Hang Háng La ở xã Nậm Khắt (Yên Bái) có nhiều thạch nhũ đẹp, rộng và rất sâu nhưng chưa được khám phá hết
Hang Háng La cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 40 km. Để đi đến hang, du khách phải đi qua một đoạn 3 km đường đất ở bản Làng Sang (Nậm Khắt). Vào ngày mưa, con đường trở nên trơn trượt khiến việc vào hang trở nên bất khả thi. |
Do con đường ngoằn ngoèo khó đi, độ dốc đôi khi lên tới 30%, chỉ một số người dân sống gần đó biết đến sự tồn tại của hang đá này. Nhiều người ở thị trấn, hay tại trung tâm xã cũng không biết đến. |
Hang Háng La nằm trên một ngọn núi cạnh xã Ngọc Chiến của tỉnh Sơn La. Ngay khi đến cửa, bạn sẽ cảm thấy một làn gió mát khoan khoái, dễ chịu. |
Bên trong có nhiều nhũ đá nối liền sàn và trần hang với nhiều hình thù kỳ lạ. |
Đó là kết quả của quá trình nhỏ giọt của nước mang theo cặn đá vôi. Mỗi năm, trụ đá chỉ có thể dài thêm 1 mm. Bởi vậy, để có những cột đá cao hàng mét thế này, thiên nhiên đã phải tốn đến hàng nghìn năm. |
Trong lòng hang có đường đi rất phức tạp, nhiều khi lên xuống bất thường nên việc khám phá rất khó khăn. Anh Lê Xuân Dũng, một cán bộ huyện Mù Cang Chải, cho biết từng dành cả ngày để khám phá nhưng cũng không đi hết. |
Hang Háng La bắt đầu được thi công cải tạo đường đi, lắp đèn chiếu sáng để khai thác du lịch trong thời gian tới. Còn hiện tại, nếu muốn khám phá, bạn cần đi theo đoàn, mang nhiều đèn để chiếu sáng và hỗ trợ nhau khi cần thiết. |
Trên đường đến hang Háng La, bạn sẽ đi qua những thửa ruộng bậc thang trùng điệp của người Mông ở bản Làng Sang, xã Nậm Khắt. |
Bạn phải đi bộ nhiều trên con đường cheo leo. Bù lại, bạn có góc nhìn hoàn hảo để ngắm nhìn thung lũng ruộng bậc thang của người Thái ở xã Ngọc Chiến. |
Không phải mùa nước đổ hay mùa vàng quen thuộc, nếu đi vào tháng 7, bạn sẽ được chứng kiến những thửa ruộng bậc thang với màu xanh ngút tầm mắt. |
Người Mông ở đây khá thân thiện và hiếu khách. Bạn có thể xin vào nhà và tìm hiểu phong tục tập quán. |
Những cậu bé hiếu động, thường xuyên vẫy chào mỗi khi có xe máy đi qua hay hiếu kỳ khi nhìn thấy mình trong ống kính máy ảnh. |
Những con lợn “đeo gông” kiếm ăn hai bên đường tạo nên nét thú vị khiến bạn phải ồ à hay ngoảnh đầu nhìn lại. |
Đến Nậm Khắt, bạn có thể ở lại các nhà nghỉ tại ngã ba Kim. Hoăc bạn vào ở homestay được xây dựng theo phong cách của người dân tộc tại trung tâm xã. |
Theo Tri thức trực tuyến
Ý kiến bạn đọc