Mỹ giăng "thiên la địa võng", Triều Tiên không thể thoát?

13:35, 02/05/2017
|

(VnMedia) - Sau tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, lá chắn tên lửa, Mỹ lại tung thêm những chiếc máy bay ném bom chiến lược uy lực đến bán đảo Triều Tiên, tạo thành một “trận địa” vũ khí cực mạnh. Những động thái cứng rắn và quyết liệt như vậy của Mỹ đẩy tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang nghiêm trọng và gây lo ngại.

Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm nay (2/5) thông báo, những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B của họ vừa thực hiện chuyến bay qua không phận bán đảo Triều Tiên trong một cuộc tập trận chung với lực lượng không quân của hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hai chiếc máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã xuất phát từ Căn cứ Không quân Andersen ở Guam ngày hôm qua (1/5) và bay thẳng đến bán đảo Triều Tiên.

"Mỹ đã thực hiện các chiến dịch Hiện diện Liên tục của Máy bay Ném bom như một phần của hoạt động triển khai năng lực định kỳ nhằm thể hiện sự ủng hộ cho an ninh khu vực cũng như an ninh của các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á-Thái Bình Dương", phát ngôn viên Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ - Trung tá Lori Hodge cho hãng tin Yonhap biết.

B1-Lancer là máy bay ném bom chiến lược siêu thanh cánh cụp cánh xòe do công ty Rockwell Mỹ nghiên cứu chế tạo từ những năm 70. Máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực, tốc độ bay tối đa lên đến 1.448 km/h, có khả năng mang tên lửa hành trình và tên lửa tấn công tầm ngắn. B1-B là dòng máy bay được cải tiến từ B1. Không quân Mỹ nhận định B1-B là máy bay ném bom chiến lược ưu việt về nhiều mặt như tốc độ, hành trình bay, và tải trọng bay cũng như khả năng ném bom tầm thấp chớp nhoáng.

B-1B có thể bay trên độ cao gần 6km với khoang bom chứa 35 tấn vũ khí để chờ đợi mệnh lệnh từ các đơn vị mặt đất. Nhờ mang được lượng vũ khí lớn, B-1B trở thành phương tiện không thể thay thế trong các hoạt động chiến sự quy mô lớn.

Những chiếc B-1B được Mỹ phái đến khu vực trong bối cảnh nước này đã cho triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công hùng mạnh USS Carl Vinson và cả tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đến áp sát Triều Tiên. Cùng với đó, Mỹ cũng dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Máy bay ném bom của Mỹ
Máy bay ném bom B-1B của Mỹ
Máy bay ném bom của MỹB-1B trở thành phương tiện không thể thay thế trong các hoạt động chiến sự quy mô lớn của Mỹ.
Mỹ thường xuyên tung B-1B đi uy hiếp Triều Tiên
Mỹ thường xuyên tung B-1B đi uy hiếp Triều Tiên
USS Carl VinsonTàu ngầm hạt nhân Michigan cũng là vũ khí được Mỹ lựa chọn để răn đe Triều Tiên lần này
Tàu ngầm hạt nhân Michigan có sức mạnh đáng sợ
Tàu ngầm hạt nhân Michigan có sức mạnh đáng sợ
USS Carl Vinson
Tàu sân bay USS Carl Vinson
Nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đang áp sát Triều Tiên
Nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đang áp sát Triều Tiên
Tàu sân bay vốn được ví là vũ khí bá chủ đại dương bởi sức mạnh vô địch của nó ở trên biển
Tàu sân bay vốn được ví là vũ khí bá chủ đại dương bởi sức mạnh vô địch của nó ở trên biển
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD
THAAD sẽ là vũ khí khiến tên lửa của Triều Tiên tê liệt
THAAD sẽ là vũ khí khiến tên lửa của Triều Tiên tê liệt
Hệ thống THAAD
Hệ thống THAAD

USS Carl Vinson là tàu sân bay thứ ba thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz. Tàu được đặt tên Carl Vinson, đại biểu Quốc hội bang Georgia để ghi nhận những đóng góp của ông cho Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ là những tàu chiến lớn nhất, tối tân nhất và cũng đắt nhất thế giới. Mỗi chiếc có thể phục vụ khoảng 50 năm và chỉ tái nạp nhiên liệu một lần duy nhất trong đời. Mỹ có 10 tàu sân bay lớp Nimitz. Những con tàu này chạy bằng năng lượng hạt nhân  và thông thường có chiều dài khoảng 333 m, lượng choán nước trên 100.000 tấn. Tàu sân bay USS Carl Vinson mang theo 90 máy bay các loại, trong đó có chiến đấu cơ F/A-18F Super Honets, E-2C Hawkeye và EA-18G Growler. Tàu sân bay USS Carl Vinson có lượng choán nước tới 113.000 tấn và sở hữu sức mạnh tác chiến vượt trội, gần như không có đối thủ.

Tàu ngầm hạt nhân Michigan là tàu ngầm lớp Ohio thứ hai của Hải quân Mỹ. Con tàu này có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 1.600 km với các tên lửa Tomahawk. Nó được cho là sẽ tiến hành các nhiệm vụ trinh sát khi gia nhập với nhóm tàu sân bay.

Lực lượng chiến hạm hùng hậu này trong những ngày qua liên tiếp tập trận với các lực lượng Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Tổ hợp phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km.

Dàn vũ khí uy lực của Mỹ gồm nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson, tàu ngầm thiện chiến Michigan, hệ thống THAAD và máy bay ném bom B-1B có thể được xem là lời cảnh báo, răn đe mạnh mẽ nhất mà Washington muốn gửi đến chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sau những vụ phóng tên lửa đầy thách thức liên tiếp trong thời gian qua.

Việc Mỹ tập kết hàng loạt vũ khí với sức mạnh “khủng” như trên ở bán đảo Triều Tiên cùng với sự kiện Tổng thống Donald Trump từng thẳng tay ra lệnh cho quân đội nã hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào Syria khiến nhiều người lo ngại, ông Trump có thể dùng vũ lực với Bình Nhưỡng. Đây là viễn cảnh thực sự đáng sợ cho khu vực bởi Triều Tiên cũng cho thấy họ quyết không khoan nhượng và sẵn sàng đối đầu với Mỹ. Một kịch bản như thế có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc