối cảnh mọi thứ ở Thái Lan vào thời điểm này dường như đều tập trung vào bà và giới chức quân sự đã củng cố an ninh ở mức cao nhất trước thềm phán quyết được đưa ra.

Một chính khách hàng đầu của phe áo đỏ Thái Lan – ông Thanawut Wichaidit cũng thừa nhận: “Bà ấy được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền. Bà ấy sẽ không thể trốn khỏi đất nước mà không có sự giúp đỡ”.

Không có bằng chứng cho thấy chính quyền quân sự Thái Lan biết bà Yingluck có thể trốn ra nước ngoài.

Và cũng phải nhìn nhận một thực tế là gia đình Shinawatra rất có ảnh hưởng ở đất nước Thái Lan với lực lượng ủng hộ đông đảo hàng đầu. Vì thế, khả năng bà Yingluck được những người của mình giúp chạy trốn là rất cao.

Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài đã hơn 10 năm. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này cũng như các đồng minh của ông, bao gồm cả bà Yingluck.

Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan. Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ. Tuy nhiên, mỗi lần một chính phủ thân Thaksin lên cầm quyền thì sớm muộn đều bị lực lượng áo vàng lật đổ bằng cách này hay cách khác. Chính phủ của bà Yingluck cũng chịu chung số phận tương tự.

Bà Yingluck được cho là đã chạy trốn sang Dubai cùng với anh trai Thaksin của mình. Ông Thaksin cũng phải đi sống lưu vong ở nước ngoài để trốn tránh án tù vì cáo buộc tham nhũng – một án tù mà ông Thaksin tin là được đưa ra vì động cơ chính trị. Sự rút lui của gia đình Shinawatra có thể sẽ giúp tháo đi "ngòi nổ" tồn tại dai dẳng trên chính trường Thái Lan trong suốt nhiều năm qua.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc