Mỹ tung siêu vũ khí khiến "ông lớn" Nga cũng phải cúi đầu?

07:33, 11/05/2017
|

(VnMedia) - Trong một động thái có thể dẫn tới sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn nữa của Mỹ ở Baltics, giới chức quốc phòng ở thủ đô Washington mới đây tiết lộ, một khẩu đội tên lửa Patriot có thể được triển khai đến Lithuania nhằm đối phó với cái gọi là sự gây hấn của Nga. Bước đi này nếu được thực hiện chắc chắn sẽ khiến Moscow không tránh khỏi cảm giác tức giận và bất an.

"Chúng tôi ở đây chỉ đơn giản là vì mục đích phòng thủ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu khi có chuyến thăm đến Lithuania ngày hôm qua (10/5). Mặc dù không xác nhận về kế hoạch triển khai tên lửa Patriot, ông Mattis cho biết, “Tất cả mọi người điều biết đó không phải là một năng lực tấn công. Đối với bất kỳ ai nói điều gì, tôi sẽ chỉ khẳng định rằng tôi quá tôn trọng quân đội Nga để nghĩ rằng họ thực sự tin có bất kỳ năng lực tấn công nào trong kế hoạch đó”.

Washington sẽ "chỉ triển khai những hệ thống phòng thủ để đảm bảo chắc chắn rằng chủ quyền được tôn trọng. Các hệ thống cụ thể mà chúng tôi đưa đến là những hệ thống vũ khí mà chúng tôi tin là cần thiết”, ông Mattis nhấn mạnh trong cuộc họp báo với Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite.

Thông tin về khả năng Mỹ đem tên lửa Patriot đến Lithuania được đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị cho cuộc tập trận Zapad rầm rộ ở phía tây đất nước. Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 9 với sự tham gia của tới 100.000 binh sĩ Nga. Cuộc tập trận Zapad cũng sẽ được tổ chức ở khu vực Kaliningrad – nơi nằm giữa hai nước Ba Lan và Lithuania.

Tên lửa Patriot
Tên lửa Patriot

 

 

 

 

 

 

 

Sự hiện diện quân sự dày đặc của Nga ở gần biên giới gây lo ngại cho Lithuania và Tổng thống Grybauskaite cho biết, Bộ trưởng Mattis hiểu về nỗi quan ngại đó.

Ông Grybauskaite cũng thận trọng không nói nhiều về kế hoạch triển khai tên lửa Patriot, chỉ nói rằng “chúng tôi cần mọi phương tiện cần thiết để phòng thủ và răn đe. Đó là những gì chúng tôi sẽ quyết định thực hiện cùng nhau”.

Patriot là hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.

Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h. Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.

Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.

Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.

Việc Mỹ dự định đưa Patriot đến nước láng giềng của Nga là hành động làm leo thang căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và NATO tiếp tục đưa ra lý do về sự “gây hấn, xâm lược của Nga” làm cái cớ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Moscow chỉ trích kịch liệt các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO ở xung quanh biên giới của họ, nói rằng diễn biến đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra những vụ việc đáng tiếc và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc