(VnMedia) - Nga đang thực hiện chương trình tái vũ trang cho lực lượng vũ trang của mình tới năm 2020. Theo đó, nhiều vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại sẽ được biên chế cho lực lượng này nhằm tăng cường thêm sức mạnh phòng thủ, cũng như khẳng định vị thế của quân đội Nga trên trường quốc tế. Vũ khí Nga luôn được đánh giá cao trên tất cả các mặt trận từ trên bộ, trên không, lẫn trên biển.
Sau đây là chùm ảnh các loại vũ khí “khủng” nhất của các quân chủng vũ trang Nga:
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3. T-72B3 là mẫu nâng cấp mức độ sâu loại xe tăng chiến đấu chủ lực huyền thoại T-72. Xe tăng được hiện đại hóa hệ thống động cơ với động cơ diesel mới 1.130 mã lực, hệ thống kiểm soát kĩ thuật số. Xe được trang bị thêm hệ thống trinh sát; trang bị giáp ERA Kontakt-5 mới, được bố trí lắp đặt giống như xe tăng T-90A.
Hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa S-400. S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.
Hệ thống tên lửa RS-24 Yars. RS-24 Yars là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới, có biệt danh là “Con trai của Satan”. Về cơ bản, đây là phiên bản nâng cấp đa đầu đạn của tổ hợp tên lửa Topol-M. Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn mục tiêu độc lập, được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa ở tầm phóng lên tới 12.000 km.
Hệ thống tên lửa Pantsir-S. Pantsir-S1 (NATO gọi là: SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa/pháo phòng không có khả năng tiêu diệt hầu hết các mục tiêu trên không trong phạm vi ngắn và trung. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Hệ thống pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S do Viện thiết kế KBP ở thành phố Tula nghiên cứu chế tạo năm 1994 và lần đầu tiên được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS-1995. Từ đó, hệ thống được hiện đại hóa đáng kể, biến thể mới nhất đã được trưng bày tại triển lãm MAKS-2007.
Hệ thống tên lửa S-300. Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi. S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu tên lửa đạn đạo, đồng thời được coi là một trong những hệ thống chống máy bay và tên lửa đạn đạo mạnh nhất hiện nay với tầm bắn lên đến hơn 150 km và ở độ cao lên tới 27 km. S-300 cũng sở hữu sức mạnh ngăn chặn cả chiến đấu cơ tàng hình.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35. Sukhoi Su-35S là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng có khả năng chiếm ưu thế trên không và yểm hộ hỏa lực mặt đất . . Bản thân chiến đấu cơ thế hệ 4++ này có dải công tác rất rộng, bao gồm cả khả năng độc lập tác chiến. Tính năng chiến đấu của Su-35 có thể tương đương với nhiều dòng máy bay thế hệ 5. Nó được ca ngợi là máy bay tiêm kích thế hệ 4++ sử dụng công nghệ thế hệ thứ 5.
Radar Voronezh-DM
Chiến đấu cơ Su-30MKI. Su-30MKI là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4,5 hạng nặng, tầm xa và có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. Su-30MKI là máy bay chiến đấu 2 phi công, tải trọng tối đa lên đến 38,8 tấn, trọng lượng không tải là 18,4 tấn, tốc độ tối đa là Mach 1,9 tương đương 2120km/h. Chiến đấu cơ này có cao độ 17.300 mét và có tầm hoạt động vào khoảng 3.000km khi ở độ cao tối đa, tầm hoạt động trung bình là 5000 km.
Chiến đấu cơ MiG-29. Được đánh giá là dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ, thế hệ thứ 4, MiG-29 có khả năng đạt tốc độ tối đa tới 2.200km/giờ, tầm hoạt động 2.000km, nhưng khi được tiếp dầu trên không tầm hoạt động của máy bay có thể lên đến 6.000km. MiG-29 có thể sử dụng được 10 loại tên lửa, 4 loại bom, cùng nhiều thiết bị gây nhiễu… Tuy được thiết kế với định hướng chủ yếu là đánh chặn nhưng MiG-29 cũng có khả năng tấn công mặt đất khá mạnh. Trang bị hỏa lực chính của máy bay này là một pháo bắn nhanh 30mm và 7 giá treo vũ khí 2 bên cánh, cho phép lắp bom, tên lửa và thùng dầu phụ.
Trực thăng Mi-28N. Trực thăng tấn công Mi-28N là biến thể của trực thăng tấn công Mi-28 do Nga sản xuất, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tìm, diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, mục tiêu kiên cố, mục tiêu trên không chi viện hỏa lực cho lục quân. Nó có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cả ban ngày và ban đêm.
Tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich.Tàu Đô đốc Grigorovich là khinh hạm đầu tiên trong số 6 con tàu thuộc dự án 11356 được thiết kế cho Hạm đội Biển Đen Nga. Đô đốc Grigorovich là tàu hộ tống đa năng thuộc lớp tàu 11356 (Viện thiết kế Phương Bắc thiết kế), đặt đóng ngày 18/12/2010 ở xưởng đóng tàu Yantar tại Kaliningrad, hạ thuỷ ngày 14/3/2014. Hải quân Nga dự kiến đặt đóng 6 chiếc loại này, và chiếc thứ 2 là Đô đốc Essen đã hạ thuỷ tháng 11/2014. Đây là loại tàu khu trục mới nhất của Nga, có khả năng tàng hình, chống hạm, chống ngầm và phòng không. Chiếc đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei mang tên Vladimir Monomakh ở căn cứ của Hạm đội phương Bắc. Tàu ngầm lớp Borei nằm trong một dự án nâng cấp lực lượng tấn công hạt nhân dưới biển của Hải quân Nga với trị giá 755 triệu USD. Tàu ngầm lớp Borei có chiều dài 170m, rộng 13,5m, lượng choán nước tối đa đạt đến 24.000 tấn. Tàu có khả năng lặn ở độ sâu tối đa 480m và di chuyển với tốc độ 29 dặm/giờ. Tàu có thể hoạt động độc lập trong 90 ngày đêm với thủy thủ đoàn 107 người mà không cần hỗ trợ từ bên ngoài. Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei được kỳ vọng sẽ trở thành xương sống của lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược Nga sau năm 2018, thay thế các tàu ngầm đã già cỗi thuộc lớp Typhoon, Delta-3 và Delta-4. Các chuyên gia Nga từng ca ngợi tàu ngầm lớp Borei là loại tàu ngầm tấn công uy lực nhất thế giớ với biệt danh là "quái vật biển".
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc