(VnMedia) - Hệ thống phóng tên lửa THAAD của Mỹ không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc.
Đó là nhận định vừa được cựu trợ lý của Ngoại trưởng Mỹ – ông Frank Rose đưa ra tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
“THAAD là hệ thống phóng tên lửa tầm xa giai đoạn cuối có khả năng phòng thủ tên lửa nhưng không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc”, ông Rose hôm qua (10/5) nhận định.
Cả Nga và Trung Quốc đều quan ngại về việc Mỹ triển khai hệ thống phóng tên lửa THAAD gồm cả radar tối tân tới Hàn Quốc.
Trước đó, hôm 9/5, Trung Quốc tuyên bố, lực lượng tên lửa của họ vừa tiến hành một vụ thử tên lửa dẫn đường ở bán đảo Triều Tiên. Động thái này được cho là đòn đáp trả đầu tiên của Trung Quốc đối với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên đất Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, vụ thử diễn ra ở ngoài khơi bờ biển đông bắc của Trung Quốc. Vụ phóng tên lửa này được tiến hành nhằm “nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng vũ trang cũng như năng lực đáp trả một cách hiệu quả trước các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cho biết cụ thể vụ thử diễn ra vào thời điểm nào, chỉ nói là “trong những ngày gần đây”. Cơ quan này cũng không cung cấp thông tin về loại tên lửa được thử cũng như địa điểm nó được bắn đi từ đâu.
|
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Mỗi khẩu đội THAAD của Mỹ bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và hai trung tâm hoạt động chiến thuật TOC ("Trái tim" của mỗi trung tâm là hệ thống xử lý dữ liệu Hewlett-Packard HP-735).
AN/TPY-2 là một radar mạng pha hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000 km.
Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). Nó cũng có thể tiếp nhận thông số về mục tiêu từ các hệ thống radar phòng thủ tên lửa đạn đạo khác. Sau đó, hệ thống dữ liệu chiến đấu sẽ tính toán các thông số về mục tiêu và kích hoạt tên lửa đánh chặn.
THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200 km, tầm cao 25 km.
Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu. Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường.
Điểm độc đáo của tên lửa là sau khi phóng ra khỏi ống phóng, nó sẽ thực hiện một màn xoắn ốc trước khi lao đến mục tiêu. Có thông tin cho rằng, tên lửa bay xoắn ốc là để tìm kiếm mục tiêu, nhưng thực tế thì quá trình xoắn ốc để thu động năng cho vụ va chạm với mục tiêu ở tốc độ cao.
THAAD đã trải qua rất nhiều lần thử nghiệm cả thành công và thất bại. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung tối tân nhất thế giới hiện nay.
Trong khi đó, GMD là hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ. GMD được thiết kế nhằm bảo vệ nước Mỹ trước những tên lửa đạn đạo tầm xa từ những nước như Triều Tiên và Iran.
Hệ thống đánh chặn tên lửa GMD có căn cứ trên mặt đất là hệ thống bệ phóng tên lửa cố định, các tên lửa phòng không có nhiệm vụ đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Thành phần cơ bản và ưu việt nhất của tổ hợp GMD trên đất liền là các radars tiền tiêu cố định hoặc cơ động trên biển.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc