'Ông trùm' Phan Quân và 'cậu ấm' Phan Hải: 14 năm sát cánh mới được một lần làm bố con

06:01, 08/05/2017
|

Đã lâu lắm rồi, khán giả mới được chứng kiến một cơn sốt phim hình sự trên màn ảnh nhỏ như Người phán xử. Trong đó, nhân vật khiến khán giả ấn tượng nhiều nhất, không ai khác chính là hai bố con người đứng đầu Phan Thị: “ông trùm” Phan Quân đạo mạo, nghiêm cẩn và “cậu ấm” Phan Hải ngang ngược, ngông cuồng.

Dù đảm nhận vai cha con nhưng trong phim, hai nhân vật này chẳng có được mấy cảnh thân mật, yêu thương, tính cách cũng hoàn toàn đối lập. Nhưng ít ai biết, ở ngoài đời, hai diễn viên NSND Hoàng Dũng và Việt Anh lại có khán nhiều duyên nợ, điểm tương đồng đặc biệt.

Hẹn gặp NSND Hoàng Dũng và diễn viên Việt Anh vào một buổi tối cuối tuần, dù khá bận rộn với công việc nhưng cả hai vẫn dành thời gian trải lòng cùng Saostar.vn. Trong suốt buổi trò chuyện, hai “bố con” ông trùm không giấu nổi niềm vui khi biết phim Người phán xử đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. 

 

Đã lâu lắm rồi, khán giả mới lại thấy NSND Hoàng Dũng xuất hiện trên màn ảnh. Giải thích vì sự “vắng mặt” này, nghệ sĩ gạo cội cho biết trước khi về hưu, ông khá bận rộn với cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch. Ngoài công tác quản lý, ông còn dành nhiều thời gian, tâm huyết trong việc đào tạo lớp diễn viên trẻ, điều này khiến quỹ thời gian của NSND Hoàng Dũng không còn nhiều. Hơn nữa, ở độ tuổi này ông khó tìm được một vai diễn thực sự ưng ý. Cho đến khi nhận được lời mời đảm nhận vai ông trùm Phan Quân, NSND Hoàng Dũng mới gật đầu. Vai diễn, mạch phim đã hoàn toàn hấp dẫn được ông.

Những tháng ngày quay phim là chuỗi thời gian mệt mỏi, khó khăn vất vả nhưng cũng đầy vất vả của người giám đốc Nhà hát Kịch. Bối cảnh phim ở tận Đồng Mô, Ba Vì, cách nhà đến 50-60km nhưng ông vẫn tự lái xe đi đi về về. Khi đó còn đang làm công tác quản lý nên nhiều khi quay xong phim về đến Hà Nội là 9 - 10 giờ tối, NSND Hoàng Dũng lại phải đến cơ quan làm việc, ký tá các giấy tờ, chứng từ, quyết định. Sau 12 đêm ông mới về nhà, không ăn không uống chỉ muốn đi ngủ. Rồi sáng hôm sau guồng quay đó lại tiếp tục. 

Với người diễn viên ở lứa tuổi như ông, điều khó khăn không phải thể hiện tâm trạng nhân vật ra sao, mà là người diễn viên “gài gắm” nhân vật như thế nào. Chỉ cần định hình nhân vật chính xác, hướng con người ấy đi đến đâu, thì tự khắc diễn xuất sẽ chân thực. Ví dụ như khi cầm trên tay kịch bản Người phán xử, NSND Hoàng Dũng đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu xem một ông trùm được cả thế giới giang hồ công nhận thì phải là người như thế nào, sự quyết đoán, mưu trí, thâm hiểm và đôi khi nguyên tắc cư xử cần thể hiện làm sao cho thuyết phục. 

 Gặp NSND Hoàng Dũng mới thấy, ở bên ngoài ông trẻ hơn nhiều so với độ tuổi thật, trẻ hơn rất nhiều nhân vật Phan Quân trên phim. Giải thích về điều này, ông cười xòa cho biết: “Lên phim, tôi còn phải làm cho tóc bạc đi, da thêm nếp nhăn để hình thức trông già dặn hơn. Ngoài ra, Phan Quân là người điềm tĩnh, rắn giỏi nên tôi cũng mất nhiều tháng tìm tòi nghiên cứu, để mình trầm ngâm chững chạc hơn 1 chút”.

Nhận xét về con người mình ngoài đời so với trong phim, NSND cho biết ông có nhiều điểm giống Phan Quân, ví dụ như sự quyết đoán, nguyên tắc và rất “cứng” trong cách dạy con.

“Sau khi phim lên sóng, các bạn sinh viên gặp tôi trên bục giảng cũng hỏi nhiều về Phan Quân. Nhưng dường như các em không thắc mắc nhiều lắm, chắc do tiếp xúc hàng ngày, bị tôi trừng mắt, ăn mắng nhiều rồi nên thấy cũng quen thuộc (cười lớn). Có nhiều bạn hỏi tôi: “Trong phim cháu thấy chú ác lắm nhưng sao ở ngoài chú hiền thế? Chú ác hay chú hiền?”. Tôi vẫn nói vui “Ngoài đời chú ác hơn nhiều lần”.

Đi dạy, lúc nào tôi cũng mắng sinh viên. Nếu nói 100 câu thì đến 92 câu mắng, chỉ 8 câu khen. Song, đôi khi phải thế thì các em mới tiến bộ độ. Trò phải hiểu được là tôi muốn các em tốt, chứ không có ghét bỏ ai hết. Tôi tự cảm thấy mình sống tương đối tình cảm nhưng lại nghiêm khắc”. 

NSND Hoàng Dũng và các học trò tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Hiện NSND Hoàng Dũng đã về hưu, không còn làm công tác quản lý nên cuộc sống của ông khá nhẹ nhàng. Ông dành nhiều thời gian cho gia đình và việc đào tạo các diễn viên trẻ. Hai người con của nam diễn viên gạo cội sinh năm 1988 và 1999, mỗi người một tính nết, nhưng NSND biết ông luôn là điểm tựa vững vàng về tình cảm, cách sống cho các con. Cậu cả dù đã lấy vợ rồi, nhưng nhiều khi cả hai anh em vẫn lẻn vào phòng ngủ, ôm rồi gác chân lên người bố. “Khi chúng nó ôm một cái là tôi biết phía sau đó là gì rồi. Thường thường khi các con làm vậy là tôi sẽ thiệt hại rất nhiều thứ”.

Dù nghiêm khắc với hai con trai nhưng NSND Hoàng Dũng lại rất nhẹ nhàng, thường xuyên “bênh vực” con dâu. “Tôi muốn con dâu coi mình là bố thì mình phải coi là con gái mình. Đôi khi bạn yêu họ nhưng chưa chắc họ yêu lại bạn chứ đừng nói đến việc bạn không yêu họ”, ông trải lòng. Về điều này, nam  diễn viên gạo cội hóm hỉnh chia sẻ ông thấy mình rất giống ông trùm Phan Quân. 

Nói về Việt Anh, chắc chẳng mấy khán giả yêu phim truyền hình Việt còn xa lạ với nam diễn viên này. Nổi tiếng từ vai chàng công tử Cao Thanh Lâm trong series Chạy án, anh đã có được vai diễn “để đời” khi tuổi đời còn quá trẻ, mới chỉ vừa chập chững bước chân vào nghiệp diễn. Không thể phủ nhận Cao Thanh Lâm là màn bứt phá ngoạn mục của Việt Anh, từ một gương mặt mới toanh trên màn ảnh trở thành cái tên được người người nhà nhà biết đến.

Và có lẽ cũng vì “cái bóng” này mà trong suốt thời gian dài, Việt Anh được xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh với dạng vai “công tử ăn chơi” đào hoa. Với một người nghệ sĩ, việc được nhớ đến với một diễn điển hình vừa là niềm hãnh diện cũng là áp lực quá lớn. Chính sự thành công quá lớn ấy đã khiến anh gặp không ít mệt mỏi và áp lực khi dù có tham gia bộ phim nào thì cũng đều bị khán giả so sánh với hình ảnh Cao Thanh Lâm của 10 năm về trước.

Suốt 10 năm sau đó, Việt Anh mải miết lăn xả trong nhiều dạng vai, nhưng dường như gương mặt đẹp pha chút lãng tử phong trần khiến anh đặc biệt hợp với những vai công tử đào hoa. Chỉ cho đến khi được lựa chọn vào vai thiếu gia Phan Hải trong dự án phim dài hơi Người phán xử, anh mới dần dần thoát khỏi “cái bóng” suốt một thập kỷ của Cao Thanh Lâm. 

Ngay sau khi những tập phim đầu tiên lên sóng, Việt Anh cũng như đoàn phim không ngờ Người phán xử lại tạo được hiệu ứng đa chiều. Ngoài những lời khen thì cũng có không ý kiến chê phim bạo lực rồi cả một làn sóng phản đối nhân vật Phan Hải của Việt Anh đóng như: “Tại sao lại có người đầu đất, phổi bò như vậy?” hay “Xem Phan Hải xong thấy khó chịu, ghét thế nhỉ?”.

Không chỉ riêng khán giả mà nam diễn viên vẫn thường nói vui với các đạo diễn: “Phan Hải là vai diễn ngu nhất tôi từng làm! Anh ta quá bốc đồng, nóng tính, thiếu suy nghĩ! Tại sao lại có người ngu và dốt như thế!”. Sự thiếu hiểu biết của nhân vật lại là điểm thú vị, hấp dẫn cho phim.

Thành công với vai Phan Hải là vậy nhưng ít ai biết, Việt Anh từng thẳng thắn từ chối khi nhận được lời mời của đạo diễn Khải Anh và Mai Hiền. Vì anh không muốn bị lặp lại hình ảnh ở những vai diễn cũ kĩ đã làm, bị đóng khung vào cái chất quen thuộc.

Nhưng sau khi đọc xong kịch bản, anh đã vui vẻ nhận lời! “Có thể khác biệt ở kịch bản là chuyển thể từ nước ngoài nhưng điểm ấn tượng nhất chính là cách xây dựng nhân vật, cách kể chuyện rất cuốn hút, ấn tượng. “À nhân vật mình không giống các vai trước đây mình từng làm”…”.

Vốn là người kỹ tính, luôn chăm chút cẩn thận cho mỗi vai diễn, Việt Anh có thói quen đọc kịch bản trước 2 tháng để có thời gian nghiên cứu kỹ nhân vật.

“2 tháng đó đủ để tôi hình dung và xây dựng nhân vật trong đầu cho mình. “À khi gặp nhân vật đó, cậu ta phải là người như thế nào, thói quen thường xuyên ra sao, ngoại hình có phù hợp với tính cách đó hay không?”. Với những gì mọi người đã xem thì tôi nghĩ mọi thứ đã ăn nhập với nhau…”.

Theo Việt Anh, ở nhân vật Phan Hải chỉ có 1 điểm tương đồng duy nhất giống là sự hết mình với anh em, bạn bè, chiến hữu!

“Có nhiều người nghĩ Phan Hải là người đầu đất, nóng tính… nhưng nhân vật đó có nét hồn nhiên, đáng yêu. Bạn thử nghĩ xem, trong phim ai cũng tính toán, thâm sâu… nhưng riêng Phan Hải không bao giờ thấy mưu mẹo. Anh ta rất khái tính, thẳng tính, trực tính. Đó cũng là 1 tính cách tốt. Do hoàn cảnh, suy nghĩ nên dẫn anh ta đi sai đường, nếu đi đúng hướng sẽ là nhân vật khác.”.

Dù đôi chỗ chưa hài lòng, cần phải làm lại cho tốt hơn nhưng anh vẫn thấy sung sướng khi khán giả thích thú việc mọi người chấp nhận hình ảnh Việt Anh trong Phan Hải. Dường như ngoài Việt Anh không ai có thể diễn tốt Phan Hải sinh động đến thế.

Chia sẻ về chuyện vào vai bố con rất”ngọt”, Việt Anh tin rằng đó là do anh và NSND Hoàng Dũng có mối lương duyên đặc biệt.

NSND Hoàng Dũng là người thầy chủ nhiệm đầu tiên của Việt Anh tại lớp đào tạo diễn viên truyền hình, khi đó anh chập chững bước chân vào con đường diễn xuất. Ông như người cha thứ hai của Việt Anh, không chỉ hướng dẫn chuyên môn mà còn chỉ dạy anh rất nhiều vấn đề trong cuộc sống!

14 năm sát cánh với nhau nhưng đến bây giờ Việt Anh mới có cơ hội đóng chung với NSND Hoàng Dũng, đặc biệt cả hai lại là vai bố con. 

 NSND Hoàng Dũng nói vui, hiếm có bộ phim nào mà hai bố con lại chẳng có đoạn nào âu yếm như Phan Quân - Phan Hải trong Người phán xử. Cả hai cứ gặp nhau là chửi mắng, quát tháo, dạy dỗ. “Song quan trọng vô cùng, mắng nhưng khán giả phải thấy được động cơ mắng, vì sao tôi mắng… Tôi yêu và tôi quý nó, tôi muốn cho con mình tốt lên. Sao nó lại ngu thế… Tôi mắng đây là sự xót xa, tôi muốn dạy nó, khao khát muốn nó tốt lên, tử tế lên phải thể hiện rất rõ”.

Chia sẻ về cậu “con trai”, NSND Hoàng Dũng rất ấn tượng với việc Việt Anh ra trường quay chẳng bảo giờ mang kịch bản theo người. Trong khi mọi người đều tận dụng tối đa thời gian ôn lại thoại thì anh chàng này chỉ đi chơi, gặp ai cũng trêu đùa chọc ghẹo, nghịch như quỷ. Nhưng khi đạo diễn vừa hô “Diễn”, anh như thoát khỏi “xác” Việt Anh để trở thành Phan Hải. Từng câu từng chữ, cách lên xuống giọng, cách quắc mắt chau mày… tất cả đều rõ ràng, mạch lạc. “Tôi thích tính cách này của cậu ấy, chơi ra chơi, làm ra làm, cái gì cũng đều dứt khoát”.

Tôi chia tay hai người nghệ sĩ đáng mến khi thành phố đã lên đèn. NSND Hoàng Dũng cho biết, ông thường dành thời gian trong ngày cho gia đình, công việc, chỉ đến sau 12 giờ đêm, lúc tĩnh tâm nhất ông mới dành để nghiền ngẫm về các vai diễn mới. Nghề diễn nhiều vinh quang nhưng cũng lắm đắng cay, bạc bẽo. Mình yêu nghề những nghề chưa chắc đã yêu mình, nếu chỉ có tình yêu và đam mê không là chưa đủ, chưa bao giờ đủ, nếu không đi đôi với sự khổ luyện, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Cả ba thứ này, NSND Hoàng Dũng và Việt Anh đều đã phải đổ ra trên phim trường.

Đến nay, Người phán xử được khán giả đón nhận nồng hậu, coi như những nỗ lực của 2 nghệ sĩ nói riêng và cả ê-kíp nói chung đã được phần nào bù đắp. Và khán giả hoàn toàn có quyền hy vọng rằng, khi chúng ta dành cho họ những cảm xúc nhiệt thành, hồn hậu, tức là đã tiếp thêm cho họ nguồn sức lực để đi những bước dài hơi, mạnh mẽ hơn trên con đường nghệ thuật, làm ra các tác phẩm chất lượng, tử tế đền đáp lại cho khán giả.

Theo  Tri thức trực tuyến

Ý kiến bạn đọc