7 cường quốc đồng loạt lên tiếng về Biển Đông, Trung Quốc nóng mặt

12:13, 28/05/2017
|

(VnMedia) - Trung Quốc để thể hiện sự tức giận trước việc 7 cường quốc lớn nhất thế giới đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại về những cuộc tranh chấp nóng bỏng đang diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Cuộc họp thượng đỉnh G7 vừa diễn ra trong 2 ngày ở Italia
Cuộc họp thượng đỉnh G7 vừa diễn ra trong 2 ngày ở Italia
G7 vừa ra thông cáo về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông
G7 vừa ra thông cáo về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông
Lãnh đạo các nước G7
Lãnh đạo các nước G7
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa có hành động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Bắc Kinh kịch liệt phản đối tuyên bố của các nước trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia, trong đó các nước này đã thể hiện sự lo ngại trước một loạt cuộc tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Lu Kang hôm nay (28/5) cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đã được tổ chức ở thành phố Taormina trên đảo Sicily của Italia trong hai ngày 26 và 27/5. Lãnh đạo của 7 nước thành viên Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ và Anh cùng với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đều đến tham gia hội nghị lần này.

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một loạt cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông có liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng xung quanh. Trong thông cáo được phát đi, lãnh đạo các nước G7 đã bày tỏ sự phản đối đối với “bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây căng thẳng” ở những điểm nóng nói trên. G7 cũng kêu gọi tất cả các bên có liên quan đến tranh chấp trong khu vực thực hiện tiến trình phi quân sự hóa.

Trung Quốc đang có tranh chấp đối quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông với Nhật Bản.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đang có tranh chấp với 4 nước láng giềng gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Thông cáo bày tỏ sự quan ngại của G7 được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tranh chấp ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang rất căng thẳng, đặc biệt là ở Biển Đông. Hồi đầu tuần này, Hải quân Mỹ vừa phái một tàu chiến đi vào khu vực thuộc phạm vi 12 hải lý so với đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, khiến Trung Quốc sôi sục tức giận. Đây là lần đầu tiên chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thách thức Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chưa hết, chiến đấu cơ và máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc đã có hai cuộc chạm trán nóng bỏng trên bầu trời ở Biển Đông chỉ trong vài ngày trở lại đây.

Trung Quốc tức giận trước thông cáo của G7

Trung Quốc đã rất tức giận trước việc các nước G7 đồng loạt lên tiếng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đã nhanh chóng ra tuyên bố thể hiện thái độ của họ.

“Chúng tôi rất chú ý đến tình hình hiện nay. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 đề cập đến vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông dưới cái cớ luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết trong tuyên bố. Ông này nhấn mạnh, xung đột ở Biển Đông chỉ nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán của những nước có liên quan.

Trung Quốc “rất không hài lòng” trước sự đề cập đó và cho rằng các nước G7 nên chấm dứt việc đưa ra những phát biểu “vô trách nhiệm” như vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Ông Lu Kang còn khẳng định, Trung Quốc cam kết sẽ giải quyết đúng đắn các cuộc tranh chấp với tất cả những nước có liên quan thông qua đàm phán trong khi vẫn đảm bảo hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

“Bắc Kinh hy vọng, G7 và các nước khác nền kiềm chế, không thể hiện lập trường đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp, tôn trọng đầy đủ nỗ lực của các nước trong khu vực trong việc xử lý tranh chấp và không đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm”, ông Lu nói thêm.

Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong khuôn khổ song phương, với từng nước một để dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn. Bất kỳ hành động nào nhằm quốc tế hóa cuộc tranh chấp ở Biển Đông đều vấp phải sự phản đối dữ dội của Trung Quốc. Bắc Kinh đang có tham vọng độc chiếm Biển Đông và đây là điều mà cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận. Chính vì thế, ngày càng có nhiều nước không có liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông lên tiếng về vấn đề này.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc