(VnMedia) - Xe tăng Armata và chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 – Su-57 là hai trong số những thành tựu công nghệ vũ khí mới nhất của Nga gây sốt trong cuộc triển lãm quân sự đặc biệt vừa bế mạc ngày hôm qua (27/8).
Diễn đàn Quân sự-Kỹ thuật Quốc tế Army-2017 lần thứ ba đã được khai mạc hồi đầu tuần trước ở Khu Huấn luyện Quân sự Alabino, Sân bay Kubinka và Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Patriot ở khu vực Moscow. Triển lãm quân sự này đã chính thức bế mạc ngày hôm qua (27/8).
Sự kiện đã thu hút đại diện đến từ 114 quốc gia, đặc biệt có 65 phái đoàn quân sự chính thức với 35 trong số này được dẫn đầu bởi các quan chức quân sự cấp cao. 20 phái đoàn quân sự do đích thân Bộ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.
Có hơn 500.000 người đã đến tham dự triển lãm Army-2017 từ ngày 22 đến 27/8. Hơn 429.500 trong số này đến khu vưc Patriot để chiêm ngưỡng các vũ khí của Nga.
Diễn đàn kéo dài 5 ngày bao gồm một chương trình khoa học và kinh doanh cùng một cuộc triển lãm phô bày những thành tự quân sự công nghệ cao của Nga cũng như chiến lợi phẩm mà Nga thu được từ chiến trường Syria. Tuy nhiên, mục đích then chốt hàng đầu của diễn đàn quân sự lần này là để trình làng những thành tựu mới nhất trong công nghiệp quốc phòng của Nga.
Các khách tham quan đặc biệt quan tâm và chú ý đến những vũ khí tối tân hàng đầu của Nga như xe tăng Armata, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm PAK FA vừa được định danh là Su-57 hay các hệ thống tên lửa chống tăng Kornet, Khrizantema; các chiến đấu cơ Su-35 và Su-34....
Trong khuôn khổ triển lãm, Nga cũng đã giới thiệu hệ thống phòng không hàng đầu Pantsir-S và S-400 Triumf.
Nhiều hợp đồng mua bán vũ khí đã được ký kết, có thể kể đến hợp đồng bán hai hệ thống phòng không Pantsir-S1 cho Guinea; hợp đồng xuất khẩu hai trực thăng Mi-17Sh cho Burkina Faso… Bộ Quốc phòng Nga cũng ký 23 hợp đồng khác và 3 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 170 tỉ rúp (tương đương 2,9 tỉ USD).
Một số nước bày tỏ mong muốn mua vũ khí của Nga trong tương lai như Serbia, Nigeria, Philippines….
Những vũ khí Nga được người xem đặc biệt quan tâm:
T-14 lần đầu tiên ra mắt công chúng là vào ngày 29/4/2015 trong buổi diễn tập cho lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moscow. Tuy nhiên, khi đó, tháp pháo của nó bị che lại. Chiếc siêu xe tăng này chỉ được trình làng chính thức vào ngày 9/5/2015 trong lễ mừng Ngày Chiến thắng.
Armata là loại xe tăng tác chiến chủ lực mới mang đặc tính kỹ-chiến thuật ưu việt như hệ thống tự động lên đạn, biên chế kíp lái và đầu đạn tác chiến mới. Đặc điểm chính của xe tăng mới là tháp pháo được điều khiển từ xa với kíp lái gồm 3 thành viên được bố trí ngồi ở một khoang bọc thép riêng biệt ở phía trước của thân xe tăng, tách khỏi khoang động cơ và khoang đạn. Khoang này được thiết kế để chịu đựng được những đòn hỏa lực trực diện của kẻ thù. Theo nhà sản xuất xe tăng Armata, hệ thống bảo vệ hiện đại giúp tăng độ an toàn cho kíp lái, đồng thời tăng hiệu quả bắn phá và có được sự linh hoạt trong khi chiến đấu.
Những đặc tính công nghệ và kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế của xe tăng Armata khiến nó trở thành thứ vũ khí “độc cô cầu bại” so với vũ khí cùng loại của phương Tây, tờ AP đã nhận định như vậy.
Không chỉ có khả năng tự động lên đạn, xe tăng Armata còn có thể sử dụng đồng thời 32 loại đầu đạn tác chiến khác nhau và có thể tấn công đối phương ngay cả khi xe đang cơ động. Xe tăng T-14 được trang bị súng đại bác nòng trơn với cỡ nòng 125mm. Loại vũ khí này có thể bắn những loại đạn dược có hỏa lực cao, trong đó có loại đạn xuyên bọc thép, tên lửa dẫn đường, các loại đạn hình thù khác nhau và nhiều loại đạn khác.
Người ta dự đoán, xe tăng Armata còn có thể sử dụng loại súng đại bác cỡ nòng 152. Nếu điều này là đúng thì đây là loại xe tăng được trang bị súng đại bác mạnh nhất từ trước đến nay trong số các loại xe tăng chiến đấu. T-14 còn được trang bị súng cỡ nòng nhỏ 30mm để bắn hạ những mục tiêu trên không bay ở độ cao thấp, trong đó có máy bay và trực thăng. Để bảo vệ mình trước các tên lửa chống tăng, T-14 sẽ có một súng máy hạng nặng được đặt trên tháp pháo với cỡ nòng là 12,5mm.
Xe tăng Armata được kỳ vọng sẽ trở thành xe tăng tiêu chuẩn trong quân đội Nga trong tương lai. Hiện tại, Nga đang xúc tiến một kế hoạch trang bị vũ khí quy mô lớn cho quân đội và kế hoạch này được cho là sẽ hoàn tất vào năm 2020. Được biết, nếu như được thử nghiệm thành công và mọi chuyện diễn biến theo kế hoạch thì đến năm 2020, Lục quân sẽ nhận được 2.300 chiếc loại này.
Tạp chí Stern của Đức từng ca ngợi siêu xe tăng T-14 Armata là một ví dụ điển hình cho thấy tốc độ hiện đại hóa quân đội vượt bậc của quân đội Nga chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tạp chí của Đức tin rằng, phương Tây chắc chắn phải thán phục trước xe tăng T-14 bởi nó là loại vũ khí được thiết kết và phát triển hoàn toàn mới, dựa trên sự kết hợp các nền tảng công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến nhất của Nga hiện nay.
Nga vừa định danh tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 là Su-57. Siêu chiến đấu cơ tàng hình này của Nga đạt tốc độ tối đa là 1.516MPH (tương đương 2.440km/giờ) với tầm chiến đấu đáng kinh ngạc trong phạm vi lên tới 3.418 dặm (gần 5000km) và khả năng hoạt động linh hoạt cùng với những đặc tính chiến đấu cao. Tất cả những đặc điểm đó của T-50 đã khiến hầu hết các chuyên gia quốc phòng nghĩ rằng, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm của Nga tốt hơn đối thủ F-22 Raptor của Mỹ. F-22 lâu nay vẫn giữ danh hiệu là chiếc chiến đấu cơ đáng sợ nhất trên bầu trời.
T-50 được giới chuyên gia quốc phòng đánh giá là “đã đạt đến thời điểm có khả năng sẵn sàng chiến đấu và có thể được đưa vào sản xuất hàng loạt để phục vụ cho Không lực Nga”.
T-50 còn được biết đến với cái tên theo dự án là PAK-FA. Siêu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này lần đầu tiên cất cánh hồi tháng 1 năm 2010 và lần đầu tiên được trình làng công khai tại Triển lãm hàng không MAKS-2011 hồi tháng 8 năm 2011 ở thủ đô Moscow.
Chiến đấu cơ T-50 là sản phẩm của tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu lừng danh Sukhoi. Nó được ví là báu vật trong những thứ đỉnh cao của ngành hàng không quân sự Nga. Siêu chiến đấu cơ Sukhoi T-50 được cho là sẽ sở hữu nhiều đặc điểm ưu việt như khả năng tàng hình cao, di chuyển với tốc độ siêu thanh, có hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cất cánh từ đường băng ngắn chỉ cần 300-400 mét, và có thể thực hiện đồng thời các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu trên không và dưới mặt đất.
Su-34 được đánh giá là một trong những chiếc máy bay tiêm kích đánh bom hàng đầu thế giới hiện nay. Loại chiến đấu cơ này được thiết kế để thay thế cho máy bay cường kích Su-24. Nhiệm vụ chính của Su-34 là tấn công mặt đất song nó vẫn sở hữu khả năng không chiến vượt trội.
Su-34 là thế hệ máy bay 4+ của Nga có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Máy bay Su-34 có khả năng đạt tốc độ tối đa lên đến 2.000 km/h, bán kính chiến đấu là 1.100 km, được trang bị 12 điểm treo vũ khí với tổng khối lượng vũ khí lên đến 8 tấn. Với khả năng mang được khối lượng vũ khí lớn như vậy, Su-34 được giới quân sự Nga đặt cho biệt danh là “Xe tăng bay” bởi sức mạnh hỏa lực ghê gớm của chiến đấu cơ này.
Su-34 được trang bị các loại vũ khí chính xác cao, tấn công đa dạng các mục tiêu trên không, mặt đất, trên biển. Su-34 còn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Đây là loại máy bay chiến đấu đầu tiên của của Nga được trang bị radar với tầm phát hiện mục tiêu là 250 km, radar này có khả năng lập bản đồ mặt đất ở cự ly 150 km.
Chiến đấu cơ Su-34 được trang bị tên lửa tầm ngắn R-73 và các tên lửa radar dẫn đường không đối không R-77. Thêm vào đó, chiến đầu cơ này còn có khả năng mang theo các loại tên lửa đất đối không khác, trong đó có tên lửa Kh-59ME, Kh-31A, Kh-31P, Kh-29T, Kh-29L và S-25LD. Loạt tên lửa này có thể tấn công cả mục tiêu mặt đất lẫn mục tiêu trên biển. Chưa hết, Su-34 còn được trang bị radar Leninets B-004 với khả năng lùng sục các mục tiêu cách nó khoảng 200 km.
Su-35 là một phiên bản hiện đại hóa rất sâu của loại chiến đấu cơ Su-27M – máy bay chiến đấu chủ lực hiện nay của Không quân Nga. Máy bay chiến đấu ưu việt Su-35 hoạt động bằng hai động cơ phản lực 117S có véc-tơ điều khiển cung cấp lực đẩy. Su-35 sở hữu khả năng tấn công hiệu quả vượt trội hơn so với rất nhiều loại chiến đấu cơ tối tân khác cùng loại của phương Tây khi có thể tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu trên không bằng việc sử dụng cả các tên lửa và hệ thống vũ khí có điều khiển và không điều khiển. Cụ thể, máy bay tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ có thể cùng một lúc theo dõi 30 mục tiêu, phát hiện mục tiêu ở cách xa 400km và tấn công đồng thời 8 mục tiêu trên không, hoặc cùng một lúc theo dõi 4 mục tiêu và tấn công 2 mục tiêu trên mặt đất.
Máy bay chiến đấu Su-35 được trang bị một khẩu pháo 30mm với 150 viên đạn, và có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 12 giá treo bên ngoài. Loại máy bay chiến đấu tối tân này có thể bay 6.000 giờ với thời gian sử dụng khoảng 30 năm.
Kornet là hệ thống tên lửa đa dụng, chính xác cao, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, dùng để chống mục tiêu mặt đất và trên không. Đáng chú ý là tên lửa chống tăng Kornet ngoài khả năng tiêu diệt các loại xe tăng còn có thể tấn công các mục tiêu mặt nước và mục tiêu bay như máy bay không người lái, trực thăng, máy bay cường kích tầm thấp.
Tên lửa Khrizantema là hệ thống được thiết kế để đối phó với xe tăng và xe bọc thép của kẻ thù. Chúng cũng mang các tên lửa dẫn hướng có khả năng tấn công máy bay đang bay ở tầm thấp.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc