Nút giao Thanh Trì, Long Biên, Phú Thượng, Trường Sa - Hoàng Sa xây dựng các cầu vượt cạn và những vòng xoay hình cánh hoa tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho các tuyến đường ở thủ đô.
Nút giao hình bông hoa tại đường Trường Sa - Hoàng Sa (ngang ảnh) giao với đường Võ Nguyên Giáp (dọc ảnh) thuộc thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Rẽ phải các phương tiện sẽ về phía cầu Đông Trù, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, đi thẳng tiến về sân bay Nội Bài, huyện Sóc Sơn, rẽ trái là đường Hoàng Sa rồi tới đường Võ Văn Kiệt.
Tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 15 km, rộng 70-100 m. Sau khi đi từ nội thành qua cầu Nhật Tân người đi đường sẽ gặp điểm giao cắt này.
Với 6 làn xe chạy, tốc độ tối đa 80 km/h, đường Võ Nguyên Giáp khởi công từ tháng 8/2012, khánh thành vào đầu năm 2015 cùng với công trình cầu Nhật Tân và nhà ga T2 sân bay Nội Bài.
Bản đồ nút giao Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Google Maps.
Nút giao Phú Thượng (hay còn gọi là nút giao phía nam cầu Nhật Tân) có hình dạng bán hoa là điểm kết nối giữa các tuyến đường An Dương Vương, Võ Chí Công.
Để làm đường dẫn từ đường Võ Chí Công lên cầu Nhật Tân, đơn vị thi công đã thiết kế và xây dựng một cây cầu vượt qua đê Hữu Hồng rộng 17,5 m qua nút giao Phú Thượng.
Nút giao này được xây dựng làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kết nối với đường đê Hữu Hồng hiện hữu, giai đoạn 2 kết nối với đường trục Đông Ngạc - Yên Phụ là đường trục chính theo quy hoạch.
Nút giao được tính toán trong điều kiện hình thành cùng với tuyến Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy để phân phối lưu lượng giao thông và kết quả nghiên cứu có thể khai thác tới 2020.
Nút giao Phú Thượng. Ảnh: Google Maps.
Nút giao Thanh Trì - quốc lộ 5 lớn nhất Hà Nội khánh thành tháng 10/2015. Đây là dự án xây dựng cải thiện nút giao cũ dạng bán hoa thị thành nút giao liên thông khác mức kiểu hoa thị hoàn chỉnh.
Đường tại đây có thiết kế rộng 60 m, vận tốc xe chạy 80 km/h, vận tốc thiết kế 40 km/h, bề rộng nhánh 1, 2, 3 là 7,1 m; nhánh 4 là 9,1 m; đường vành đai 3 đoạn vuốt nối với nhánh cầu được mở rộng quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng 52,5 m.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, thực hiện trong 12 tháng. Hai đơn vị thực hiện gói thầu chính là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Tổng công ty Thăng Long.
Để hoàn thiện nút giao này, các nhà thầu đã mở rộng quốc lộ 5 qua đây rộng 60 m; xây dựng thêm 4 nhánh cầu từ đường phía bắc cầu Thanh Trì kết nối với quốc lộ 5 chiều Hà Nội - Hải Phòng để tách nhập từ đường vành đai 3 với quốc lộ 5.
Bản đồ khu vực nút giao Thanh Trì - Quốc lộ 5. Ảnh: Google Maps.
Nút giao Thanh Trì và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ cách nút giao Thanh Trì - Quốc lộ 5 hơn 1 km.
Từ đây, các phương tiện có thể lựa chọn lối đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5 hoặc quốc lộ 1 tiến về phía Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn.
Dự án bao gồm gói thầu số 1 mở rộng quốc lộ 5 qua nút mặt đường rộng 60 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Nút giao Thanh Trì - Cao tốc Hà Nội Hải Phòng. Ảnh: Google Maps.
Nút giao thông trung tâm quận Long Biên khởi công năm 2014 gồm hạng mục chính là cầu vượt qua vòng xuyến với 6 làn xe cơ giới, tổng chiều dài hơn 800 m.
Nút giao nằm giữa Quốc lộ 5, đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh. Phía xa trong ảnh là sông Đuống và cầu Đông Trù.
Nút giao Long Biên được hoàn thiện đồng bộ gồm cầu vượt thép lớn nhất Việt Nam, hầm chui đường sắt, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Nút giao này cũng là trục giao thông chính phục vụ các khu công nghiệp, khu đô thị phía bắc sông Hồng, khép kín đường vành đai 2 đoạn phía đông bắc thủ đô
Nút giao trung tâm quận Long Biên. Ảnh: Google Maps.
(theo Zing)
Ý kiến bạn đọc